16:36 08/08/2022

Nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành xảy ra: Cần kịp thời phát hiện, tố giác

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Nếu kịp thời tố giác, những thương tổn về vật chất, tinh thần đối với trẻ em bị bạo hành sẽ vơi đi.

Danh
Hình ảnh cắt từ clip người bố ở Hà Tĩnh treo con gái lên trần nhà rồi đánh.

Mới đây, Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương về việc có một trường hợp bệnh nhân là cháu L.Q.Tr (1 tuổi, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.

Qua điều tra sơ bộ xác định, mẹ cháu đi làm công nhân nên đã thuê chị Đoàn Diệu Linh (26 tuổi, ở phường Chùa Thông, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trông cháu Tr với giá 3 triệu đồng/tháng.

Trong quá trình trông cháu Tr, Linh và chồng đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người... dùng băng dính bịt miệng cháu Tr. 

Bên cạnh đó, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng đã vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc bé gái 10 tuổi không mặc quần áo, bị treo lên nhà đánh đập gây bức xúc dư luận.

Ngày 28.7, UBND xã Tân Hòa (huyện Đồng Phú, Bình Phước) cũng xác minh làm rõ vụ việc một bé gái nghi bị bạo hành với nhiều vết thương trên người.

Vụ việc này được phát hiện từ một người hàng xóm. Khi đi chợ về, người này đã mang trái cây qua cho bé ăn. Khi vào nhà, bất ngờ người dân phát hiện trên cơ thể bé có nhiều vết thương trên người. Nghi ngờ bé gái bị đánh đập, bạo hành, người dân này trình báo công an.

Trao đổi về vai trò của người tố giác liên quan đến vụ việc nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD cho biết, trước đây, mọi người nghĩ rằng cha mẹ dạy dỗ con cái là chuyện riêng, người ngoài không nên can thiệp vì gặp phải sự phản bác của những người trong gia đình.  

"Thực tế, gần đây đã có quy định mới, tất cả mọi người đều có trách nhiệm tố giác, báo cáo những hiện tượng được cho rằng có hại cho trẻ em. Đó là trách nhiệm chứ không còn dừng lại ở lòng tốt, sự quan tâm" - bà Vân Anh nói.

Bên cạnh đó, nếu người dân thực sự chứng kiến, nhìn thấy trẻ em bị bạo hành mà không báo cáo, có hậu quả gì xảy ra hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm đối với công dân.

Giám đốc Chương trình Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD khẳng định: "Việc người bên ngoài phát hiện, tố giác kịp thời sẽ làm vơi bớt đi những tổn thất về vật chất và tinh thần cho trẻ em".

Những trường hợp bạo hành trẻ em được báo chí đề cập đến chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế vấn nạn này vẫn còn xảy ra rất nhiều sau cánh cửa của gia đình. 

Bà Vân Anh phân tích: "Chúng ta không nên để khi sự việc nghiêm trọng mới báo cáo, tố giác. Đôi khi chỉ là những tiếng khóc, tiếng động lạ có thể nghi ngờ bạo lực với trẻ em. Bởi vì nếu phát hiện sớm thì những tổn hại sẽ ít hơn. Quá trình can thiệp về mặt tâm lý sâu hơn nhiều".

Việc kịp thời, tố giác trường hợp nghi ngờ trẻ bị bạo hành sẽ làm giảm đi những vụ việc thương tâm, không kịp can thiệp trong thời gian qua. Bởi trong thời gian qua, không ít những vụ việc về bạo lực trẻ em do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân trong gia đình gây nên.

Theo Laodong.vn

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận