Những cổng trường ngay hàng thẳng lối ở Thái Nguyên
Những năm qua nhờ sự nỗ lực tuyên truyền của cơ quan chức năng, mô hình “cổng trường an toàn giao thông” ngày càng lan tỏa ở Thái Nguyên. Thông qua mô hình, tình hình trật tự an toàn giao thông trước các cổng trường luôn được đảm bảo.
Đông nhưng không lộn xộn
Thượng tá Nguyễn Văn Toản, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin, Thái Nguyên là địa phương tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, phổ thông cơ sở. Trước đây, nhận thức về an toàn giao thông của một số em học sinh cấp THPT, THCS còn hạn chế nhất định. Do đó tình hình an toàn giao thông trước công trường khá phức tạp.
Để nâng cao nhận thức chấn chỉnh tình hình trật tự an toan giao thông, từ năm 2020, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị triển khai mô hình “cổng trường an toàn giao thông”. Theo đó, công an phối hợp lực lượng chức năng phân luồng người dân đứng theo hàng lối đón con. Học sinh không đi hàng đôi hàng ba lúc tan tầm. Mô hình này ngày càng lan tỏa và nhân rộng.
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an các phường, nhà trường đóng trên địa bàn để tổ chức, hướng dẫn tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, phối hợp chọn, xây dựng những mô hình tự quản về an toàn giao thông nhiều hơn để đảm bảo tốt việc chấp hành giao thông trong các nhà trường.
Có thể nói, những năm qua, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trở thành một nét đẹp văn hóa được các trường học, phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia, hưởng ứng. Mô hình này đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trường học và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Trường học chuyển động
Thực tế tại phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên, chúng tôi thấy, mỗi sáng sớm, tại khu vực cổng trường Mầm non, Tiểu học và THCS Đồng Bẩm, lực lượng công an, bảo vệ dân phố và Đoàn thanh niên phường phối hợp cùng các nhà trường thực hiện đảm bảo an ninh trật tự - ATGT. Ngay từ cổng trường, những tấm pano, áp phích tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cũng được treo để người dân quan sát, có ý thức chấp hành.
Chị Nguyễn Thị Nhung, phụ huynh học sinh cho biết: "Khi đưa, đón con đến trường chúng tôi đều được hướng dẫn đỗ xe đúng vị trí quy định; không gây mất ATGT, không tụ tập đông người. Tôi nghĩ đây là việc làm hiệu quả cần được duy trì để chấm dứt tình trạng ách tắc giao thông khu vực cổng trường vào đầu và cuối buổi học.
Tại trường Tiểu học Tân Thành, chúng tôi cũng thấy mặc dù vào giờ tan học nhưng trước cổng trường không còn hình ảnh phụ huynh chen lấn, để xe lộn xộn như trước. Hàng loạt xe máy, ô tô được xếp gọn gàng dọc lề đường, chừa chỗ cho xe khác đi lại và đường cho học sinh đi bộ.
Tại trường THPT Gang Thép (thành phố Thái Nguyên) những năm trước đay vẫn còn tình trạng học sinh không chấp hành tốt Luật Giao giao thông đường bộ; một số phụ huynh khi đưa đón con chưa tuân thủ quy định khi sang đường và chuyển hướng gây ùn tắc và thiếu an toàn. Số lượng học sinh đông trong khi đường vào trường rất hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” những chuyển biến tích cực đã được ghi nhận. Là thành viên tổ tự quản của trường THPT Gang Thép, cứ 11h30 mỗi ngày, em Trần Huyền Trang, học sinh trường THPT Giang Thép đều khẩn trương tập trung tại khu vực cổng trường để thực hiện nhiệm vụ.
Trang chia sẻ: “Để tham gia vào tổ tự quản, em đã tự tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ cũng như các tình huống để xử lý khi gặp vấn đề về an toàn giao thông và hướng dẫn vị trí gửi xe cũng như giải quyết tình huống cho các bạn học sinh, đồng thời học thêm cách ứng xử văn minh khi tham gia giao thông”.
Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, sau khi thành lập Tổ tự quản “Cổng trường an toàn giao thông”, trường THPT Gang Thép đã quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định về đội mũ bảo hiểm; không điều khiển xe khi không có giấy phép lái xe và tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ; lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông trong các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Đồng thời, nhà trường tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết trong việc không giao xe máy cho học sinh khi không có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông và điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.
Nhà trường tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết thực hiện Luật Gia thông đường bộ; chủ động phối hợp với Công an phường Trung Thành, các hộ dân giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực cổng trường.
Tổ tự quản duy trì trực tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc giao thông; phối hợp với công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh.
Sau thời gian triển khai, mô hình đã mang lại những chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức tham gia giao thông đối với các cán bộ, giáo viên và học sinh. Thầy giáo Phạm Bá Huân, Phó Hiệu trưởng trường THPT Gang Thép cho biết: “Sau khi có sự phối hợp giữa Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh với trường THPT Gang Thép về mô hình Cổng trường an toàn giao thông, chúng tôi thấy đây là mô hình rất ý nghĩa, có sự chuyển biến tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về ý thức tham gia giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc ở cổng trường. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Nhà trường thực hiện tốt công tác này; đề xuất cung cấp thêm pano, áp phích tuyên truyền về công tác an toàn giao thông để làm tốt công tác tuyên truyền cho các em học sinh trong thời gian tới”.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất