15:44 11/10/2022

Vai trò luật sư bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ án bạo hành

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Trẻ em thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, cần sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ trẻ em bị bạo hành có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.

1
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo tuyên truyền pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; phòng, chống bạo lực trẻ em tại trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng)

Nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

Thời gian gần đây, các vụ việc trẻ em bị bạo hành có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ em bị bạo hành, thưa bà?

- Nhà nước luôn dành cho trẻ em  các quy định pháp luật, chính sách quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc trẻ em bị bạo hành gây nhiều hậu quả thương tâm. Điển hình như vụ việc bé V.A (ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong; hay vụ việc bé L.H.A (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị bố ruột đánh chết chỉ vì đọc sai chữ. Gần đây nhất, vụ việc bé gái tên Tr (sinh năm 2021) nhập viện Nhi T.Ư ngày 26/7/2022 trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định mẹ cháu Tr thuê người trông cháu để đi làm ở tỉnh khác. Trong quá trình trông cháu Tr, do cháu bị sốt và quấy khóc nên vợ chồng người trông cháu đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu Tr. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ thương tâm khác khiến dư luận phẫn nộ.

b95c2ba1-8c7d-458b-8ec7-ba89e62e16b0
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo tích cực tuyên truyền pháp luật quyền trẻ em tại các trường học

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trẻ em bị bạo hành là sự thiếu hiểu biết pháp luật về quyền trẻ em của những người có hành vi bạo hành. Đáng chú ý, nhiều người vẫn còn chưa phân biệt được sự khác nhau của dạy dỗ trẻ và bạo hành trẻ em. Nhiều người vẫn cho rằng, đánh trẻ là hành vi dạy dỗ và đây là việc riêng của gia đình; “thương cho roi, cho vọt” là cách dạy dỗ con cái của mình. Nhiều người hàng xóm bên cạnh cũng cho rằng, đó là việc riêng gia đình người khác nên không can thiệp, không hỏi han, lơ đi như không biết.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ trong các vụ án bạo hành, các luật sư đã gặp phải khó khăn thế nào khi thực hiện nhiệm vụ?

- Chính vì suy nghĩ “việc riêng của gia đình” nên khi luật sư tham gia tố tụng với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại không hợp tác vì cho rằng, đó là việc tự dạy bảo con trong gia đình nên không cần luật sư tham gia bảo vệ. Điều này gây khó khăn cho luật sư trong việc thu thập chứng cứ, lời khai từ những người làm chứng, người đại diện cho bị hại.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ việc bé L.H.A bị bố bạo hành dẫn đến tử vong tại TAND quận Bắc Từ Liêm, tôi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đã yêu cầu áp dụng tình tiết tặng nặng do người bị bạo hành là trẻ em gây hậu quả tử vong. Người có hành vi bạo hành và những thân xung quanh vẫn chưa ý thức được người bị bạo hành không chỉ là con của mình mà còn là một công dân được pháp luật bảo vệ quyền được sống. Điều này gây ra khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của luật sư khi thu thập chứng cứ, lấy lời khai, quá trình bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị hại là trẻ em tại Toà án.

Vậy, vai trò của luật sư bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ án hình sự bạo hành trẻ em diễn ra thế nào, thưa bà?

- Đóng góp vào bảo vệ công lý, bảo vệ quyền trẻ em là đội ngũ luật sư góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong vụ việc trẻ em bị bạo hành. Xuất phát từ đặc trưng nghề nghiệp là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế, đặc biệt bảo vệ trẻ em, luật sư Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ quyền trẻ em.

Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em bị bạo hành chủ yếu tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong vụ việc trẻ em bị bạo hành, luật sư đóng vai trò rất quan trọng tham gia vào quá trình lấy lời khai, cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện giám định pháp y, xem xét việc thu thập chứng cứ đã đầy đủ, khách quan chưa, quá trình tham gia của luật sư sẽ thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, góp phần bảo vệ công lý. Kết luận giám định pháp y khi trẻ em bị tử vong do bạo hành cần kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ, nếu không đáp ứng thì sẽ có thể dẫn đến việc xét xử chưa khách quan, toàn diện.

md1
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo tuyên truyền, phổ biến pháp luật với chủ đề "Sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh" tại trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy)

Luật sư là những người hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật bảo vệ quyền trẻ em nói riêng, có kinh nghiệm bảo vệ trẻ em sẽ tham gia tố tụng từ giai đoạn tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử. Luật sư bảo vệ quyền trẻ em trong đó có trẻ em bị bạo hành có kinh nghiệm trong việc tham gia các vụ việc hình sự để bảo vệ quyền trẻ em.

Một số vụ án bạo hành trẻ em tuỳ theo diễn biến vụ việc, kết luận điều tra mà truy tố các tội danh giết người, tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Đối với vụ việc bé V.A bị “dì ghẻ” bạo hành gây nhiều bức xúc trong dư luận, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, luật sư Nguyễn Anh Thơm - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại đã đề nghị xác định tỷ lệ thương tật, thương tích của bị hại trong các ngày 7-10-11-12/12/2021, đề nghị thay đổi tội danh bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái là đồng phạm với bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội Giết người, Cố ý gây thương tích. Sau khi hội ý, HĐXX nhận thấy căn cứ vào Điều 205, 206, 207 Bộ luật Hình sự, việc xác định thương tích là bắt buộc, HĐXX cho rằng cần hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, xác định lại tỷ lệ thương tích của bị hại theo yêu cầu của luật sư.

Trong vụ việc bé L.H.A ở quận Bắc Từ Liêm bị bố bạo hành bằng đũa gỗ, gậy gỗ khi dạy học dẫn đến tử vong do bị chấn thương nặng phần lưng và mông cháu bé, tôi cũng đã kiến nghị HĐXX áp dụng tình tiết tăng nặng với bị cáo Lê Thành Công và được HĐXX chấp thuận. Từ đó, có thể thấy luật sư đóng vai trò quan trong vụ việc trẻ em bị bạo hành, công tâm vì quyền trẻ em, góp phần xét xử đúng người, đúng tội.

Phải chăng, cần nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, xâm hại, thưa bà?

- Bên cạnh việc tham gia vào các vụ án với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, đội ngũ luật sư cũng đang làm rất tốt công tác tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, xâm hại. Trong nửa đầu năm 2022, đã có rất nhiều buổi tuyên pháp luật vì quyền trẻ em được tổ chức tại các trường THCS, THPT và phối hợp tổ chức tại các UBND cấp xã, phường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.

Nhằm khẳng định rõ hơn nữa vị trí, vai trò của luật sư trong bảo vệ quyền trẻ em, đội ngũ luật sư tiếp tục nâng cao kiến thức nghiệp vụ, trau dồi thêm hiểu biết tâm sinh lý trẻ em, tâm lý của gia đình nạn nhân. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao vai trò của luật sư trong vụ án hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đảm bảo việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

Xin cảm ơn bà!

Theo Kinh tế & Đô thị

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận