Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não: Dạy con như thế nào để tránh những hậu quả đau lòng?
Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não rồi dẫn tới tử vong đã để lại bài học đau lòng cho những người trong cuộc và cũng là hồi chuông cho các gia đình và nhà trường giáo dục con em mình.
Vụ việc nam sinh lớp 8 bị đánh dẫn đến chết não trong lúc chơi bóng rổ tại Hà Nội đã gây chấn động dư luận, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bài học dạy con trong gia đình. Sự việc không chỉ đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về pháp luật mà còn khiến mỗi gia đình phải suy ngẫm về cách giáo dục con cái, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin và áp lực xã hội gia tăng.
Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ-Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, đây là một vụ án hết sức đau lòng với nhiều khía cạnh cần được làm rõ trong quá trình tố tụng tiếp theo.
Theo kết luận điều tra đã công bố, Trương Văn Minh (sinh năm 2008, trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đã bị đề nghị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Minh được cho là đã tham gia đánh cháu N.H.Đ. (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Việt Hưng) dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án này, em trai của Minh, T.V.K. (sinh năm 2012), cũng bị xác định là đồng phạm. Cơ quan điều tra cho biết, T.V.K. đã có mâu thuẫn với cháu Đ. và bị tát trong khi chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật vào chiều ngày 17/3. Sau đó, T.V.K. đã gọi anh trai Minh đến để giải quyết mâu thuẫn, và khi hai anh em quay lại, bố của hai em là ông T.V.T. (sinh năm 1979) cũng có mặt.
Ông T.V.T. đã chở hai con đến sân đình sau khi nghe kể lại sự việc, nhưng ông không tham gia vào việc đánh đập mà chỉ bảo hai con vào sân gặp ông nội và sau đó quay xe định rời đi.
Về mức án mà Trương Văn Minh có thể phải đối mặt, Luật sư Cường giải thích: "Với hành vi gây thương tích dẫn đến chết người, khung hình phạt là từ 07 đến 14 năm tù theo quy định tại Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, do Minh dưới 18 tuổi nên sẽ được áp dụng chính sách khoan hồng, mức hình phạt không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định, tức là không quá 10 năm, 05 tháng tù”.
Bên cạnh đó, Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, điều quan trọng nhất sau sự việc là người lớn sẽ rút ra được bài học gì sau sự việc đau lòng trên, cụ thể là giáo dục trẻ em về kiểm soát cảm xúc và giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Các em cần được dạy rằng việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không chỉ là sai trái mà còn có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cha mẹ và thầy cô cần nhấn mạnh việc sử dụng lời nói và các biện pháp hòa giải thay vì hành động bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn.
Vụ việc cho thấy vai trò quan trọng của phụ huynh trong việc giám sát và định hướng hành vi của con cái. Trong trường hợp này, người cha của bị can đã đưa con mình đến hiện trường xung đột mà không có hành động kịp thời để ngăn chặn việc sử dụng bạo lực. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cha mẹ trong việc giám sát, giáo dục và hướng dẫn con cái khi đối mặt với các tình huống căng thẳng.
Phụ huynh cần nhận thức rõ rằng, trẻ em luôn học hỏi từ những gì chúng thấy và nghe, đặc biệt là từ những hành động của người lớn xung quanh. Việc cha mẹ thể hiện các giá trị như sự tôn trọng, bình tĩnh và trách nhiệm trong các tình huống căng thẳng sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực lên con cái.
Môi trường sống và các giá trị đạo đức mà trẻ được tiếp xúc hàng ngày có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của chúng. Việc tạo ra một môi trường gia đình và học đường lành mạnh, nơi trẻ được tôn trọng và học cách tôn trọng người khác, là yếu tố then chốt để ngăn ngừa các hành vi bạo lực. Các bài học về tình yêu thương, lòng khoan dung và sự tha thứ cần được truyền đạt từ khi còn nhỏ, giúp trẻ hiểu và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Cũng theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, vụ việc cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh và nhà trường về tầm quan trọng của việc duy trì sự quan tâm và giao tiếp thường xuyên với con cái. Việc lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của con sẽ giúp phát hiện sớm những vấn đề mà trẻ đang gặp phải, từ đó có những biện pháp giáo dục kịp thời. Cha mẹ cần chủ động tìm hiểu và tham gia vào cuộc sống của con, đặc biệt là trong giai đoạn tuổi dậy thì, khi trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam, cho rằng từ sự việc đau lòng này, người lớn, các tổ chức, gia đình, nhà trường và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và giáo dục trẻ em.
Vụ việc nam sinh lớp 8 bị đánh chết não là một bài học đau lòng, nhưng đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh để chúng ta xem xét lại cách nuôi dạy và giáo dục con cái.
Việc tăng cường các chương trình giáo dục về phòng chống bạo lực, kỹ năng sống và giá trị đạo đức tại trường học, cũng như tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, là điều cần thiết để hỗ trợ gia đình trong việc nuôi dạy con cái.
Việc dạy con không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là việc xây dựng nhân cách, dạy con biết kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột một cách hòa bình, và sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chỉ khi mỗi thành viên trong gia đình và cộng đồng ý thức được vai trò của mình trong việc giáo dục trẻ, chúng ta mới có thể ngăn chặn những bi kịch tương tự xảy ra trong tương lai".
“Vụ việc này cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người lớn, cụ thể là người cha của bị can, trong việc giám sát và giáo dục con cái. Vai trò của người lớn trong việc ngăn chặn các hành vi bạo lực giữa trẻ em là vô cùng quan trọng. Vụ việc này không chỉ là một trường hợp nghiêm trọng về bạo lực trẻ em, mà còn là lời cảnh báo về trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, giáo dục trẻ em, đảm bảo các em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.
Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam đã và đang tuyên truyền rộng rãi về luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và quyền trẻ em trên các phương tiện truyền thông. Hội cũng kiên quyết xử lý nghiêm minh tất cả các hành vi xâm hại trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho thế hệ trẻ”, ông Hà Đình Bốn cho biết.
Người chưa thành niên cố ý gây thương tích dẫn đến chết người bị xử lý thế nào? Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo đó, phạt tù từ 07 năm đến 14 năm đối với trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà dẫn đến chết người. Trường hợp, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bên cạnh đó, tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: - Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự 2015 có quy định khác.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự 2015.
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác khi hành vi có tính chất rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Đối với người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất