Thầy giáo mầm non vùng cao: ‘Không ngại gì, chỉ sợ… múa không dẻo’
Thầy giáo mầm non Nông Văn Thuyên (Điểm trường Nà Pinh, xã Niêm Tòng, Mèo Vạc, Hà Giang) đến với mảnh đất địa đầu của Tổ quốc như một cơ duyên. Người dân thật thà, chân chất, những em bé hồn nhiên, ngây thơ nơi đây đã thôi thúc thầy giáo trẻ chọn Hà Giang là quê hương thứ hai của mình.
Người thầy đi theo tiếng gọi của trái tim
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, nghe tin ở Mèo Vạc (Hà Giang) tuyển giáo viên mầm non, với nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ, thầy Thuyên không ngần ngại nộp hồ sơ.
“Thời trai trẻ, tôi luôn khao khát được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào vùng cao. Tôi muốn cùng các em nhỏ vui chơi, học tập, khám phá thế giới... Nộp xong hồ sơ 2 tháng, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển”, thầy Thuyên kể.
Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, thầy Thuyên cho biết, từ khi theo ngành giáo dục mầm non cũng như chọn vùng cao Mèo Vạc là nơi gắn bó công tác, chưa bao giờ thầy cảm thấy hối hận với quyết định của mình.
Thầy cảm thấy rất vui khi hàng ngày được tiếp xúc với các em học trò hồn nhiên, ngây thơ, tâm hồn trong sáng, đôi mắt trong trẻo... như một tờ giấy trắng đang đợi thầy vẽ lên những bức tranh đẹp, những con người, công dân có ích cho xã hội.
Khó khăn không làm thầy nản bước
Khi biết con trai có quyết định lên vùng cao công tác, lúc đầu bố mẹ thầy Thuyên không đồng ý.
“Vì bố mẹ rất thương tôi. Tôi là con út trong gia đình, có lẽ vậy nên bố mẹ càng dành tình yêu thương cho tôi nhiều hơn. Lúc đầu mới lên đây, tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh chị, nhưng cũng không dám gọi điện thoại về cho gia đình. Bởi vì khi gọi điện thoại, cả hai đầu dây chỉ có tiếng sụt sịt, không nói được lời nào vì nhớ nhung, xúc động...”, thầy Thuyên tâm sự.
4-5 tháng sau về thăm gia đình, nhận ra thầy trưởng thành, bản lĩnh hơn nên bố mẹ, anh chị cũng yên tâm, ủng hộ quyết định của thầy. Gia đình luôn là hậu phương vững chắc, để thầy giáo mầm non yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nói về khó khăn khi công tác tại đây, thầy Thuyên bộc bạch, trước hết địa phương thầy công tác đa phần là người dân tộc Mông (chiếm khoảng 98% dân số toàn xã) nên việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức, kỹ năng cũng như các hoạt động khác khó khăn do bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trẻ, giữa thầy và phụ huynh... Bên cạnh đó là việc phải làm quen với những khác biệt về tập quán, sinh hoạt...
“Đường vào các điểm trường xa xôi, đường đất, nhỏ hẹp, nắng thì không sao chứ mưa thì lầy lội, trơn trượt nên phải đi bộ cả chục km vào điểm trường.
Cứ hôm nào trời mưa là tôi ngủ lại điểm trường cùng bà con, nơi không đèn điện khi đêm xuống chỉ có những con đom đóm phát ra ánh sáng giữa màn đêm tĩnh lặng, trông đẹp đến lạ thường.
Giờ là tháng 11, cái lạnh đã bao trùm nơi vùng núi rẻo cao. Ở đây, thời tiết khắc nghiệt hơn rất nhiều nếu so sánh với vùng đồng bằng. Nhất là những hôm cái rét cắt da, cắt thịt của nơi rẻo cao, cộng thêm những đứa trẻ không đủ quần áo mặc lại càng làm cho cái rét như muốn giảm sâu thêm...”, thầy giáo trẻ tâm sự.
Quà 20/11 là cốm thơm lừng, bánh ngô ngon ngọt…
Lên vùng cao, thầy Thuyên cảm thấy ấm lòng và rất vui. Thầy nhớ dịp 20/11 mấy năm trước, khi đến lớp, một cảnh tượng rất bất ngờ mở ra trước mắt thầy.
Các bậc phụ huynh đã chuẩn bị sẵn cho các con, mỗi cháu một món quà tặng thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam kèm những lời chúc bằng tiếng dân tộc.
Quà của thầy không phải là bó hoa tươi thắm hay tấm thiệp chúc mừng như đồng nghiệp dưới xuôi mà là túi cốm thơm lừng, dẻo bùi, chiếc bánh ngô ngon nhất được bố mẹ học sinh dày công chuẩn bị... Lúc đó và cho đến tận bây giờ, thầy vẫn thấy ấm lòng xúc động vì hạnh phúc...
Trong 12 năm công tác bám trường, bám lớp, bám bản, ăn ở cùng nhân dân, thầy Thuyên luôn thấy vui và tự hào với tình cảm mà đồng bào dành cho mình.
Là giáo viên nam làm trong ngành giáo dục mầm non, thầy Thuyên cho biết, bản thân mình cũng không gặp khó khăn gì lớn chỉ là không được khéo như chị em đồng nghiệp trong… hoạt động múa.
Thời gian tới, thầy Thuyên vẫn sẽ tiếp tục trên con đường giảng dạy, cố gắng dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, học liệu để truyền tải kiến thức, kỹ năng cho trẻ một cách tốt nhất, cũng như để phát triển chuyên môn cho bản thân mình.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất