Những vấn đề cấp thiết với trẻ em khu vực miền núi và dân tộc thiểu số
Trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 1/4 dân số. Là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, trẻ em được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm đặc biệt trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Là nước đầu tiên của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong công tác trẻ em. Đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN), Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách ưu tiên như: Trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa, quy định trẻ trước khi vào lớp 1 được học tiếng Việt, học sinh các DTTS rất ít người được hỗ trợ như trẻ mẫu giáo được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 30% mức lương cơ sở, học sinh các cấp 40%, học sinh bán trú 60%, trường nội trú 100%... Vì vậy sự nghiệp giáo dục vùng DTTS đã có chuyển biến đáng kể như đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt hơn 98%, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học cấp trung học cơ sở đạt 93,2%...
Chính phủ cũng phê duyệt triển khai Chương trình sức khoẻ học đường; Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và MN, hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) vùng DTTS và MN.
Những chính sách nêu trên cho thấy sự quan tâm đặc biệt, những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đối với đồng bào DTTS nói chung và trẻ em DTTS nói riêng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em DTTS và MN vẫn còn một số vấn đề rất cần được quan tâm:
Thứ nhất, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở khu vực miền núi vẫn cao gấp 2-3 lần so mặt bằng chung toàn quốc. Kết quả điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 cho thấy, tỷ lệ SDD thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi vùng miền núi phía Bắc là cao nhất (37,4%), sau đó là Tây Nguyên (28,8%). Tỷ lệ thể thấp còi ở trẻ em DTTS (31,4%) vẫn cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh.
Nguyên nhân của tình trạng SDD ở trẻ thì có nhiều, trong đó quan trọng nhất là vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và gia đình. Cụ thể là đời sống, việc làm, thu nhập của gia đình còn khó khăn, gia đình chưa quan tâm đầy đủ đến việc chăm sóc người phụ nữ mang thai, cha mẹ thiếu kiến thức nuôi dạy con, hiểu biết chưa đầy đủ về các giai đoạn phát triển của trẻ; trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, cai sữa sớm, chế độ ăn bổ sung chưa đúng cách, việc phòng bệnh cho trẻ…
Thứ hai, tai nạn thương tích, đặc biệt đuối nước ở trẻ em là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên. Trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước (cao nhất khu vực Đông Nam Á), chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng (76%), 22% tại gia đình, cao nhất là nhóm trẻ từ 0-4 tuổi. Ví dụ, từ 2016 đến nay, tỉnh Đắk Lắk có tới 580 học sinh tử vong vì đuối nước, chủ yếu là vùng đồng bào DTTS.
Tại tỉnh Gia Lai, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 đã xảy ra 55 vụ đuối nước khiến 69 trẻ tử vong, trong đó 49 em người DTTS.
Tỉnh Đắk Nông, chỉ 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 56 vụ trẻ em bị tai nạn, thương tích làm 23 em tử vong, trong đó có 22 em tử vong do đuối nước.
Tỉnh Lai Châu từ năm 2021-2022 có tới 45 trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Bên cạnh các nguyên nhân như do môi trường sống tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước, trẻ em chưa biết bơi, chưa được học kỹ năng an toàn, thiếu bể bơi... thì có trách nhiệm của gia đình, nhận thức của nhiều cha mẹ rất thấp. Việc phối hợp với nhà trường trong quản lý, giáo dục ý thức phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước chưa thường xuyên.
Trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước (cao nhất khu vực Đông Nam Á), chiếm khoảng các ca tử vong do tai nạn thương tích.
Tử vong do đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng (76%), tại gia đình, cao nhất là nhóm trẻ từ 0-4 tuổi. (Ví dụ, từ 2016 đến nay, tỉnh Đắk Lắk có tới 580 học sinh tử vong vì đuối nước, chủ yếu là vùng đồng bào DTTS).
Thứ ba, xâm hại, bạo lực với trẻ em là vấn đề được các cấp, các ngành và toàn xã hội rất quan tâm, đã triển khai quyết liệt, kịp thời và đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Việc tổ chức thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo nhận định của Chỉ thị số 28 - CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/12/2023 là tình trạng trẻ em SDD, bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước, vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, đáng lo ngại.
Theo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam do Unicef và Tổng cục thống kê thực hiện năm 2020- 2021, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực cả về thể xác và tâm lý thấp nhất nhưng cũng chiếm 66,9%.
Nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia đình với trẻ em nói chung là cha mẹ vẫn chịu ảnh hưởng của quan niệm “yêu cho roi, cho vọt”, vẫn coi việc đánh mắng con là một biện pháp dạy con có hiệu quả. Thiếu hiểu biết về quyền trẻ em, về các giai đoạn phát triển của trẻ, về những hậu quả về thể xác và tinh thần với trẻ. Bên cạnh đó là những căng thẳng trong cuộc sống, bản thân cha mẹ cũng đã có trải nghiệm bị bạo lực thời thơ ấu, điều kiện kinh tế gia đình.
Vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng rất đáng lo ngại, trong đó có nguyên nhân cha mẹ chưa sát sao trong quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội của con em, chưa được trang bị những kỹ năng bảo vệ trẻ em. Báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) công bố vào tháng 3/2024, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp (tăng 12,5% so với 2022).
Trước đó, báo cáo của Chính phủ số 217 ngày 14/5/2020 chỉ ra giai đoạn 2015- 2019, cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 8.400 vụ xâm hại trẻ em với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó hơn 7.000 nạn nhân là trẻ em gái. Trong số trẻ em bị xâm hại có đến hơn 6.400 trường hợp bị xâm hại tình dục. Thủ phạm là người thân trong gia đình chiếm 21,35% số trường hợp xâm hại tình dục trẻ em.
Theo số liệu báo cáo của 33/52 Ban Dân tộc các tỉnh, từ 2019 đến 2021 tổng số trẻ em bị xâm hại là 1.087 em, trong đó số trẻ em DTTS bị xâm hại là 188.
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”, Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập... Tuy nhiên, nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn rất cao, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, của mỗi gia đình và của các bậc cha mẹ, đặc biệt với trẻ em DTTS và MN là nhóm dễ bị tổn thương bởi xâm hại trên không gian mạng do khó tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, hạn chế về giáo dục và nghèo đói.
Thứ tư, trẻ em không theo cha mẹ di cư. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có 6,4 triệu người di cư, trong đó gần 65% đã có gia đình, đồng nghĩa với lượng lớn trẻ em bị sống xa cha mẹ. Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ suất xuất cư cao thứ 2 và phần lớn là đồng bào DTTS.
Báo cáo của Chính phủ số 217 ngày 14/5/2020 cho thấy từ 2015-2018 mỗi năm có đến hơn 150.000 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc. Vì kế sinh nhai mà cha mẹ phải xa nhà, để lại các con ở nhà với người thân hoặc đứa lớn trông đứa bé. Con cái thiếu tình thương, sự gần gũi chăm sóc của cha mẹ rất ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, sự phát triển tâm lý, thể chất và có nguy cơ bỏ học, bị xâm hại.
Thứ năm, nhận thức về vai trò của gia đình, cha mẹ về quyền trẻ em, về bình đẳng giới; kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ của một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh còn hạn chế. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và TW Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát xã hội học tại 63 tỉnh thành, chỉ có 4,7% hiểu biết về quyền được bảo vệ không bị bỏ mặc, bỏ rơi và 3,9% biết đến quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, 28,6% đồng tình với quan niệm “yêu cho roi, cho vọt”.
Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, cần tiếp tục thúc đẩy các nhóm giải pháp nhằm sớm cải thiện tình hình, trong đó vai trò của các gia đình cần được chú trọng:
Một là, trực tiếp nuôi, dạy để trẻ phát triển toàn diện. Trẻ cần được cha mẹ yêu thương vô điều kiện, không phân biệt đặc biệt giữa con trai và con gái; được tạo điều kiện thuận lợi học tập, tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu.
Hai là, xây dựng môi trường gia đình an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định. Để có môi trường sống an toàn cho trẻ cần có sự chung tay của cả cộng đồng nhưng trên hết, trước hết là vai trò của mỗi gia đình. Cha mẹ cần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm chính của mình trong xây dựng môi trường gia đình an toàn, tham gia xây dựng trường học an toàn, xã hội an toàn.
Ba là, cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ đủ khả năng tự bảo vệ mình. Gia đình là trường học đầu tiên và suốt cuộc đời con người. Để có thể thực hiện được vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo cho con, cha mẹ nên tham gia các lớp học làm cha mẹ, học giao tiếp phi bạo lực, học hỏi các kinh nghiệm gia đình hạnh phúc... tích cực tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, cha mẹ cần thực hiện các vai trò khác như giữ mối liên hệ với nhà trường; kết nối các thành viên trong gia đình, tránh tình trạng cha mẹ sống cùng con cái mà không có sự gắn kết, tương tác.
Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội BVQTEVN
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất