Những khoảnh khắc ám ảnh về tác động của Covid-19 đối với trẻ em
Hoài Linh
Vào năm 2021-2022, nhiếp ảnh gia Jan Grarup đã đặt chân đến 3 quốc gia ở 3 lục địa khác nhau bao gồm: Haiti, Lebanon và Uganda để ghi lại sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em.
Năm 2022 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 60 năm Hoạt động Cung ứng và Hậu cần toàn cầu của UNICEF tại Đan Mạch phục vụ trẻ em trên thế giới. Trải qua nhiều thiên tai, xung đột và phong tỏa, các hoạt động này vẫn được nhà kho nhân đạo lớn nhất thế giới, Trung tâm Cung ứng và Hậu cần của UNICEF ở Copenhagen tiếp tục thực hiện và không bị gián đoạn. Điểm đến của những hoạt động này là gì? Đó chính là mọi đứa trẻ.
Nhiếp ảnh gia từng giành rất nhiều giải thưởng - Jan Grarup đã thực hiện thử thách kể câu chuyện về việc nguồn cung cấp của UNICEF thay đổi cuộc sống của trẻ em và các hộ gia đình ở một số nơi khó khăn nhất trên thế giới như thế nào.
Vào năm 2021 và 2022, ông Jan Grarup đã đặt chân đến 3 quốc gia khác nhau ở 3 lục địa khác nhau bao gồm: Haiti, Lebanon và Uganda để ghi lại sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em.
Quyết tâm của UNICEF trong việc vượt qua rất nhiều trở ngại để tiếp tục tiếp cận đến những trẻ em dễ bị tổn thương chính là sợi dây vô hình gắn kết để có được những bức ảnh này.
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thế giới đã trở thành một nơi khó khăn đối với hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương và gia đình của các em.
Covid-19 và các biện pháp phong tỏa đã khiến cuộc sống của nhiều trẻ em biến động. Có khoảng 60 triệu trẻ em phải đối mặt với nghèo đói, khi các gia đình mất sinh kế.
Sự quá tải của các dịch vụ y tế đã làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Ngoài ra, có khoảng 7 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể gầy còm - dạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất.
Tính riêng năm 2021, UNICEF đã bỏ ra khoảng 7,1 tỷ đô la Mỹ để hỗ trợ cho trẻ em ở 160 quốc gia và khu vực về vật tư và dịch vụ. Để giao hàng kịp thời, các tổ chức cung ứng và hậu cần đã hỗ trợ vận chuyển xuyên suốt ngày đêm trên toàn thế giới giúp cứu cánh cho hàng triệu trẻ em.