10 lời khuyên giúp trẻ giải quyết căng thẳng
Do những áp lực của lối sống hiện đại, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng bị căng thẳng. Việc áp lực, căng thẳng thường xuyên có tác động xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ. Nhưng liệu phụ huynh khi biết rằng con đang bị căng thẳng có thực sự biết cách giải quyết?
Căng thẳng là gì?
Theo từ điển Oxford định nghĩa, căng thẳng là những trạng thái áp lực quá mức về tinh thần hoặc cảm xúc như áp lực phải hoàn thành bài tập đúng thời hạn, áp lực phải tuân thủ các tiêu chuẩn trong trường học, áp lực đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, áp lực phải vượt qua những đòi hỏi khắt khe của giáo viên, áp lực phải luôn nói “đồng ý", áp lực phải đương đầu với khó khăn,..
Việc áp lực, căng thẳng như vậy có tác động xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ. Vì vậy, điều quan trọng đối với trẻ em - thế hệ hiện tại đang phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía khác nhau là giải quyết những căng thẳng một cách hiệu quả.
Dưới đây là 10 lời khuyên giúp con kiểm soát căng thẳng:
1. Nhận biết các yếu tố gây căng thẳng và giải quyết chúng
Đây là chìa khóa để quá trình kiểm soát căng thẳng diễn ra hiệu quả. Xác định các yếu tố, nguyên nhân gây ra căng thẳng trong cuộc sống của con và giúp con xử lý chúng, điều đó sẽ giúp con thoát khỏi tâm trạng căng thẳng.
2. Đặt những kỳ vọng thực tế
Cha mẹ không nên có những kỳ vọng quá nhiều đặt lên con cái mà hãy để con tự đưa ra những mục tiêu cho bản thân. Những khát vọng và tham vọng thái quá của phụ huynh sẽ gây ra những gánh nặng, dẫn đến hậu quả trái ngược, con không những không đạt thành tích cao mà kết quả học tập có thể tệ hơn.
3. Lập kế hoạch
Hãy lập kế hoạch phù hợp cho tất cả các hoạt động của con trong học tập và ngoại khóa. Việc học tập hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa dẫn đến quá tải sẽ không mang lại lợi ích nào.
4. Áp dụng lối sống lành mạnh
Đảm bảo giờ ngủ đều đặn cho con bạn. Trẻ nên ngủ đủ giấc (ít nhất 8 giờ một ngày). Khuyến khích con đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thói quen như vậy sẽ giúp con ngủ ngon và tươi tắn suốt cả ngày.
Con bạn cũng nên ăn uống đều đặn và hợp lý mỗi ngày. Đảm bảo chế độ ăn có giá trị dinh dưỡng.
5. Duy trì một lối sống tích cực
Tách bản thân ra khỏi số đông không phải là lựa chọn đúng đắn. Hãy dạy con cách tương tác và hòa nhập với bạn bè, người thân, xã hội. Những mối quan hệ tích cực sẽ giúp con có một tinh thần vững chắc, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.
6. Tận hưởng những thú vui tiêu khiển
Cho trẻ theo đuổi bất kỳ sở thích nào mà trẻ yêu thích như làm vườn, chơi thể thao, vẽ tranh,... Một số thú vui tiêu khiển trong cuộc sống không chỉ giúp trẻ thư giãn mà còn vô cùng hữu hiệu trong việc giảm căng thẳng.
7. Dũng cảm đối mặt với thất bại
Thông thường, nỗi sợ thất bại và sự xấu hổ khi đối mặt với thất bại là những yếu tố gây ra sự căng thẳng lớn với trẻ. Hãy dạy con rằng dù thành công hay thất bại, chúng đều là những trải nghiệm khác nhau và thiết yếu trong cuộc sống. Thất bại trong cuộc sống là điều không thể tránh, quan trọng là cách chúng ta đối mặt và xử lý chúng như thế nào.
8. Học cách giải quyết vấn đề
Hãy xây dựng cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi phải đối mặt với vấn đề nan giải, trẻ gặp khó khăn sẽ dần cảm thấy nặng nề và áp lực. Vì vậy, cha mẹ nên phát triển cho trẻ những cách tiếp cận giải quyết vấn đề mà con có thể áp dụng như tư duy đa chiều và tư duy khác biệt.
9. Giữ bình tĩnh
Hãy dạy con giữ bình tĩnh dũng cảm đối diện với khó khăn, bởi sự tức giận, lo lắng và căng thẳng không bao giờ giúp ích được gì.
10. Cầu nguyện và thiền định
Lời khuyên quan trọng nhất là giúp con bạn dành một chút thời gian yên tĩnh để suy ngẫm, cầu nguyện và thiền định. Điều này chắc chắn sẽ giúp con giảm bớt căng thẳng.
Theo Parent Circle
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất