10:20 15/10/2022

Sẽ là sai lầm nếu xoá bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Phải tìm kiếm được những phụ huynh có trình độ, trách nhiệm và tâm huyết với hoạt động giáo dục của con em tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thời gian qua, dư luận xảy ra nhiều tranh cãi xoay quanh việc nên duy trì hay bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, khi lạm thu đầu năm học nhiều năm nay vẫn là vấn đề nóng, gây bức xúc.

Mới đây, Ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mức dự trù hoạt động đến hàng trăm triệu đồng, gây “bão” dư luận.

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định khá cụ thể về vai trò, chức năng, quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng nhiều người cho rằng, ban này trở thành nơi vận động thu, đặc biệt là vận động nhiều khoản thu trái quy định.

Thực hiện đúng vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam nói rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết, nhưng nó phải đại diện cho quyền lợi của tất cả phụ huynh học sinh từng lớp chứ không phải là công cụ của bất cứ ai.

gdvn-tiensinguyentunglam-giaoduc-net-vn-4574
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: nhà trường phải giúp cho Ban đại diện cha mẹ học sinh có thêm kiến thức, phương pháp giáo dục. (Ảnh: Phạm Minh)

Ban này sẽ theo sát nhất điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình học sinh trong lớp, cùng với thầy cô giáo tạo điều kiện, môi trường học tập tốt nhất cho con em mình. Nghĩa là họ phải kết hợp với nhà trường để chăm lo, quan tâm và đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp cho học sinh.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định đây là quan điểm sai lầm, mang tính cực đoan. Ngược lại, cần phải nhận thức đúng vấn đề, xác định đúng vai trò, nhiệm vụ, chức năng của tổ chức này trong nhà trường.

Thành viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải là những người hiểu biết, theo suốt quá trình học tập của con em trong từng cấp học, từ đó họ cũng sẽ hiểu các giáo viên dạy học cho con em mình để từ đó có phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.

Đặc biệt, nhà trường phải giúp cho Ban phụ huynh các lớp trang bị thêm kiến thức, phương pháp giáo dục mới, phù hợp với con em.

Trên cơ sở phục vụ cho việc học tập, vẫn cần đến sự hỗ trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ví dụ chương trình giáo dục ngoài nhà trường, hoạt động trải nghiệm ngoài trường học, cần có sự đóng góp và hỗ trợ của gia đình người học.

“Như vậy, theo từng hoạt động học tập, mục đích giáo dục mà cha mẹ học sinh bàn bạc, thảo luận, tính toán và thống nhất và có đóng góp để thực hiện triển khai chương trình giáo dục ngoài nhà trường, những chương trình thiết thực, có ý nghĩa với con em mình.

Tuyệt đối không được thu quỹ cả năm, làm như vậy là không thỏa đáng. Đặc biệt, quá trình làm phải thực hiện giám sát đảm bảo các hoạt động giáo dục hiệu quả, minh bạch”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Bên cạnh đó, có những chương trình cần sự hỗ trợ của phụ huynh theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không được làm sai quy định. Ví dụ xây dựng những công trình lớn hay việc mua điều hoà, xây dựng các công trình trong trường học, không thể huy động đóng góp của phụ huynh.

Hay với việc khen thưởng học sinh, đóng góp của phụ huynh cũng ở một chừng mực nhất định theo quy chế chung chứ không được sử dụng một cách tuỳ tiện.

Vậy, làm thế nào để có Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả? Thầy Tùng Lâm cho rằng, phải làm rõ vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, phải tìm kiếm được những phụ huynh có trình độ, có thời gian, trách nhiệm và tâm huyết với hoạt động giáo dục của con em mình để đảm nhận trách nhiệm này. Giáo viên có quyền giới thiệu nhưng không phải là người chỉ định, lập ra Ban đại diện này.

Phụ huynh học sinh cũng phải nhận thức được việc này, có ý thức xung phong tham trên tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích của tất cả gia đình học sinh, vì hoạt động giáo dục con em ngày một tốt hơn chứ đừng vì lợi ích cá nhân.

Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết, nhưng họ phải có tiếng nói công tâm, tham gia cùng nhà trường vào công tác giáo dục.

Đối với việc xử lý sai phạm của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, vì Hiệu trưởng có trách nhiệm hướng dẫn cho hoạt động của Ban này, để họ tuân thủ quy định đã đặt ra, không lạm dụng quyền của mình để làm những việc không chuẩn mực, đảm bảo yếu tố dân chủ trong hoạt động của mình.

Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc điều hành Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Phải hiểu đúng về xã hội hoá giáo dục

Chia sẻ vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nếu không tuân thủ đúng quy định sẽ làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực.

Có nơi lập ra ban này rồi mở quỹ, thu tiền nhưng lại chi nhiều khoản vô lý. Mới đây, đã có nguyên hiệu trưởng của một trường học ở Hải Phòng bị khởi tố, lĩnh án tù vì lạm thu, rút tiền trong quỹ để chi những việc không đúng quy định.

giao-su-pham-tat-dong-anh-thuy-linh-6479-5151
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Nhiều nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh là “cánh tay nối dài” của nhà trường để xảy ra tiêu cực, lạm thu..

Nếu tổ chức này hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì cần có các giải pháp mới trong công tác giáo dục, quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình người học.

Trước đây, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động có nhiều đóng góp tích cực, đồng hành cùng nhà trường trong công tác giáo dục đào tạo, hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn,… nhưng dần dần lại biến thành tổ chức “thu tiền”, tạo ra vấn đề tiêu cực trong môi trường học đường.

“Một số người tham gia ban này, lạm dụng quyền, huy động đóng quỹ là động cơ mang tính cá nhân, giúp nhà trường để con cái mình được ưu tiên.

Phải nhìn nhận cho đúng, có rất nhiều việc mà Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể làm để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, ví dụ tổ chức các chương trình hướng nghiệp, tổ chức các buổi tham quan trải nghiệm cho con em có thêm kiến thức về lịch sử, địa lý, kết nối với nhà trường để đưa ra các giải pháp giáo dục cho học sinh,…”, Giáo sư Phạm Tất Dong khẳng định.

Có những khoản nhà nước không đầu tư và cần huy động từ xã hội, nhưng cần phải lắng nghe tiếng nói của gia đình người học, có người có điều kiện, có người khó khăn hơn, không thể lấy ý kiến số đông để quyết định khoản thu và đưa ra yêu cầu bắt buộc trên tinh thần “tự nguyện”.

Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đứng về phía quyền lợi của phụ huynh học sinh, là tổ chức tự nguyện của những người có con học chung lớp, cơ chế hoạt động phải thực hiện đúng vai trò của mình.

“Đặc biệt, cần hiểu đúng về vấn đề xã hội hoá giáo dục, không được lợi dụng chủ trương này để lạm thu.

Chúng ta nói đến xã hội hoá là nhắc đến tiền nên càng dễ nảy sinh tiêu cực, xã hội hoá không phải là cứ vận động thu tiền của tất cả cha mẹ học sinh, đó là quan điểm sai lầm. Người dân góp sức, góp công cũng chính là xã hội hoá”, Giáo sư Phạm Tất Dong khẳng định.

Theo Giáo dục VN

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận