16:13 10/12/2022

Cha mẹ giúp con cải thiện kỹ năng đọc như thế nào?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Khả năng đọc lưu loát và nhanh là một kỹ năng cần thiết giúp trẻ học tốt trong học tập. Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể giúp con nâng cao kỹ năng đọc.

Giới thiệu về thế giới sách là món quà tốt nhất mà bạn có thể tặng cho con mình. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều đứa trẻ chỉ sử dụng điện thoại di động và truy cập internet, do đó văn hoá đọc nhanh chóng bị mai một. Đây là lúc bạn, với tư cách là cha mẹ, cần phải can thiệp.

Nghiên cứu của Ndileleni P Mudzielwana có tựa đề "Vai trò của cha mẹ trong việc phát triển kỹ năng đọc của con cái trong giai đoạn nền tảng", đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội, 2014, cho biết, sự tham gia của cha mẹ là công cụ giúp phát triển thói quen đọc tốt ở trẻ. 

Cha mẹ nên học cách cải thiện kỹ năng đọc cho con tại nhà
Sự tham gia của cha mẹ là công cụ giúp phát triển thói quen đọc tốt ở trẻ (Ảnh: ParentCircle).

Dựa trên nghiên cứu, rõ ràng cha mẹ cần đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo rằng, con cái họ có thói quen đọc sách. Trẻ em cũng phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng đọc hiểu thông qua việc đọc. Dưới đây là những cách bạn có thể khiến thói quen đọc sách trở nên thú vị đối với con bạn.

1. Dành thời gian để đọc sách

Để con bạn có thói quen đọc sách, điều quan trọng là dành thời gian mỗi ngày để đọc sách cùng con. Ví dụ, mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn có thể đọc cho con nghe một câu chuyện hoặc giúp con đọc một mẩu chuyện nhỏ. 

Hoạt động này sẽ giúp con hình thành thói quen đọc sách thường xuyên, đồng thời khiến con coi việc đọc sách như một hoạt động thư giãn hơn là một nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng, bạn dùng ngón tay chỉ theo các từ trong khi đọc. Điều này sẽ làm cho con quen thuộc với các từ và cách phát âm của chúng.

2. Xây dựng kỹ năng đọc theo ngữ cảnh

Nếu không được cha mẹ hướng dẫn, những từ ngữ khó có thể khiến con bạn nản lòng và cuối cùng trẻ sẽ không còn muốn đọc nữa.

Thay vì yêu cầu con tự tra cứu mọi thứ, sẽ rất hữu ích nếu yêu cầu con tìm hiểu ý nghĩa của các từ, dựa vào ngữ cảnh của câu. Mặc dù ban đầu, việc này sẽ mất thời gian nhưng về lâu dài sẽ giúp ích cho kỹ năng đọc hiểu của con bạn.

3. Hạn chế thời gian ngồi trước màn hình

Trong thời đại ngày nay, thật khó để khiến trẻ tập trung vào sách vở vì đồ công nghệ và điện thoại thông minh - những thứ kích thích thị giác hơn. Để đảm bảo rằng con bạn có thể hình thành thói quen đọc sách, điều quan trọng là giảm lượng thời gian trẻ dành cho internet hoặc tivi. Điều này sẽ khuyến khích con dần chuyển sang đọc sách để giải trí.

4. Đăng ký thẻ thư viện

Điều quan trọng là cha mẹ nên cho con trẻ được tiếp xúc với nhiều loại sách và các thể loại văn học khác nhau ngay từ đầu để giúp bé hoàn toàn đánh giá cao và thích thú với hoạt động đọc sách. 

Cách tốt nhất để đảm bảo điều này là đăng ký cho chúng vào thư viện gần nhà với nhiều sách thiếu nhi thú vị. Một lợi ích khác là thư viện thường tổ chức các hội thảo, cuộc thi và các hoạt động khác xoay quanh sách và việc đọc. Khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động này sẽ khiến bé liên tưởng đến việc đọc sách có rất nhiều niềm vui.

5. Chọn sách phù hợp với lứa tuổi

Cha mẹ cần đảm bảo rằng con sẽ được đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và trình độ của trẻ. Đôi khi, con trẻ có thể sợ bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tiếp tục đọc những cuốn sách dưới trình độ của mình. Điều này sẽ khiến chúng không tiếp thu được nhiều kinh nghiệm mới và nhanh chóng chán nản. 

Ngoài ra, con có thể tiến bộ quá nhanh và có thể nản lòng do sự phức tạp của từ ngữ và khái niệm. Vì vậy, hãy đảm bảo chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của con bạn.

6. Khuyến khích khám phá 

Ngày nay có rất nhiều loại sách văn học thú vị dành cho trẻ em, từ thơ và tiểu thuyết đến tiểu thuyết phi hư cấu và tiểu thuyết đồ họa. Những loại sách này cho phép con bạn trải nghiệm tất cả các thể loại văn học ngay cả khi cha mẹ còn không quen thuộc với chúng. 

Miễn là nó phù hợp với lứa tuổi, con bạn nên tự mình khám phá thế giới sách và quyết định xem bản thân chúng thích gì nhất.

7. Dẫn dắt bằng ví dụ 

Thay vì lướt mạng, hãy chọn một cuốn sách trong thời gian rảnh rỗi của bạn. Điều này sẽ cho con bạn thấy rằng bạn không chỉ nói với con về việc đọc sách mà còn thực hành lời giảng của bạn. Khi thấy bạn thường xuyên cầm sách lên, con sẽ dần có cảm hứng để tự mình làm việc đó.

8. Hãy sáng tạo

Ngoài việc đọc thường xuyên, điều quan trọng là con bạn phải cải thiện tốc độ đọc và kỹ năng đọc hiểu của mình. Để đảm bảo điều này, hãy chơi các trò chơi chữ mà trong đó con phải sử dụng những từ ngữ mới con đã đọc gần đây.

Đọc sách cũng giúp phát triển khả năng sáng tạo của trẻ. Vì vậy, để khơi nguồn sáng tạo của con, hãy thảo luận về những cuốn sách mà con đã đọc và khuyến khích con tạo ra những câu chuyện dựa trên chúng.

9. Đừng thúc ép quá mức 

Nếu bạn ép con mình đọc những quyển sách quá khó, hoặc nếu bạn coi đó như một nhiệm vụ phải hoàn thành hoặc trách nhiệm hơn là một sở thích có ích, trẻ sẽ có xu hướng từ chối và chống lại những nỗ lực của bạn.

Kết quả là sau này, trẻ không chỉ kém khả năng đọc hiểu các văn bản dài và phức tạp mà còn bỏ lỡ những cơ hội học tập tuyệt vời. Vì vậy, thay vì gây áp lực buộc trẻ phải đọc, hãy cho phép con bạn tự thiết lập tốc độ mà trẻ cảm thấy thoải mái, đồng thời chứng minh rằng việc đọc rất thú vị.

Đọc đi đôi với học. Để đảm bảo rằng con bạn sẽ luôn học hỏi sau này, hãy chắc chắn rằng bé có thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ.

Theo ParentCircle

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận