21:56 12/03/2024

Nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Ngày 12-13/3, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về thực hiện quyền trẻ em và kỹ năng làm việc với trẻ em, giúp đội ngũ luật sư tham gia hiệu quả hơn trong công tác trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Dự án “Nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa, tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhóm yếu thế, dễ tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em phù hợp với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan” do Hội BVQTEVN thực hiện từ tháng 6/2023 đến tháng 4/2024 tại Hà Nội và Hoà Bình là 1 trong 10 sáng kiến thuộc hợp phần dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp phê duyệt. 

Tham dự hội thảo, về phía cơ quan Nhà nước có bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), TS. Vũ Thị Kim Hoa – Ủy viên Ban Thường vụ Thường trực Hội BVQTEVN, đại diện Cục Phổ biến giáo dục, pháp luật (Bộ Tư pháp). Về phía Hội BVQTEVN có sự tham dự của ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội.

01710241946.jpeg
Toàn cảnh buổi Hội thảo - tập huấn (Ảnh: Hương Giang).

Đại diện Nhà tài trợ có ông Jan Lucas Zimmer - Quản lý dự án EU JULE, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên Cao cấp Vụ Tổ chức Phi Chính Phủ, Bộ Nội vụ, thành viên Ban Xét duyệt dự án JITF. 

Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Đoàn luật sư TP. Hoà Bình, luật sư tại các công ty luật, văn phòng luật sư địa bàn TP. Hà Nội, đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và học viên của trường Đại học Luật Hà Nội. 

IMG_4078
Các đại biểu dự buổi tập huấn (Ảnh: Hương Giang).

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN cho biết, dự án được triển khai ở Việt Nam trong nhiều năm, trong đó Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã được dự án hỗ trợ và tiến hành thực hiện 2 đợt tại TP. Hà Nội và tỉnh Hoà Bình. Hiện nay, dự án đang được triển khai ở nhiều địa bàn khác nhau, tập trung vào việc nâng cao năng lực cho các cán bộ tư pháp trong việc bảo vệ quyền của nhóm yếu thế, gồm phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong các vụ án xâm hại trẻ em trên cả nước. 

IMG_4009
Ông Hà Đình Bốn gửi lời cảm ơn đến Ban quản lý dự án cùng các Bộ, ngành đã hỗ trợ, đồng hành cùng Hội trong việc triển khai dự án (Ảnh: Hương Giang).

“Trong thời gian qua, được sự cộng tác của các luật sư và sự hỗ trợ kỹ thuật của Ban dự án, dự án đã được triển khai một cách đồng bộ trên mọi địa bàn và đi vào hoạt động. Nhiều trẻ em bị xâm hại đã được thụ hưởng những quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, được bảo vệ kịp thời, nhanh chóng. 

Để làm được điều đó, chúng tôi đã tăng cường tích cực tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chính sách pháp luật về trẻ em tới các đối tượng là trẻ em, gia đình trẻ em, những người quản lý, chăm sóc trẻ em nhằm xây dựng môi trường thân thiện đối với trẻ em, một mạng lưới bảo vệ trẻ em từ trung ương đến cơ sở”, ông Hà Đình Bốn chia sẻ.

Ông Hà Đình Bốn cho biết, ở vùng sâu vùng xa vẫn có trẻ em chưa được đến trường, chưa được khám bệnh kịp thời, trẻ em bị xâm hại chưa được phát hiện, một số trẻ em khuyết tật chưa được chăm sóc. Do đó, mong muốn các luật gia, luật sư tâm huyết trên cả nước ngày càng nâng cao kiến thức pháp luật về trẻ em, hiểu biết tâm lý trẻ em, tâm lý tội phạm về trẻ em để có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền trẻ em một cách tốt nhất trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. 

IMG_4017
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) phát biểu tại buổi tập huấn (Ảnh: Hương Giang).

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) đánh giá, hiện nay vẫn còn tồn tại một số thách thức với công tác trẻ em. Trẻ em chiếm tỷ lệ 25,5% tổng dân số, trong đó theo số liệu Bộ Công an, tỷ lệ xâm hại trẻ em tăng 9,2%, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82%, một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng do người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là thủ phạm.

Bên cạnh đó, bạo lực trường học tiếp tục diễn biến phức tạp, một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng; Một số vụ bắt cóc trẻ em có tính chất manh động, nhằm mục đích tống tiền, có vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng (giết trẻ em), gây mất an ninh, an toàn và bức xúc dư luận xã hội.

Bà Hoa đề xuất 5 nhóm giải pháp trọng tâm bảo vệ trẻ em như: Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trẻ em; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra ban, ngành; Phối hợp liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em; Củng cố kiện toàn nguồn nhân lực thực hiện quyền trẻ em; Mở rộng hội nhập quốc tế về quyền trẻ em.

Cũng tại buổi tập huấn, TS. Vũ Thị Kim Hoa – Ủy viên Ban Thường vụ Thường trực Hội BVQTEVN đã chia sẻ về một số nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ tại cộng đồng; Các quy định về bảo vệ an toàn cho trẻ trong cộng đồng hiện nay; Chính sách bảo vệ an toàn cho trẻ em của Hội BVQTEVN.

IMG_4024
TS. Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ về chính sách bảo vệ an toàn trẻ em trong các hoạt động cộng đồng của Hội và các quy định liên quan khác (Ảnh: Hương Giang).

Một số nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em có thể kể đến như xâm hại bạo lực, lao động trẻ em, tai nạn thương tích, tử vong, đuối nước, giao thông, vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

"Những vấn đề này gây ra hậu quả nặng nề, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; dễ có nguy cơ bị tại nạn, cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ em và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai", bà Hoa nói. 

Do đó, với mục đích xây dựng những quy định cần thiết để phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em một cách toàn diện dựa trên quyền trẻ em, giúp cho những người làm việc cùng trẻ em trong các hoạt động của Hội hiểu rõ và có kỹ năng hỗ trợ phòng tránh và xử lý với các vi phạm về bảo vệ trẻ em trong quá trình hoạt động, Hội BVQTEVN đã đề ra những chính sách bảo vệ an toàn trẻ em như: Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình; Không phân biệt đối xử với trẻ em; Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; Có trách nhiệm thực hiện trong các hoạt động của Hội.

Cũng tại hội thảo, các báo cáo viên còn được hỏi đáp và thảo luận về các nội dung liên quan tới lưu ý bảo vệ trẻ em trong thực hiện hoạt động dự án pháp luật tại cộng đồng được quy định trong các văn bản pháp luật, chính sách an toàn trẻ em của Hội và một số kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý tại cộng đồng.

41710241946.jpeg
51710241946.jpeg
61710241946.jpeg
Thảo luận nhóm tại buổi tập huấn

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận