VNISA: Tạo 'hệ miễn dịch số' là yếu tố quan trọng để bảo vệ trẻ em trên mạng
Theo đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA, việc tạo ra 'hệ miễn dịch số' là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên mạng.
Tháng 6/2021, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021- 2025” (Chương trình 830), lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên mạng.
Chương trình hướng tới “mục tiêu kép” là: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ trên môi trường mạng; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Theo các chuyên gia, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, cùng với yếu tố khách quan là đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, nhiều trẻ em buộc phải tiếp xúc với học tập trực tuyến, với Internet.
Bên cạnh những lợi ích từ Internet, mặt trái của môi trường mạng là việc trẻ tiếp xúc quá sớm, thường xuyên với các nội dung chưa phù hợp lứa tuổi, nội dung độc hại, là sự mất cân bằng giữa học tập và giải trí online, game.
Ở góc độ của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Phó Chủ tịch Ngô Tuấn Anh cho rằng, để bảo vệ, hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng cần có 4 đối tượng tham gia: cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ trên mạng, phụ huynh và trẻ em.
Để hiệu quả cao nhất thì cần cơ quan quản lý nhà nước có hành lang pháp lý, kế hoạch hành động, quy chuẩn tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải có hệ thống chặn lọc nội dung độc hại, không phù hợp lứa tuổi.
Cùng với đó, phụ huynh cần có sự quan tâm, tri thức và kỹ năng bảo vệ con trên môi trường mạng. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần xây dựng thành trì ở chính đối tượng cần bảo vệ, đó là tạo ra sự miễn dịch của trẻ, để các em có thể tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
“Chúng tôi cho rằng, tạo ra “hệ miễn dịch số” cho trẻ là yếu tố quan trọng nhất. Với tỷ lệ 87% trẻ em có truy cập Internet hàng ngày, những biện pháp khác chỉ là yếu tố bổ trợ, bản thân sức đề kháng, miễn dịch của các em mới là yếu tố quyết định”, ông Ngô Tuấn Anh nói.
Dẫu vậy, theo vị chuyên gia này, việc tạo “hệ miễn dịch số” cho trẻ em mới chỉ ở bước đầu, do đó thời gian tới, bên cạnh bám sát các nhiệm vụ và mục tiêu của Chương trình 830, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, thông qua việc tổ chức thường xuyên các hoạt động đào tạo, thi về an toàn thông tin cho học sinh.
Vì thế, trong năm ngoái, VNISA đã cùng các ngành GD&ĐT, TT&TT khởi động tổ chức cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin”. Ngày 24/11 tới, trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022, sau 15 năm tổ chức sự kiện, lần đầu VNISA có 1 phiên chuyên đề riêng về các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chia sẻ về hội thảo chuyên đề này, đại diện VNISA cho hay, hội thảo sẽ bàn thảo mọi vấn đề về bảo vệ trẻ em, từ quy định pháp lý, vai trò trách nhiệm của các bên cho tới giải pháp cụ thể.
Hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kỳ vọng đây sẽ không chỉ là một hội thảo đơn thuần, mà là sự mở đầu cho việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động bảo vệ trẻ em trên mạng.
“Sau hội thảo chuyên đề "Chính sách và công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng", trên cơ sở tập hợp ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ đề xuất kế hoạch tổng thể để thúc đẩy bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, đại diện VNISA thông tin thêm.
Theo Ictnews
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất