10:00 19/07/2023

Những sai lầm tai hại nhiều bà mẹ mắc phải khi trữ sữa cho con

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Vũ Hải Nam

Những sai lầm trong cách bảo quản sữa mẹ sẽ dẫn tới ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.

Dự trữ và bảo quản sữa mẹ là điều quan trọng trong quá trình nuôi con. Việc này tưởng đơn giản nhưng nếu không biết cách sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sữa và sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Dưới đây là một số sai lầm rất nhiều mẹ mắc phải khi trữ sữa, khiến con bị tiêu chảy hoặc gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

du-tru-va-bao-quan-sua-me
Sữa mẹ sau khi vắt cần được bảo quản đúng cách để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

1. Cho luôn sữa vào tủ cấp đông

Sau khi hút sữa hoặc vắt sữa xong, nhiều mẹ thường cho vào túi trữ rồi để vào ngăn đông luôn. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết việc này làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng từ sữa mẹ do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

2. Không ghi thời gian trữ sữa

Một số mẹ thường không ghi thời gian trữ sữa nên khi lấy ra sử dụng thường không nhớ hạn sử dụng của các túi sữa. Thông thường, thời gian bảo quản sữa mẹ ở ngăn lạnh 24 tiếng, thời gian bảo quản sữa mẹ ở ngăn đá chỉ trong 5 - 6 tháng. Các mẹ nên ghi ngày tháng, mốc thời gian cụ thể trước khi trữ sữa. Bởi có những túi sữa trữ đã lâu, quá hạn sử dụng mà không biết. Đây sẽ là nguyên nhân khiến con bị tiêu chảy, không tăng cân.

3. Trữ quá nhiều sữa trong một túi

Mỗi lần hút của mẹ có thể được khoảng 200-250ml và đổ luôn vào 1 túi. Tuy nhiên, mỗi cữ con chỉ ăn tầm 100-150ml thôi nên chỗ sữa còn lại các mẹ thường tiếc và để cho bé ăn cữ sau. Các bác sĩ cho biết, đây là một sai lầm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bé, bởi sữa sau khi rã đông chỉ sử dụng trong vòng 1 tiếng, nếu để lâu sẽ có nguy cơ bị hỏng, mất chất dinh dưỡng.

4. Cho sữa cũ và mới vào cùng 1 túi

Có những cữ vắt sữa, mẹ chỉ hút được ít, khoảng 90-100ml. Sang cữ sau, một số hút thêm và có thói quen đổ dồn vào cữ trước để tiết kiệm túi. Điều này cũng là sai lầm tai hại bởi sữa ở cữ trước đang được bảo quản trong ngăn lạnh, việc đột ngột đổ thêm sữa ở cữ sau gây chênh lệch nhiệt độ làm sữa mất chất dinh dưỡng.

5. Dùng các vật dụng cũ/ chưa được khử trùng để trữ sữa

Sữa mẹ sau khi vắt cần được trữ trong túi sạch hoặc chai sạch để đảm bảo an toàn vệ sinh cho bé. Với chai, lọ, trước khi trữ sữa, mẹ nên đun sôi để diệt hết vi khuẩn, tránh bụi bẩn và côn trùng xâm nhập.

6. Để túi trữ sữa cạnh các thực phẩm sống

Nhiều gia đình để chung sữa trữ đông của con trong tủ lạnh cùng với các thực phẩm khác. Bác sĩ cho biết vi khuẩn từ các loại thực phẩm sống như thịt, cá,... có thể lây sang túi sữa của bé; máu từ thịt, cá,... chưa qua chế biến có thể chảy xuống và thấm vào bên trong túi sữa. Điều này vô cùng nguy hiểm, là nguyên nhân chính khiến bé bị tiêu chảy.

Rã đông sữa mẹ đúng cách

Bên cạnh việc trữ đông sữa, các mẹ cũng cần quan tâm đến cách rã đông sữa để đảm bảo an toàn cho con. Trước hết, cần rã đông sữa mẹ cũ nhất trước. Theo thời gian, chất lượng sữa mẹ có thể giảm xuống. Một số cách rã đông sữa mẹ như để trong tủ lạnh qua đêm, đặt trong một ly/thau nước ấm hay để dưới vòi nước ấm.

Không bao giờ rã đông hoặc hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng. Lò vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và tạo ra các điểm nóng, có thể làm bỏng miệng trẻ.

Nếu rã đông sữa mẹ trong tủ lạnh, hãy sử dụng nó trong vòng 24 giờ (tính từ lúc sữa mẹ được rã đông hoàn toàn, không phải từ khi bạn lấy sữa ra khỏi tủ đông). Sau khi sữa mẹ được rã đông và làm ấm, chỉ sử dụng trong vòng 2 giờ. Không nên đông lạnh lại sữa mẹ đã rã đông.

Màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào chế độ ăn uống của bạn. Ngoài ra, sữa mẹ đã rã đông có thể có mùi hoặc độ đặc khác với sữa mới vắt. Sữa mẹ rã đông vẫn an toàn khi cho bé bú. Sữa mẹ không cần hâm nóng. Nó có thể được dùng ở nhiệt độ phòng hoặc dùng lạnh.

Nếu mẹ muốn hâm nóng sữa cho con, cần lưu ý luôn đậy kín bình/túi chứa sữa khi hâm nóng, hâm nóng trong nước ấm. Kiểm tra nhiệt độ của sữa trước khi cho bé bú bằng cách nhỏ vài giọt lên cổ tay. Không đun sữa mẹ trực tiếp trên bếp hoặc trong lò vi sóng. Xoay/ lắc nhẹ bình/túi sữa mẹ để trộn chất béo bị tách ra trong quá trình cấp đông và hâm nóng.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận