Thực đơn cho trẻ từ 1-2 tuổi
Unicef cho biết, khi 1 tuổi, trẻ học cách tự ăn. Trẻ có thể nhai thức ăn được như bạn, vì vậy trẻ có thể ăn những loại thức ăn giống như những thành viên khác trong gia đình.
Theo Unicef, ở độ tuổi 1 đến 2, sữa mẹ vẫn cung cấp dinh dưỡng quan trọng và bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Tuy nhiên, các thực phẩm khác sẽ dần trở thành nguồn dinh dưỡng và năng lượng chính cho trẻ. Mẹ cần cho con ăn các loại thức phẩm khác trước, rồi sau đó cho trẻ bú nếu trẻ vẫn đói.
Cho con ăn gì?
Con bạn có thể ăn bất cứ thứ gì, vì vậy hãy cho con ăn mỗi món một chút và đảm bảo thực phẩm tốt cho sức khỏe của trẻ. Mỗi bữa ăn cần phải bao gồm thực phẩm bổ dưỡng.
Hãy đảm bảo cho con ăn mỗi ngày một phần thức ăn có nguồn gốc từ động vật (sữa, thức ăn làm từ sữa, trứng, thịt, cá và thịt gia cầm), cùng với các loại đậu (như đậu xanh, đậu lăng hoặc đậu Hà Lan) - hoặc các loại hạt, rau và trái cây có màu cam hoặc xanh. Thêm một ít dầu hoặc mỡ vào thức ăn để thêm năng lượng cho trẻ.
Đảm bảo đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe của con, chẳng hạn như trái cây tươi.
Ăn bao nhiêu và ăn với tần suất thế nào
Trong một ngày, con bạn có thể ăn 3 - 4 bữa, mỗi bữa gồm 3/4 đến một bát thức ăn, kèm một đến hai món ăn nhẹ giữa các bữa ăn. Nếu con bạn đã ngừng bú sữa mẹ, bạn cần cho con ăn thường xuyên hơn.
Khi được 1 tuổi, khoảng thời gian trẻ bắt đầu biết đi, trẻ cần được ăn 4 - 5 bữa một ngày, cộng với 2 bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm từ sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của trẻ, vậy nên hãy cho trẻ uống một hoặc hai cốc sữa mỗi ngày.
Những thực phẩm cần tránh
Tránh để trẻ ăn thức ăn nhanh và nước ngọt. Đồ ăn vặt sản xuất tại các nhà máy như khoai tây chiên giòn, bánh quy, bánh ngọt, nước có ga và kẹo đều không tốt cho trẻ. Đây là các loại thực phẩm chứa lượng đường, muối, chất béo và hóa chất cao, đồng thời làm đầy dạ dày trẻ khiến con không hấp thụ được những thực phẩm bổ dưỡng.
Lời khuyên trong bữa ăn
Cho trẻ ăn bằng bát riêng để khuyến khích trẻ tự ăn. Hãy cho con ăn ngay khi con muốn. Đưa con đủ lượng thức ăn cần thiết và cho con nhiều thời gian tự ăn.
Lúc đầu, trẻ sẽ ăn chậm và làm rơi vãi. Hãy giúp trẻ ăn được nhiều (thay vì để thức ăn vương vãi trên sàn). Khuyến khích trẻ ăn hết thức ăn và đảm bảo trẻ đã ăn đủ.
Hãy bày tỏ tình yêu thương và khuyến khích trẻ khi trẻ tập tự ăn.
Ngồi trước mặt trẻ và nhìn vào mắt trẻ. Tương tác với trẻ bằng việc mỉm cười, nói chuyện và khen ngợi.
Hãy khiến bữa ăn trở thành một khoảng thời gian vui vẻ!
Cần làm gì khi con bạn không chịu ăn dặm
Đảm bảo trẻ đang đói khi đến bữa ăn, trước giờ ăn không nên cho trẻ ăn nhẹ. Mặc dù để trẻ tiếp tục bú sữa mẹ là điều tốt cho sức khỏe của trẻ, mẹ chỉ nên cho con bú sau bữa ăn. Ở độ tuổi này, trẻ nên được ăn dặm trước tiên.
Hãy cho con ăn những thức ăn vừa tốt cho sức khỏe vừa hợp khẩu vị của trẻ, hoặc trộn thức ăn con thích với thức ăn con không thích lắm. Hãy thử kết hợp nhiều loại thực phẩm.
Nếu trẻ vẫn từ chối ăn, đừng thúc giục và bắt ép trẻ ăn, và đừng mềm lòng cho trẻ ăn đồ ăn vặt.
Khi trẻ đã ăn, hãy thể hiện sự quan tâm và khuyến khích. Nhưng nếu trẻ không chịu ăn, đừng nên quát mắng. Thay vì thế, hãy cất đồ ăn đi, đậy nắp che lại, đợi một lúc rồi đưa lại cho trẻ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất