Nhà giáo Dương Vân Anh dạy con về lòng nhân ái, sự sẻ chia từ lì xì ngày Tết
"Tiền lì xì tuy nhỏ nhưng là một cơ hội để cha mẹ dạy con về quản lý tài chính, quyền sở hữu và các giá trị đạo đức", nhà giáo Dương Vân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam chia sẻ.
LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.
Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
Trò chuyện với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về câu chuyện lì xì vào dịp Tết Ất Tỵ, Nhà giáo Dương Vân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm giúp con hiểu được ý nghĩa, quý trọng tình cảm từ những người tặng lì xì vào năm mới, đồng thời cũng minh bạch số tiền trong các phong bao lì xì, giúp con biết cách quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu hợp lý.
Xin chào Nhà giáo Dương Vân Anh! Ứng xử thế nào với tiền lì xì ngày Tết vẫn luôn là một chủ đề có nhiều quan điểm trái chiều trong những năm qua. Dưới góc nhìn của một nhà giáo, theo cô nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
Nhà giáo Dương Vân Anh: “Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì Tết của con không?” đúng là một chủ đề thú vị nhiều bậc cha mẹ quan tâm, đặc biệt trong dịp Tết đang đến gần. Trước tiên, chúng ta phải khẳng định rằng, lì xì ngày Tết là một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt được gìn giữ từ bao đời nay với mong muốn cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Tiền lì xì là món quà mừng tuổi, mang ý nghĩa chúc phúc, vì vậy các con có quyền cảm nhận rằng đây là tài sản của mình.
Tuy nhiên, do trẻ còn nhỏ, chưa đủ khả năng quản lý, cha mẹ có thể cùng con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó một cách hợp lí, thí dụ như giúp con mở một tài khoản tiết kiệm nhỏ hoặc mua một chú heo đất. Đây là cơ hội để các con hiểu giá trị của việc tiết kiệm và dành dụm cho những mục tiêu lâu dài, chẳng hạn như mua đồ dùng học tập, sách vở, hoặc những món đồ con yêu thích.
Thứ hai, cha mẹ có thể khuyến khích việc chi tiêu hợp lý: Hãy cùng con lập kế hoạch chi tiêu, để con dùng một phần nhỏ tiền lì xì để mua món đồ con yêu thích, đồ dùng học tập hay đồ dùng cần thiết, .... Điều này giúp con học cách chi tiêu có kế hoạch và cảm nhận niềm vui từ việc sử dụng tiền.
Thứ ba, cha mẹ đồng hành để hướng dẫn con chia sẻ: Đây là cơ hội tốt để cha mẹ dạy con về lòng nhân ái. Cha mẹ có thể gợi ý con dùng một phần tiền lì xì để làm từ thiện, như ủng hộ bạn bè khó khăn, quyên góp cho các quỹ cộng đồng, hoặc tặng quà cho người thân.
Cuối cùng cha mẹ hãy giải thích khi cha giữ tiền phần lớn khoản tiền lì xì: Nếu cha mẹ giữ tiền lì xì để sử dụng vào mục đích chung, chẳng hạn như mua sách vở hoặc tiết kiệm cho tương lai của con, hãy giải thích rõ ràng. Điều này giúp các con hiểu rằng số tiền đó vẫn thuộc về con và được sử dụng vì lợi ích tốt nhất cho con.
Điều quan trọng nhất là sự minh bạch, tôn trọng và hướng dẫn. Cha mẹ giúp các con học về giá trị của tiền bạc, cách quản lý tài chính và tinh thần sẻ chia. Điều này không chỉ giúp con phát triển kỹ năng mà còn xây dựng ý thức trách nhiệm từ nhỏ.
Cô có thể chia sẻ cụ thể hơn về hướng dẫn dạy con cách sử dụng tiền hợp lý ra sao để không bị lãng phí?
Nhà giáo Dương Vân Anh: Đây là một vấn đề rất quan trọng trong giáo dục, đặc biệt là ở giai đoạn các con đang hình thành nhận thức về giá trị và trách nhiệm. Tôi luôn cố gắng kết hợp các phương pháp để giúp các con hay học trò của mình hiểu và thực hành sử dụng tiền một cách hợp lý:
Trước tiên, dạy các con về giá trị thực sự của tiền, là kết quả của lao động và nỗ lực, vì vậy cần trân trọng và sử dụng đúng mục đích. Tôi khuyến khích các con phân biệt rõ giữa nhu cầu và mong muốn, từ đó biết ưu tiên những thứ cần thiết hơn.
Thứ hai, hướng dẫn các con cách lập kế hoạch chi tiêu. Ví dụ, tôi thường yêu cầu các con chia nhỏ số tiền của mình thành ba phần: tiết kiệm, chi tiêu cá nhân, và đóng góp cho cộng đồng. Điều này giúp các con học cách quản lý tài chính từ sớm.
Tôi cũng luôn cố gắng làm tấm gương cho các con. Tôi thường chia sẻ cách mình tiết kiệm hoặc sử dụng tiền một cách ý nghĩa, đồng thời kể những câu chuyện thực tế để các con hiểu rằng việc sử dụng tiền hợp lý sẽ mang lại lợi ích lâu dài.
Bên cạnh đó, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sẻ chia. Tôi khuyến khích các con tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, như dành một phần tiền tiêu vặt để giúp đỡ những người khó khăn. Tôi muốn các con hiểu rằng việc cho đi không chỉ là vật chất mà còn là lòng yêu thương và sự đồng cảm.
Tôi tin rằng việc dạy các con cách sử dụng tiền không chỉ là kỹ năng tài chính, mà còn là bài học về trách nhiệm và giá trị sống, giúp các con trưởng thành hơn và biết quan tâm đến mọi người xung quanh.
Để giúp trẻ thực sự hiểu biết và quản lý được cơ bản tài chính cá nhân thì ngay từ đầu cha mẹ nên minh bạch trong việc sử dụng tiền lì xì của con?
Nhà giáo Dương Vân Anh: Tiền lì xì, theo quan điểm của tôi, về mặt ý nghĩa và giá trị, là tiền của con trẻ. Đây là món quà cầu chúc những điều tốt lành mà các con nhận được từ người lớn trong dịp Tết. Sự minh bạch của cha mẹ trong việc sử dụng tiền lì xì của con rất quan trọng:
Thứ nhất, xây dựng niềm tin giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ giải thích rõ ràng về lý do quản lý tiền và cách sử dụng số tiền đó, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và an tâm. Ngược lại, nếu cha mẹ tự ý sử dụng mà không hỏi ý kiến, trẻ có thể cảm thấy bị mất quyền sở hữu và thiếu tin tưởng vào cha mẹ.
Thứ hai, điều này giúp trẻ hình thành ý thức về tài sản cá nhân. Minh bạch trong việc sử dụng tiền lì xì dạy trẻ hiểu rằng tài sản của mình cần được quản lý cẩn thận và có kế hoạch. Điều này giúp các con ý thức hơn về giá trị của tiền bạc và quyền sở hữu của bản thân.
Thứ ba, hỗ trợ các con phát triển kỹ năng quản lý tài chính. Khi cha mẹ minh bạch và khuyến khích con tham gia quyết định cách sử dụng tiền, trẻ sẽ học được cách lập kế hoạch tài chính, cân nhắc giữa chi tiêu và tiết kiệm. Đây là kỹ năng rất quan trọng cho sự trưởng thành sau này.
Thứ tư, tự quyết định về số tiền mừng tuổi sẽ tạo nền tảng cho trách nhiệm tài chính của mỗi cá nhân. Trẻ sẽ học cách chịu trách nhiệm với quyết định tài chính của mình nếu được trao quyền kiểm soát một phần tiền lì xì. Điều này giúp trẻ hiểu rằng tiền không phải để lãng phí mà cần được sử dụng vào mục đích có ý nghĩa.
Và cuối cùng, xây dựng lòng tin vào giá trị đạo đức. Nếu cha mẹ minh bạch và trung thực trong việc xử lý tiền lì xì, trẻ sẽ học được giá trị của sự trung thực và tôn trọng từ gia đình. Những bài học này sẽ ảnh hưởng tích cực đến cách trẻ đối xử với người khác trong tương lai.
Tiền lì xì tuy nhỏ nhưng là một cơ hội để cha mẹ dạy con về quản lý tài chính, quyền sở hữu, và các giá trị đạo đức. Sự minh bạch trong cách xử lý không chỉ giúp xây dựng niềm tin mà còn là nền tảng để trẻ phát triển thành người biết trân trọng và sử dụng tài sản một cách hiệu quả.
Cô vừa nhắc tới sự sẻ chia một phần tiền lì xì của đứa trẻ với cộng đồng, đó là điều vô cùng ý nghĩa. Tại Trường THCS Lĩnh Nam, các thầy cô hướng học trò tới những giá trị gì thông qua những hoạt động thiện nguyện ấy?
Nhà giáo Dương Vân Anh: Các hoạt động thiện nguyện tại nhà trường không chỉ là dịp để học sinh tham gia giúp đỡ cộng đồng, mà còn là cơ hội để các em học hỏi và trưởng thành cả về nhận thức lẫn nhân cách. Thông qua những hoạt động này, chúng tôi mong muốn dạy học trò nhiều bài học quý giá, cụ thể như:
Lòng nhân ái và sự sẻ chia: Chúng tôi mong muốn các em hiểu rằng, mỗi người trong xã hội đều có trách nhiệm giúp đỡ và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động thiện nguyện là cách để các em cảm nhận được niềm hạnh phúc khi trao đi và ý nghĩa của việc sống vì cộng đồng.
Trân trọng những gì mình đang có: Khi tham gia giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, các em sẽ thấy được giá trị của những điều tốt đẹp mình đang có, từ vật chất đến tinh thần. Điều này giúp các em biết quý trọng gia đình, bạn bè và những cơ hội học tập, phát triển mà mình đang được hưởng.
Nhận thức về trách nhiệm xã hội: Chúng tôi muốn truyền tải đến học sinh rằng, thiện nguyện không chỉ là một hành động ngẫu nhiên, mà là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đóng góp xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Tinh thần tích cực và ý chí vượt khó: Qua việc gặp gỡ và giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt, các em sẽ nhận ra rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể sống lạc quan, mạnh mẽ. Điều này khích lệ các em phát triển ý chí và tinh thần vượt khó trong cuộc sống của chính mình.
Giáo dục giá trị sống: Thay vì chỉ học lý thuyết trong sách vở, chúng tôi mong muốn các em trải nghiệm thực tế để hiểu rằng cuộc sống không chỉ là thành công cá nhân, mà còn là sự đóng góp cho cộng đồng.
Thông qua các hoạt động thiện nguyện, chúng tôi mong rằng học sinh không chỉ phát triển về tri thức mà còn trở thành những con người có trái tim nhân hậu, sống trách nhiệm và biết lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Trân trọng cảm ơn Nhà giáo Dương Vân Anh với những chia sẻ sâu sắc!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất