Vì sao nhà trường phải đi thu tiền bảo hiểm y tế học sinh?
Một thầy hiệu trưởng quá áp lực chuyện chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế đã phải gọi tên những học sinh chưa đóng tiền bảo hiểm, để rồi phụ huynh em này giận dữ vác dao vào trường.
Vì sao bao nhiêu năm qua, nhà trường luôn phải đi thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh, những công việc này liệu có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của các thầy cô?
Nỗi khổ của nghề giáo, nhưng phải kiêm việc thu tiền
Câu chuyện gọi tên học sinh cuối giờ chào cờ vì chưa đóng tiền bảo hiểm y tế ở Hà Tĩnh vừa qua gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thực tế trong bao nhiêu năm qua, việc đi thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh vẫn là nỗi khốn khổ của nhiều thầy cô.
Tâm sự với PV Thanh Niên, hiệu trưởng một trường học tại TP.HCM thở ngắn than dài vì chuyện phải thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm phải thuyết phục như năn nỉ phụ huynh, nhưng nhiều phụ huynh nói thẳng không muốn mua bảo hiểm y tế vì gia đình đã mua bảo hiểm y tế tư nhân cho các con. Vì thế, hiệu trưởng phải gặp riêng vài lần để thuyết phục thì phụ huynh mới đồng ý đóng bảo hiểm y tế cho con.
Nếu nhiều phụ huynh không muốn đóng tiền bảo hiểm y tế và áp lực đổ hết xuống đầu thầy cô, rồi phải “năn nỉ” như thế này thì thời gian nào cho công việc chuyên môn?
Bình luận trên Báo Thanh Niên sau bài viết bêu tên học sinh trước trường vì chưa đóng bảo hiểm y tế, rất nhiều bạn đọc phản ánh “hãy để thầy cô làm đúng công việc chuyên môn của mình, đừng bao giờ đụng đến những chuyện thu tiền”.
Bảo hiểm y tế học sinh là tự nguyện hay bắt buộc?
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định của luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 thì bảo hiểm y tế là bảo hiểm bắt buộc đối với nhóm đối tượng được quy định theo luật này. Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng. Học sinh, sinh viên thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (mức hỗ trợ tối thiểu là 30% hoặc cao hơn tùy vào ngân sách của một số địa phương có hỗ trợ thêm).
Luật sư Phát cho hay: “Học sinh, sinh viên là nhóm bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế, nhưng được nhà nước hỗ trợ mức đóng. Hiện nay, vì quy định theo nhóm đối tượng mua, hỗ trợ, không hỗ trợ... nên học sinh phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc theo trường. Ngoại trừ học sinh thuộc nhóm gia đình hộ nghèo, dân tộc thiểu số thì không cần phải mua tại trường vì đã được địa phương nơi đang sinh sống dùng ngân sách để mua hỗ trợ".
"Đây là một chính sách mà tôi cho rằng rất nhân văn mà Nhà nước đã ban hành, bởi vì mục đích của nó là chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”, luật sư Phát chia sẻ.
Như vậy, nếu phụ huynh không mua bảo hiểm y tế cho con em mình, tức là đang làm không đúng với quy định nêu trên. Luật sư Phát lưu ý: "Người mua chính là phụ huynh, còn học sinh chỉ là người thụ hưởng bởi các em không có tài sản để mua cho mình. Vì vậy, việc phụ huynh không mua, tức đã đưa con mình vào tình thế bất lợi trong việc thụ hưởng chính sách nhân văn của Nhà nước”.
Không nên để nhà trường thu tiền bảo hiểm y tế học sinh!
Tại sao bao nhiêu năm qua, nhà trường phải đi thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh và công việc này trở thành nỗi ám ảnh, khốn khổ của nhiều thầy cô?
Về vấn đề này, luật sư Phát cho hay: “Hiện nay, việc để cho nhà trường đứng ra tổ chức thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh, tôi cho rằng đang làm chiếm thời gian của nhà trường, của các thầy cô, có thể tạo ra sự xung đột không hay có thể xảy ra giữa nhà trường và phụ huynh".
"Lý do là nhiều phụ huynh cứ nghĩ nhà trường bán và nhà trường có lời, nên cố gắng ép mình mua bảo hiểm y tế cho các con. Bên cạnh đó, một số trường lại bị áp lực, đánh giá học sinh không mua bảo hiểm y tế, nó sẽ làm ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu. Trong khi bản thân các cháu cho dù có muốn mua, cũng không thể mua, nếu phụ huynh vẫn không bỏ tiền ra mua…”, luật sư Phát nói.
Vậy đâu mới là bên cần đi thu tiền bảo hiểm y tế của học sinh?
Giám đốc hãng luật sư Lê Trung Phát đề xuất: "Vì vậy, tôi cho rằng, việc này Cơ quan quản lý về bảo hiểm, cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn và ban hành quy định về cơ quan tiếp nhận, bán bảo hiểm y tế cho đối tượng là học sinh, sinh viên. Để đầu mối bán sẽ đưa về cơ quan bảo hiểm thay vì để nhà trường bán như hiện nay".
“Nhà trường chỉ cần cung cấp danh sách phụ huynh, học sinh để cơ quan quản lý về bảo hiểm trực tiếp làm việc với phụ huynh, thu tiền bảo hiểm y tế, đúng người đúng việc. Điều này góp phần tránh các xung đột đáng tiếc có thể xảy ra, góp phần thực hiện tốt chính sách nhân văn của Nhà nước”, luật sư Phát nói.
Hãy trả thầy cô về đúng vị trí của họ!
Bình luận thẳng thắn trên Báo Thanh Niên, bạn Le Dung chia sẻ: “Hãy trả thầy cô về đúng vị trí của họ thì sẽ không có những trường hợp như thế này xảy ra! Thầy cô chuyên tâm dạy học, đừng bao giờ đụng đến những chuyện thu tiền này kia thì sẽ ổn cả thôi”.
Bạn Nguyễn Thụy cũng cho rằng “hãy để thầy cô về đúng công việc của mình, chỉ việc dạy chứ không phải thu tiền cho Bảo hiểm”. Hay độc giả Luong Đặng bình luận: "Có những thứ không liên quan tới việc dạy học trong nhà trường mà làm cho ngành giáo dục tụt hậu".
Theo Thanh niên
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất