08:30 29/08/2022

Triệu chứng đậu mùa khỉ ở trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Ít nhất 17 trẻ em, thanh thiếu niên ở Mỹ đã được phát hiện mắc đậu mùa khỉ. Triệu chứng mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em và thanh thiếu niên tương tự người lớn.

Mỗi năm, trẻ em đều có thể mắc đến hàng chục loại virus khác nhau, bao gồm cả những virus lây nhiễm như bệnh tay chân miệng. Cũng giống như ở người lớn, bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở trẻ em và thanh thiếu niên qua tiếp xúc cá nhân gần gũi như ôm, hôn, nói chuyện ở khoảng cách gần, da kề da... với người bệnh.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng lưu ý, đậu mùa khỉ có thể lây lan qua các đồ vật hoặc bề mặt bị ô nhiễm như quần áo, khăn tắm, ga trải giường...

image001-4124-1655260026

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em

Cũng như các bệnh khác, trẻ sơ sinh, hoặc trẻ nhỏ trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, rất dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch của chúng yếu hơn.

Theo CDC, trẻ em dưới 8 tuổi có nhiều nguy cơ bị các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ hơn, mặc dù nói chung các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này là nhẹ.

Triệu chứng đặc biệt nhất là phát ban tiến triển từ tổn thương dát mỏng đến mụn nước, mụn mủ và cuối cùng là đóng vảy.

Một số triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ và đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức.

Các chuyên gia cho biết, virus cũng có thể gây ra các triệu chứng về đường hô hấp như đau họng, nghẹt mũi hoặc ho.

Tổn thương nội nhãn, sưng mí mắt hoặc đóng vảy mí mắt cũng có thể xảy ra khi người bệnh có tổn thương ở gần hoặc trong mắt, do bệnh nhân dùng tay nhiễm virus chạm vào các vị trí này.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường khởi phát trong vòng 3 tuần kể từ khi tiếp xúc với virus.

Theo CDC, nhóm trẻ có nguy cơ trở nặng khi mắc đậu mùa khỉ là những trẻ dưới 8 tuổi. Các em có xu hướng gặp biến chứng như viêm phổi, viêm não. Các vết loét do virus đậu mùa khỉ gây cũng dễ dẫn đến nhiễm trùng, viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu.

Chăm sóc trẻ mắc đậu mùa khỉ

Theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian bị bệnh.

Phác đồ điều trị cho trẻ em, thanh thiếu niên mắc bệnh cũng tương tự người lớn.

Trẻ sơ sinh nên ở trong phòng riêng và không tiếp xúc với cha mẹ, người chăm sóc bị bệnh hoặc có tiền sử tiếp xúc nguồn lây.

Nếu trẻ tiếp xúc gần người mắc bệnh, phụ huynh nên theo dõi chặt trẻ trong vòng 21 ngày.

Khi trẻ xuất hiện triệu chứng, cha mẹ nên cách ly và cho trẻ đeo khẩu trang.

Cần chú ý che chắn vùng da bị tổn thương, tránh để trẻ gãi hoặc sờ tay vào mắt.

Bổ sung đủ nước cho trẻ.​

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận