08:00 20/12/2022

Tranh cãi chọn trường học có camera chỉ vì ‘nhớ con’

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Việc phụ huynh chọn trường học có camera để xem con học thế nào, ăn uống ra sao hiện vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Người cho rằng, đây là sự quan tâm thái quá, người lại bày tỏ xem camera lớp học là nhu cầu chính đáng.

Gần đây vụ việc một trường mầm non ở TPHCM đã gây ra nhiều tranh cãi: Phụ huynh phản ánh con bị bạn cắn nhiều lần, trường quyết định cho học sinh nghỉ học, phụ huynh không đồng ý với cách giải quyết. Lý do trường đưa ra là giáo viên quá áp lực, phải xin nghỉ việc vì phụ huynh suốt ngày xem camera.

Sau sự việc kể trên, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã ghi nhận ý kiến một số phụ huynh có con nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội về vấn đề cha mẹ xem camera lớp học. 

Theo đó, chị Hoài Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, giáo viên phải quản lý đến mấy chục em học sinh một lớp, nhiều lúc cũng rất đau đầu vì mỗi em một tính, mỗi em một kiểu khóc lóc, nghịch ngợm.

319151858_148415991874109
“Nhà tôi chỉ có mỗi một đứa mà lắm lúc đau hết cả đầu, nói gì đến mấy chục em, cho nên nhiều lúc giáo viên cũng không thể tránh khỏi việc nóng giận với học sinh”, vị phụ huynh này cho hay (Ảnh minh hoạ: Internet).

Ngoài ra, vị phụ huynh trên cũng đưa ra quan điểm: "Camera chỉ nên để Ban Giám hiệu trường xem, phụ huynh mở điện thoại ra xem cả ngày áp lực là phải rồi".

Bên cạnh đó, một vị phụ huynh khác lại có quan điểm ngược lại, phụ huynh này chọn trường có camera để xem con học hành như thế nào, ăn uống ra sao chứ không phải để canh chừng cô giáo. "Việc nói phụ huynh đang theo dõi, quản lý giáo viên khiến cô áp lực là sai. Nếu cô làm đúng trách nhiệm thì có gì mà sợ hay áp lực", vị phụ huynh này cho biết.

Quyết định chuyển trường học cho con vì không được xem camera tại trường

PV đã có cuộc trò chuyện với chị Thu Oanh (Trung Hoà, Nhân Chính, Hà Nội) về vấn đề này. Đây là một vị phụ huynh tại Hà Nội đã quyết định chuyển trường học cho con vì không được xem camera tại trường.

Chị bộc bạch, chị vốn không đặt nặng vấn đề camera trong lớp và đã cho bé học ở một trường tư không có camera trực tuyến mà chỉ có camera nội bộ. 

“Trước đây, khi bé nhà tôi gần 2 tuổi, đi học được 2 tuần. Sau khi đi học về lần nào cũng khóc cả nửa tiếng đồng hồ, đêm nằm ngủ giật mình tỉnh dậy. Có một dấu hiệu rất lạ là bé đi học về không muốn bước vào cửa nhà. Tôi nghĩ, do bé đang bị sốc nên cũng kiên nhẫn động viên con, hy vọng bé sẽ ngày một quen”, chị Thu Oanh nói.

Có lần, bà ngoại đưa bé đi học nhưng sau khi trao bé cho cô, bà không về ngay mà đi xung quanh rồi quay lại kiểm tra bé thế nào, thì thấy bé đứng khóc một mình không ai dỗ. Trong khi lúc đó các cô không hề quá tải vì lớp rất vắng. Chị cho biết, đã nhắn tin cho cô, có ý mềm mỏng nhờ cô kiên nhẫn với bé, cô nhắn lại giải thích là do bé không cho cô bế nên cô mới để vậy, điều này làm chị bắt đầu thấy hoang mang.

Ngay sáng hôm đó, chị quyết định tới trường đột xuất với ý định xin xem camera nhưng bị bác bảo vệ ngăn lại, bảo chị ngồi chờ ở ghế đá để bác vào trong nói chuyện trước. Sau đó, một cô giáo lạ mặt ra tiếp chị, chị ngỏ ý muốn xem camera thì cô nói là người phụ trách camera hiện đang không ở trường và trấn an rằng, con quấy buổi sáng nhưng hiện tại rất ngoan.

Sau đó, chị đã trao đổi thẳng thắn với cô Hiệu phó về vấn đề trên. Cô nói, ngày hôm đó cô nghỉ nên không biết có sự việc xảy ra, xin lỗi và thừa nhận là camera gặp trục trặc từ đợt dịch, hứa sẽ điều chỉnh để lần sau phụ huynh đến sẽ không gặp vấn đề tương tự. 

"Lý do cô đưa ra chưa thuyết phục được tôi. Vì vậy, tôi vẫn quyết định chuyển trường có camera cho con", chị Thu Oanh cho biết. Ở trường hiện tại, qua camera chị có thể thấy được hình ảnh cô giáo thật sự nhẫn nại, nhiệt tình với học sinh.

Vì vậy, chị an tâm khi gửi bé ở đây, cả bà ngoại - một người được cho là cực kỳ cẩn thận và bố bé - người chỉ quan tâm xem con đến trường có vui không đều hài lòng. Chị cho rằng, việc chọn trường học phù hợp với con là điều rất quan trọng. 

"Từ một em bé chậm nói, con tôi đã trở thành một em bé nói như khướu, tình cảm, biết tự đeo ba lô, không bắt bế, biết tự vứt rác vào nơi quy định, biết dọn đồ chơi khi chơi xong, biết mời cơm cả nhà, tự xúc ăn, khi được hỏi biết trả lời lễ phép", chị Oanh chia sẻ.

camera lop hoc
Việc có nên theo dõi camera lớp học của con không hiện vẫn gây ra nhiều tranh cãi (Ảnh minh hoạ: Internet).

“Đôi khi nhớ con quá mới xem camera”

Chị Thu Hương (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: “Đôi khi nhiều bà mẹ cứ nói không cần camera, câu cửa miệng luôn là: “Ngày xưa đi học làm gì có camera” nhưng tôi lại nghĩ khác. Camera là để xem con mình mỗi khi nhớ con quá, đôi khi xem vì tò mò không biết con đang làm gì ở trường? Con ăn chưa, nay ăn món gì? Con được chơi gì với các bạn, có vui không,.. chứ hoàn toàn không có ý gì soi mói các cô cả”. Chị cho rằng, xem camera không phải vấn đề đặt nặng nhưng chị nghĩ cần thiết.

Còn việc nhiều bậc phụ huynh xem camera để theo dõi các cô thì theo chị, không kiểm soát hết được. Trường hợp xấu nhất, cô bạo hành, đánh con, thì camera vẫn có góc điểm mù hoặc nhà vệ sinh (nơi không bao giờ lắp camera) nên cũng không thể biết hết được.

Trả lời cho câu hỏi của PV về tần suất xem camera tại trường học, chị Kim Thanh (Xuân Đỉnh, Hà Nội) tâm sự, chị cũng bận không có thời gian xem camera nhưng thỉnh thoảng bật lên thì thấy cô đang ôm lần lượt các bạn vào lòng để trò chuyện.

Con lúc nào cũng thích đi học, thích được gặp cô giáo. Điều này giúp chị yên tâm đi làm hơn là việc chỉ được nghe cô kể hoạt động trong một ngày của con bằng lời nói.

Việc giáo viên đánh học sinh nếu có sẽ bị xử phạt thế nào?

Hiện nay đã có rất nhiều trường hợp giáo viên mầm non bạo hành học sinh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những hành vi đó đã gây lo ngại về sự an toàn của trẻ em. 

Trao đổi với PV, Luật sư Ths. Nguyễn Hoài Sơn, Công ty Luật TNHH Châu Á - Asialaw đã chỉ rõ các hình thức xử phạt trong trường hợp này. Ông cho biết, nếu giáo viên không tuân thủ quy tắc ứng xử chuẩn mực, cụ thể ở đây là có hành vi đánh học sinh và đã bị nhắc nhở bằng văn bản thì sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách.

Nếu như đã khiển trách mà giáo viên vẫn tái phạm hoặc lần đầu đánh học sinh nhưng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị cảnh cáo.

Trường hợp, giáo viên đánh học sinh đã bị cảnh cáo rồi mà vẫn tái phạm thì sẽ bị buộc thôi việc hoặc lần đầu đánh học sinh nhưng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cũng sẽ bị buộc thôi việc.

Căn cứ vào Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định như sau: Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a, Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; b, Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; 

Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Như vậy, giáo viên đánh học sinh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai đối với học sinh mà mình đã đánh trừ trường hợp người bị đánh hoặc đại diện hợp pháp của người bị đánh yêu cầu không xin lỗi công khai.

luat su
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn cho hay, ngoài những biện pháp can thiệp đến từ quy định pháp luật, cần tiến tới các biện pháp mang tính phòng ngừa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em (Ảnh: VietTimes).

Các biện pháp có thể hướng đến như tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng xã hội, gia đình và trẻ em về quyền hợp pháp của trẻ, lựa chọn môi trường an toàn, giảm nguy cơ các quyền của trẻ em bị xâm phạm, tổ chức các buổi talk show nhằm tuyên truyền về các kiến thức liên quan đến lĩnh vực tâm lý học, hạn chế tạo nên những hành vi gây ra ảnh hưởng tới tinh thần của trẻ em, tránh những hợp bị ám ảnh tâm lý và gây ra các bệnh về tâm lý.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận