16:30 30/09/2022

11 mẹo giao tiếp với trẻ vị thành niên

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An An

Kết nối với con là cơ sở để hỗ trợ con chăm sóc sức khỏe tâm thần và học tập cảm xúc - xã hội một cách hiệu quả.

tre

Khi chúng ta yêu thương ai đó, chúng ta không chỉ quan tâm đến họ, mà còn quan tâm đến cả suy nghĩ và cảm xúc của họ. Khi con bạn trưởng thành, giao tiếp chính là một cách để bạn thể hiện tình yêu thương và tôn trọng đối với đứa con đang lớn khôn của mình.

Dưới đây là 11 mẹo giao tiếp với trẻ vị thành niên do Unicef và Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ:

1. Thể hiện sự hứng thú về những gì quan trọng đối với con để thể hiện rằng bạn quan tâm.

2. Chia sẻ về bản thân bạn, tìm cách tạo sự kết nối và xác định những sở thích chung.

3. Hỏi ý kiến, góc nhìn và quan điểm của con để bạn có thể hiểu được cảm xúc của con.

4. Phát huy những giao tiếp mà bạn đã có với con từ khi còn nhỏ - giao tiếp đóng vai trò quan trọng từ giai đoạn sơ sinh đến giai đoạn trưởng thành. Nếu bạn và con đã có sự giao tiếp tốt, chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ khi con còn nhỏ, nhiều khả năng điều này sẽ tiếp tục khi con bạn trải qua tuổi vị thành niên.

Lắng nghe chủ động

Lắng nghe chủ động là một yếu tố quan trọng khi tương tác với con. Một người biết lắng nghe chủ động là một người nghe tham gia tích cực, quan tâm, thấu cảm và không phán xét, ngay cả khi (và đặc biệt khi) họ không đồng ý với góc nhìn của người khác.

Mặc dù một số quan niệm hoặc quan điểm của con có thể khác với bạn, nhưng bạn cần tôn trọng và coi trọng góc nhìn của con. Điều này sẽ khiến con tôn trọng góc nhìn và quan điểm của bạn.

Việc lắng nghe chủ động sẽ khiến con bạn cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu, bớt cô đơn và bình tĩnh hơn. Ngược lại, nếu chúng ta không biết lắng nghe con, có khả năng chúng ta sẽ khiến con cảm thấy mình đang phớt lờ mối quan tâm của con và coi nhẹ cảm xúc của con. Điều này có thể khiến con cảm thấy dè chừng, bực bội, cô đơn hoặc tổn thương.

Nếu chúng ta không biết lắng nghe, có khả năng chúng ta sẽ khiến con cảm thấy mình đang phớt lờ mối quan tâm của con và coi nhẹ cảm xúc của con.

5. Thể hiện sự chú ý qua ngôn ngữ cơ thể. Duy trì giao tiếp bằng mắt, gật đầu khẳng định, có ánh mắt quan tâm hay nụ cười khích lệ đều là những cử chỉ nhỏ để con biết rằng bạn đang chú ý đến con.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể tự nhiên và những dấu hiệu khiến con cảm thấy sự hiện diện của bạn và sự quan tâm thực sự mà bạn dành cho con. Ngay cả khi không nói gì, bạn vẫn có thể cho con thấy bạn vẫn lắng nghe con, và những gì con đang nói đều quan trọng đối với bạn.

6. Đặt những câu hỏi mở và câu hỏi làm rõ vấn đề để thấu hiểu hơn cảm giác của con. Những câu hỏi này không có câu trả lời đúng hay sai; chúng chỉ đơn giản là giúp bạn hiểu sâu hơn về suy nghĩ của con bạn. Ví dụ, bạn có thể thử hỏi những câu như sau: “Con có thể giải thích ý của con là gì khi nói... được không?”, “Theo con, vì sao con cảm thấy khó chịu khi...?” hoặc “Con nghĩ mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu...?”

Hãy sử dụng bất kỳ cách diễn đạt nào mà bạn và con cảm thấy tự nhiên để thể hiện sự thấu cảm.

tre-1

7. Phản ánh những gì con bạn đang nói bằng cách diễn giải lại những gì con vừa chia sẻ.

Ví dụ, bạn có thể nói: “Theo bố/mẹ vừa nghe thì con nói…” hoặc “Con cảm thấy… - bố/mẹ hiểu như vậy có đúng không?”

8. Đưa ra phản hồi và khẳng định tích cực. Khen ngợi một cách cụ thể và ngay lập tức có thể giúp xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ vị thành niên, đồng thời khuyến khích con tiếp tục có những hành vi tương tự.

 Ví dụ, nếu con bạn chia sẻ rằng con đang cảm thấy rất căng thẳng, bạn có thể đáp lại bằng cách nói: “Cảm ơn vì con đã dũng cảm chia sẻ cảm giác của con lúc này” hoặc “Thật khó để nói với ai đó khi chúng ta cảm thấy căng thẳng. Bố/mẹ rất vui vì con đã tâm sự với bố/mẹ.”

9. Công nhận cảm xúc của con. Điều này có thể giúp con chấp nhận cảm xúc của mình và cảm thấy an toàn khi thể hiện bản thân. Ví dụ, bạn có thể nói: “Việc con cảm thấy tức giận ngay bây giờ là dễ hiểu. Bố/mẹ cũng sẽ cảm thấy như vậy nếu đặt mình vào vị trí của con”, “Cảm ơn con đã chia sẻ với bố/mẹ. Thật khó để tậm sự với người khác khi chúng ta cảm thấy buồn” hoặc “Bố/mẹ rất buồn khi biết con đang cảm thấy căng thẳng. Bố/mẹ cũng sẽ cảm thấy như vậy nếu đặt mình vào vị trí của con. Mình cùng nhau tìm cách ra cách giải quyết nhé.”

tre-vi-thanh-nien-0722

10. Đôi khi không dễ để con bạn nói lên những gì đang khiến con lo lắng, và bạn có thể không biết phải nói gì. Không sao, bạn có thể giải thích cho con rằng bạn sẽ luôn ở bên con, và bạn luôn sẵn sàng trò chuyện và lắng nghe con bất cứ lúc nào. Đừng ép trẻ phải trò chuyện với bạn nếu con không thể diễn tả những gì đang xảy ra với con.

11. Giao tiếp không chỉ là việc chia sẻ về những khó khăn hay cảm xúc tiêu cực. Điều quan trọng là chia sẻ những chuyện vui, những chuyện tốt đẹp diễn ra trong ngày, cùng nhau xây dựng những khoảnh khắc đầy ắp tiếng cười và thể hiện tình cảm theo bất cứ cách nào mà con bạn cảm thấy thoải mái.

Cùng nhau có những giây phút vui vẻ và tràn ngập tiếng cười là một cách tuyệt vời để cảm thấy tích cực và củng cố mối quan hệ của bạn với con!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận