Quyền tham gia của trẻ em trong hoạt động cộng đồng
Nhiều hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có sự tham gia của trẻ em, nhằm tạo môi trường giáo dục trẻ em ngoài nhà trường, giúp các em được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để bảo vệ và phát triển bản thân.
Trẻ tự tin bộc lộ bản thân
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (sau đây viết tắt là Hội) bảo vệ quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đã phê chuẩn. Bên cạnh việc thực thi bảo vệ quyền trẻ em, Hội còn tăng cường thực hiện các hoạt động có sự tham gia của trẻ em, như: Tổ chức các lớp tập huấn cho trẻ em về quyền trẻ em, về kỹ năng bảo vệ bản thân trước bạo lực, xâm hại trong cuộc sống và trên mạng internet, kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn... Thông qua đó, trẻ em được trang bị thêm kiến thức và có cơ hội chia sẻ những khúc mắc, lo lắng mà các em đang phải trải qua, ví dụ như các em không phải lo lắng về việc thầy cô đánh giá về điểm số hay e ngại bộc lộ ý kiến bản thân trước thầy cô. Chính điều này tạo cho các em một tâm thế thoải mái, hứng thú trong tiếp nhận kiến thức và kỹ năng phù hợp lứa tuổi và nhu cầu của mình.
Cùng với đó, trẻ em còn tham gia các Diễn đàn trẻ em (cấp địa phương và cấp quốc gia), các cuộc Gặp gỡ trẻ em (trong nước và quốc tế), để được bày tỏ những ý kiến, quan điểm về các chủ đề mà các em quan tâm như vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bóc lột và xâm hại, sức khỏe tâm thần của trẻ, quyền trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Tại các diễn đàn trẻ em, trẻ em được đưa ra ý kiến, khuyến nghị và tham gia đối thoại với lãnh đạo đại diện cơ quan Nhà nước, Ủy ban của Quốc hội... để có thể tăng cường sự tham gia của trẻ trong các vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em.
Từ những diễn đàn, gặp gỡ giao lưu này, chính nhóm trẻ em tham gia đã hình thành những ý tưởng, đề xuất dự án để có thể xin nguồn hỗ trợ từ tổ chức quốc tế. Hội cũng đã hỗ trợ 2 trẻ em là thành viên CLB Phóng viên nhỏ tỉnh Quảng Bình và Hà Nội tham gia cuộc “Gặp gỡ trẻ em khu vực” tại Thái Lan và hưởng ứng chiến dịch “Lên tiếng” của khu vực thông qua triển khai hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường tại Hà Nội, Quảng Bình.
Tham vấn ý kiến trẻ em
Bên cạnh đó, Hội thường xuyên tiến hành các khảo sát, thu thập ý kiến tham vấn trẻ em về vấn đề bạo lực, xâm hại mà trẻ em gặp phải hoặc chứng kiến; khảo sát về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với trẻ em; khảo sát về nhu cầu trẻ em trong các khu cách ly, khảo sát về quyền trẻ em trên môi trường kỹ thuật số; khảo sát ý kiến trẻ em về vấn đề mà trẻ quan tâm hiện nay tại các địa phương...
Đặc biệt, năm 2019, Hội phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp hoạt động khảo sát lấy ý kiến 4.107 trẻ em sống cùng gia đình, 1.657 trẻ em sống trong các trường nội trú, trung tâm bảo trợ, mái ấm, nhà mở tại 57 tỉnh, thành phố về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Số liệu được tổng hợp thành báo cáo gửi cơ quan Quốc hội.
Hội cũng tiến hành tham vấn ý kiến trẻ em góp ý cho Báo cáo bổ sung của Nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG) về việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em chu kỳ 5 và 6, có 500 trẻ em của các tỉnh, thành phố tham gia. Hỗ trợ trẻ em xây dựng ý tưởng và Việt hóa nội dung của Công ước quốc tế về quyền trẻ em và cuốn sách Bảo vệ an toàn trẻ em trên môi trường mạng thành ngôn ngữ thân thiện với trẻ em Việt Nam; xây dựng clip về Phòng, chống các nguy cơ mất an toàn cho trẻ em khi sử dụng Internet; clip “Điều em muốn nói” chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc khi phải ở nhà do giãn cách xã hội vì dịch bệnh... Rất nhiều ý tưởng, sự sáng tạo và ngôn ngữ đã được trẻ em đưa ra trở thành những sản phẩm truyền thông thân thiện với mọi trẻ em Việt Nam.
Có thể thấy rằng, bên cạnh những kiến thức mà trẻ em học được từ nhà trường, chính những trải nghiệm thực tế từ môi trường xã hội sẽ giúp cho trẻ hình thành nên những giá trị, nhân cách và kỹ năng phù hợp với thực tế cuộc sống.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, có thể chia quyền trẻ em theo 4 nhóm quyền: Nhóm quyền Sống còn, nhóm quyền Bảo vệ, nhóm quyền Phát triển và nhóm quyền Tham gia.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em...” (khoản 1 Điều 37).
Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em” (Điều 33); “Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng” (Điều 34); “Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em thông qua các hình thức Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện” (điểm a khoản 2 Điều 74).
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất