15:20 27/07/2023

Trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể ăn được sữa gì?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Dị ứng đạm sữa bò không phải là bệnh lạ, bệnh mới, hơn nữa lại rất thường gặp. Một tỉ lệ cao trẻ dị ứng đạm sữa bò dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Duy Bộ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, trẻ dị ứng đạm sữa bò là tình trạng cơ thể trẻ coi sữa bò là một chất gây hại và sinh ra các phản ứng miễn dịch để chống lại sự xâm nhập của sữa bò. Từ đó, sinh ra các dấu hiệu và triệu chứng có hại.

Các biểu hiện của dị ứng đạm sữa bò rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, để chẩn đoán chính xác cần được khám và đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Bố mẹ trẻ không nên vội vàng tự ý kết luận con mình bị dị ứng sữa, dẫn đến việc ăn kiêng không phù hợp từ đó ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

diung

Trẻ dị ứng đạm sữa bò có chế độ ăn giống và khác trẻ bình thường như thế nào?

Theo BS CK1. Lê Thị Vân Anh - Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh), trẻ dị ứng đạm sữa bò phải tránh các thức ăn, thức uống chứa đạm sữa bò.

Đối với trẻ dưới 6 tháng:

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho con bú cùng với các thực phẩm bổ sung thích hợp cho đến hai tuổi hoặc sau đó nữa.

Đối với trẻ bú mẹ nhưng có triệu chứng dị ứng, bác sĩ nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, các mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn chế độ ăn loại bỏ đạm sữa bò (sữa đặc, sữa tươi, phô mai…) có hoặc không kèm theo loại bỏ trứng và đậu nành. Mẹ cần bổ sung calci và vitamin D khi thực hiện chế độ ăn này.

Đối với trẻ không may mắn có sữa mẹ, thì lựa chọn là các sản phẩm công thức đạm sữa bò thủy phân hoặc sữa công thức amino acid.

Ba mẹ cũng có thể tìm các loại sữa tương tự, trên bao bì có ghi “Hypoallergenic formula” (công thức giảm dị ứng), “Extensively hydrolyzed formula” (công thức thủy phân tích cực/thủy phân toàn phần/thủy phân hoàn toàn), “Amino acid-based formula” (công thức acid amin).

Lưu ý:

  • Sữa thủy phân một phần (trên bao bì sẽ có dòng chữ “Partially hydrolyzed” (thủy phân một phần) hoặc “hydrolyzed”(được thủy phân)) không được khuyến cáo cho trẻ được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò.
  • Trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể dị ứng chéo với đạm sữa của các động vật khác như dê, cừu… hoặc dị ứng đạm đậu nành. Vì vậy, khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, tuyệt đối không tự ý sử dụng sữa này mà cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi – Dinh dưỡng để có được sự tư vấn dinh dưỡng tốt nhất cho bé.
di-ung-dam-2020-05-18-at-13.50.30

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên

Ngoài sữa, trẻ cần chế độ ăn bổ sung. Lựa chọn thức ăn bổ sung cũng theo nguyên tắc “dị ứng món gì thì phải tránh món đó”.

Đạm sữa bò thường có sẵn trong các sữa công thức, thức ăn dặm như là: bột ăn dặm, bánh ăn dặm với các tên gọi sữa tươi, sữa bò, sữa bột, váng sữa, sữa chua, milk, đạm whey, whey protein, đạm casein, casein protein, phô mai, cheese, bơ, butter, ghee, kem, cream…

Khi chọn thực phẩm cho trẻ, ta phải luôn quan tâm tới thành phần (Ingredients) bằng cách đọc nhãn thực phẩm.

Trẻ dị ứng đạm sữa bò, khi nào thì ăn lại được sữa bò hay sẽ dị ứng suốt đời?

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Duy Bộ, bệnh lý dị ứng ở trẻ em nói chung hay dị ứng đạm sữa bò nói riêng là thay đổi theo tuổi. Dị ứng đạm sữa bò thường sẽ hết khi trẻ lớn lên. Thời điểm hết dị ứng đạm sữa bò thay đổi tùy theo thể dị ứng và theo cá thể của trẻ. Nhìn chung, trẻ dị ứng nhanh (dị ứng qua IgE) với sữa bò sẽ hết dị ứng sau 5-6 tuổi. Nhóm dị ứng chậm (dị ứng không qua IgE) sẽ dung nạp sớm hơn, khoảng sau 2-3 tuổi.

Việc phát hiện sớm thời điểm trẻ dung nạp với sữa bò sẽ giúp trẻ nhanh chóng có được chế độ ăn và sinh hoạt như bình thường. Đặc biệt, giúp gia đình và trẻ tự tin cho con đi nhà trẻ và đi học. Do đó, trẻ dị ứng đạm sữa bò cần được thăm khám và theo dõi định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa về dị ứng. Để từ đó đánh giá và tìm thời điểm trẻ dung nạp, cho trẻ ăn lại sữa bò một cách an toàn cũng như đánh giá sự phát triển của trẻ, đặc biệt là đánh giá về hiệu quả dinh dưỡng.

Trẻ dị ứng đạm sữa bò khi đi nhà trẻ, cha mẹ cần lưu ý gì?

Trước tiên, cần phải nhắc và tạo thói quen cho con không tự ý ăn đồ ăn lạ, không nhận đồ ăn từ người khác cho trẻ. Luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn trong cặp sách của trẻ, để trẻ ăn khi đói.

Bạn cần thông báo cho cô giáo và nhà trường, luôn phối hợp chặt chẽ giữa cô giáo và nhà trường để có được bữa ăn phù hợp cho con. Đảm bảo rằng cô giáo và nhà trường biết con bạn dị ứng sữa và biết cách xử trí nếu phản ứng dị ứng xảy ra.

Trước khi đi nhà trẻ, bạn nên đi khám chuyên khoa dị ứng để được bác sĩ tư vấn và cung cấp phác đồ xử trí dị ứng để gửi đến nhà trường.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận