Những lưu ý khi dùng thiết bị sưởi đảm bảo an toàn
Các chuyên gia khuyến cáo, lạm dụng quạt hay đèn sưởi quá nhiều là một điều nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ sơ sinh lẫn người lớn. Do vậy, cần biết cách sử dụng đúng cách để tránh gây hại cho trẻ.
Những năm gần đây, xu hướng sử dụng các thiệt bị giữ nhiệt trong nhà khi mùa đông đến ngày càng trở nên phổ biến. Các loại máy giữ nhiệt này sẽ giúp nhiệt độ phòng ấm lên so với nhiệt độ lạnh giá bên ngoài, đặc biệt thích hợp với những gia đình có người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết cách sử dụng đúng cách để tránh gây hại cho trẻ.
Đặt thiết bị sưởi ở khoảng cách an toàn
Để quạt, đèn sưởi ở khoảng cách an toàn cho bé, tùy từng loại, công suất hay kích thước phòng. Các bậc cha mẹ nên lưu ý vì nhiệt lượng từ quạt tỏa ra khá mạnh nên để quạt quá gần dễ khiến trẻ bị bỏng nhiệt.
Bạn có thể sử dụng đèn sưởi hồng ngoại cho bé trong phòng tắm, thay vì sử dụng các thiết bị sưởi khác như quạt sưởi, máy sưởi.
Đèn âm trần cho bé có công suất nhỏ với các chức năng để sưởi ấm, không làm khô không khí, không gây hại cho da và hô hấp của bé.
Không nên bật - tắt đèn đột ngột
Nên bật quạt hay đèn sưởi trước khoảng 5-10 phút để quạt tỏa nhiệt khắp phòng, sau đó mới đưa trẻ vào.
Khi dùng thiết bị sưởi, bố mẹ cũng nên lưu ý không được bật - tắt quá đột ngột. Mỗi quạt đều có chức năng điều chỉnh nhiệt độ nên cần giảm nhiệt dần rồi mới tắt. Điều này vừa giúp bé yêu dần thích ứng với nhiệt độ vừa giúp bảo vệ quạt được tốt hơn.
Chỉnh nhiệt độ thích hợp
Khi bật thiết bị sưởi, bố mẹ nên lưu tâm về nhiệt độ, thích hợp nhất là để từ 20 - 25 độ. Đây là nhiệt độ không quá nóng, không chênh lệch nhiều với mức nhiệt ngoài trời, được chứng minh thích hợp với khí hậu nước ta và phù hợp với làn da nhạy cảm của bé.
Bên cạnh đó, nhiệt độ như trên cũng tránh hiện tượng sốc nhiệt khi cho bé từ trong nhà (trong phòng) ra ngoài trời.
Để thiết bị sưởi ở nơi cố định, vững chãi
Khi đặt quạt phải lưu ý để ở nơi vững chắc, đảm bảo an toàn, không hở điện hay gây nghiêng đổ ảnh hưởng đến bé. Đặc biệt, khi sử dụng đèn sưởi không nên đặt gần giường ngủ, tránh đặt gần các thiết bị dễ cháy như màn, rèm, đồ nội thất.
Không nên quá lạm dụng thiết bị sưởi
Khi sử dụng thiết bị sưởi, bố mẹ cần lưu ý kiểm tra xem trẻ có bị ra mồ hôi do nóng quá hay không. Kịp thời thay chăn, gối để tránh mồ hôi thấm ngược trở lại vào người làm trẻ cảm lạnh.
Không nên cho trẻ sử dụng quạt, đèn sưởi 24/24 vì rất dễ ảnh hưởng đến làn da non yếu và đường hô hấp của bé.
Nếu vào những ngày mùa đông rét lạnh, mẹ có thể kết hợp cho bé mặc các loại quần áo có khả năng giữ ấm cao kể cả khi ra ngoài hay ở trong nhà. Thời tiết ngày hôm đó không quá lạnh, thì bạn chỉ cần mặc ấm cho bé, mà không nhất thiết phải sử dụng quạt sưởi.
Thoa dầu dừa, kem dưỡng ẩm cho bé
Để tránh khô da cho trẻ khi nằm ngủ duới quạt sưởi, phụ huynh có thể thoa kem dưỡng da, giữ ẩm da vào mặt, chân tay cho con để bảo vệ tốt hơn cho làn da của bé.
Bí quyết chăm sóc trẻ nhỏ mùa lạnh
- Vào mùa đông, miền Bắc nước ta khí hậu thường rất hanh khô và lạnh, các chất nhầy trong mũi bé càng dày lên và khó di chuyển. Do đó, theo lời khuyên của các bác sỹ, để đường thở của bé được thông thoáng, nên nhỏ vài giọt dung dịch nước muối sinh lý cho trẻ hàng ngày (1 – 2 lần/ ngày). Nếu trẻ bị nghẹt mũi hay chảy nhiều nước mũi, có thể nhỏ 3 – 4 lần/ ngày và hút mũi. Mũi sạch sẽ, thông thoáng sẽ giúp bé bảo vệ cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh khi mùa lạnh về.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của bé.
- Nếu cho bé ngủ điều hòa hay dùng quạt sưởi, nên làm ẩm không khí (đặt chậu nước trong phòng hoặc dùng máy phun sương), giúp bé hít thở dễ dàng hơn.
- Mùa đông lạnh nên tắm cho trẻ từng phần, trong phòng ấm và kín gió. Nước tắm cho bé phải là nước ấm vừa phải, đảm bảo không quá nóng, không quá lạnh. Nên tắm nhanh, không thể ngâm bé quá lâu trong nước.
- Cho trẻ ăn đủ bữa và đủ các chất dinh dưỡng để tăng đề kháng cho trẻ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất