Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp ở trẻ
Tác hại nhẹ nhất của ô nhiễm không khí là các bệnh về da, ngứa ngáy, dị ứng, phát ban. Nặng hơn là các bệnh về hô hấp, thần kinh. Hệ hô hấp của trẻ chưa được hoàn thiện, dễ mắc các bệnh hô hấp khi sống trong môi trường không khí ô nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Nguồn gốc của tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động của con người như khí thải của các xe cơ giới, hoạt động công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiệt điện, lọc dầu, đốt rác thải công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nấu ăn, sưởi ấm nhiên liệu.
Tại Việt Nam, ghi nhận trong nhiều ngày của tháng 12/2023, Hà Nội nằm trong top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đỉnh điểm là ngày 30/12/2023, thông tin từ ứng dụng IQAir ghi nhận mức ô nhiễm không khí Hà Nội cao thứ 3 trên thế giới, ở mức 216, rất nguy hại cho sức khỏe của con người.
Không riêng gì Hà Nội, ứng dụng này ghi nhận ô nhiễm không khí xảy ra ở nhiều địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng trong ngày 28/12/2023, điển hình là Bắc Ninh. Các điểm đo tại huyện Thuận Thành, Thư viện Khu phố Trang Liệt (thị xã Từ Sơn), Thư viện tỉnh Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh) lần lượt có chỉ số ô nhiễm không khí là 286, 230 và 226.
Tại TPHCM, từ những ngày cuối tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024, bầu không khí cũng luôn trong tình trạng mờ mờ ảo ảo suốt cả ngày. Nhiều tòa nhà cao ốc nhạt nhòa trong màu trời trắng đục. Theo IQAir ngày 19/12/2023, chỉ số ô nhiễm ở TPHCM từ 3 - 9 giờ sáng luôn trong khoảng 150 - 159, tương đương với màu đỏ và không lành mạnh cho sức khỏe.
Đến ngày 5/1, cả Hà Nội và TPHCM đều lọt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của IQAir. Cụ thể, Hà Nội với chỉ số ô nhiễm là 176 đứng thứ 6, còn TPHCM là 164 xếp hạng 10 (nồng độ bụi mịn PM2.5 µm/m3 trên 150 tương ứng với màu đỏ là có hại cho sức khỏe, dưới 150 là màu cam và dưới 100 là màu vàng). Tình trạng ô nhiễm không khí ở TPHCM tiếp tục diễn biến xấu vào lúc từ 5 - 6 giờ sáng ngày 6/1 khi chỉ số ô nhiễm lên tới 217 mức màu tím (rất không tốt cho sức khỏe); chỉ số ô nhiễm trung bình cả ngày duy trì ngưỡng 158. Trong ngày 7/1, chỉ số ô nhiễm trung bình đến 12 giờ là 167.
Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), mức độ chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số AQI, gồm: 0-50 là tốt; 51-100 là trung bình; 101-150 là kém; 151-200 là xấu; 201-300 rất xấu; 301-500 là mức nguy hại.
Hít thở các chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ở trẻ
Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các loại bụi, bụi mịn, bụi siêu mịn hoặc các khí như CO, SO2, NO2. Các hạt bụi tồn tại trong không khí có vai trò quan trọng quyết định chất lượng bầu không khí. Các loại bụi mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi có kích thước lớn. Bên cạnh đó còn có các hạt bụi mịn (nhỏ hơn 1/30 đường kính sợi tóc) thì mắt thường không thể nhìn thấy hay cảm nhận lại là tác nhân gây ra các vấn đề bệnh đường hô hấp nghiêm trọng như: các phản ứng viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, tấn công sau vào mạch máu và quả tim.
Theo WHO, ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60 nghìn người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hải - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương), một số bệnh có thể mắc do ô nhiễm không khí nhất là với trẻ em vì có thể làm chậm sự phát triển não bộ và hành vi. Các thành phần nguy hiểm nhất trong không khí ô nhiễm bao gồm các loại khói bụi; bụi mịn, bụi siêu mịn; hạt chất phóng xạ; các chất độc hại như oxit nitơ, oxit lưu huỳnh, cacbon monoxit, chì… Khi hít thở, các chất độc hại trên vào cơ thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ở trẻ. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm sẽ làm giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Trẻ thường xuyên ốm vặt, gầy yếu, chán ăn….
Tác hại nhẹ nhất của ô nhiễm không khí là các bệnh về da, ngứa ngáy, dị ứng, phát ban. Nặng hơn là các bệnh về hô hấp, thần kinh. Hệ hô hấp của trẻ chưa được hoàn thiện, dễ mắc các bệnh hô hấp khi sống trong môi trường không khí ô nhiễm.
Các triệu chứng ban đầu thường gặp như hắt hơi; sổ mũi; ho; khó thở… Lâu dần ảnh hưởng tới chức năng của phổi, gây ra hen suyễn, viêm phế quản ở trẻ… Thậm chí là gây ung thư phổi khi không khí ô nhiễm tích tụ trong phổi quá lâu (1).
Theo PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (hiện là Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt) cho biết, những người dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí có thể kể đến là những người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sức đề kháng yếu. Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể con người, gây ra nhiều bệnh đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng.
Những người có sẵn bệnh lý về hô hấp cũng dễ gặp các triệu chứng nặng. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An giải thích: “Đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với không khí bên ngoài, không khí bên ngoài ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống niêm mạc, tế bào đường hô hấp trên. Nếu đường hô hấp trên bị nhiễm khuẩn sẽ tạo ra viêm xoang, viêm tai giữa và sâu hơn nữa là các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra các bệnh về phổi, phế quản” (2).
Biện pháp phòng tránh
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, vào thời điểm không khí ô nhiễm, biện pháp bảo vệ tốt nhất chính là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Nên chọn loại khẩu trang phù hợp, chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý làm sạch đường hô hấp trên. Đặc biệt là trẻ nhỏ, càng cần thiết phải thực hiện điều này. Cùng với đó là chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trước sự tấn công của các yếu tố bên ngoài.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi): Nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.
Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng; Nên chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột; Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị; Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khoẻ định kỳ.
Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI ở mức 301- 500), Bộ Y tế khuyến cáo:
Đối với người bình thường: Tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Đối với những người nhạy cảm: Tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà; đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Đối với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học: Có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất