15:03 03/04/2024

7 loại thực phẩm giàu protein rất tốt cho bé

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nguyễn (Theo Parents)

Khi bé bắt đầu ăn dặm, cha mẹ có thể lựa chọn nhiều thực phẩm giàu protein để hỗ trợ con phát triển toàn diện.

images
Cha mẹ cần chú ý tới thực phẩm giàu protein giúp bé phát triển toàn diện. Ảnh: istock

Sữa mẹ và sữa công thức cung cấp đủ protein cho bé trong giai đoạn đầu, nhưng khi bé bắt đầu ăn dặm, thì cần được bổ sung thêm các thực phẩm giàu protein vào khẩu phần ăn để hỗ trợ sự phát triển toàn diện.

Protein là gì?

Protein là các phân tử phức tạp được tạo thành từ các đơn vị nhỏ hơn gọi là axit amin. Có 20 loại axit amin có thể kết hợp với nhau để tạo thành protein. Trong cơ thể, chúng giúp các cơ quan và mô hoạt động.

Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), bé có thể bắt đầu ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi. Các thực phẩm giàu sắt và kẽm như bột ăn dặm chế biến từ thịt nên được ưu tiên trong giai đoạn này.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng khuyến nghị, trẻ sơ sinh từ 6 đến 11 tháng tuổi nên được bổ sung khoảng 11 gram protein mỗi ngày, bao gồm cả từ sữa mẹ/sữa công thức và thức ăn dặm.

Dưới đây là một số món ăn nhẹ và thực phẩm giàu protein cha mẹ có thể kết hợp vào bữa ăn của bé:

Đậu và đậu lăng

Đậu và đậu lăng là nguồn cung cấp tuyệt vời protein thực vật, chất xơ và vitamin B, lại dễ dàng chế biến cho bé ăn. Đây là cách chế biến: 

  • Ưu tiên chọn loại đóng hộp có hàm lượng natri thấp hoặc không natri để đảm bảo sức khỏe cho bé;
  • Rửa sạch và để ráo nước ngâm đậu hoặc đậu lăng;
  • Dùng nĩa hoặc máy xay nghiền cho đến khi được thành phẩm mịn.
  • Nếu bé còn nhỏ, bố mẹ có thể pha loãng với một ít sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước.

Bố mẹ cũng có thể trộn đậu và đậu lăng với trái cây hoặc rau củ - chỉ cần đảm bảo bé đã từng ăn và không bị dị ứng với các nguyên liệu trộn thêm. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể cho bé tập ăn đậu đã nấu mềm bằng tay. Nghiền nhẹ rồi đặt vài miếng lên khay ghế ăn để bé tự cầm nắm ăn.

Thịt bò

Thịt bò giàu sắt, kẽm và protein là lựa chọn tuyệt vời cho bé bắt đầu ăn dặm. Thịt bò xay là một trong những cách đơn giản nhất để thêm vào khẩu phần ăn của bé. Dưới đây là hướng dẫn chế biến:

  • Nấu chín thịt bò xay trên bếp cho đến khi chuyển sang màu nâu hoàn toàn.
  • Cho thịt bò đã nấu chín vào máy xay thực phẩm cùng một ít nước, sữa mẹ hoặc sữa công thức. Xay nhuyễn cho đến khi mịn.
  • Phụ huynh có thể cho bé ăn trực tiếp hoặc trộn với các loại rau củ như khoai lang, súp lơ hoặc bông cải xanh để tạo thêm hương vị và màu sắc hấp dẫn.

Thịt gà

Ngoài việc cung cấp protein dồi dào, thịt gà còn chứa vitamin B, kẽm và sắt – những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của bé. Bố mẹ có thể chế biến thịt gà thành nhiều món ăn hấp dẫn, phù hợp với từng giai đoạn ăn dặm của bé. Dưới đây là một vài gợi ý:

  • Thịt gà viên băm nhuyễn: Với bé lớn hơn, bố mẹ có thể nấu chín thịt gà, băm nhuyễn và vo thành những viên nhỏ vừa ăn. Bữa ăn nhẹ dạng “finger food” này sẽ giúp bé tập cầm nắm và tự ăn.
  • Gà nướng/hầm xé nhỏ: Thịt gà được chế biến bằng phương pháp nướng hoặc hầm thường mềm, dễ dàng xé thành sợi nhỏ. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho bé đang tập ăn dặm thô.
  • Puree thịt gà với sốt táo/ lê: Luộc hoặc hấp chín thịt gà rồi xay nhuyễn cùng sốt táo hoặc lê (loại dành cho trẻ em) sẽ tạo thành món ăn ngọt nhẹ, kích thích vị giác của bé.

Đậu phụ

Đậu phụ không chỉ giàu protein thực vật mà còn chứa chất xơ và chất béo lành mạnh. Giá cả phải chăng và dễ chế biến, đậu phụ là lựa chọn tuyệt vời cho thực đơn ăn dặm của bé, bất kể gia đình bạn có ăn chay hay không.

Thử xay nhuyễn đậu phụ non với trái cây để tạo thành bữa ăn ngọt ngào, hoặc nướng các khối đậu phụ thành hình tam giác cho đến khi cứng để bé tập cầm nắm.

Cá là thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng cho trẻ sơ sinh. Chúng chứa protein và axit béo omega-3, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của bé.

Để chế biến cá cho bé ăn dặm, cha mẹ có thể áp dụng những cách đơn giản sau:

  • Hấp/luộc/nướng chín cá: Đây là những phương pháp chế biến lành mạnh, giúp giữ lại tối đa dưỡng chất trong cá.
  • Xay nhuyễn: Cá sau khi chín có thể được xay nhuyễn với nước dùng hoặc sữa mẹ/sữa công thức để bé dễ dàng nuốt. Mẹ có thể trộn hỗn hợp này với các loại rau củ quả nghiền khác để tạo thành bữa ăn dặm đầy đủ dưỡng chất.
  • Tách thịt thành từng miếng nhỏ: Đối với trẻ lớn hơn, mẹ có thể tách thịt cá đã nấu chín thành từng mảnh nhỏ, mềm để bé tập cầm nắm. 

Bơ đậu phộng

Bơ đậu phộng là thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất. Theo các bác sĩ nhi khoa, việc cho bé ăn các sản phẩm từ đậu phộng sớm và thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ dị ứng đậu phộng.

Cách chế biến bơ đậu phộng cho bé ăn dặm:

  • Quét bơ đậu phộng lên bánh mì nướng: Quết một lớp mỏng bơ đậu phộng lên những lát bánh mì nướng đã cắt thành từng miếng vừa ăn. Đây là cách đơn giản để bé tập cầm nắm và ăn.
  • Trộn bơ đậu phộng vào thực phẩm xay nhuyễn: Cho một lượng nhỏ bơ đậu phộng vào hỗn hợp rau củ hoặc trái cây đã xay nhuyễn để tạo thêm hương vị và dinh dưỡng cho bữa ăn của bé.

Lưu ý quan trọng:

  • Tuyệt đối không cho bé ăn trực tiếp các loại hạt nguyên vỏ hoặc bơ đậu phộng nguyên muỗng. Hạt và bơ đậu phộng nguyên chất đều tiềm ẩn nguy cơ gây nghẹn cho trẻ nhỏ.
  • Chỉ nên sử dụng bơ đậu phộng mịn, không đường dành riêng cho trẻ em.

Sữa chua

Ngoài việc cung cấp protein dồi dào, sữa chua còn là nguồn canxi và vitamin D tuyệt vời cho sự phát triển của bé. Mặc dù sữa bò không được khuyến khích cho trẻ dưới 1 tuổi, nhưng việc cho bé ăn các sản phẩm từ sữa như sữa chua thì hoàn toàn an toàn.

Các bậc phụ huynh nên ưu tiên chọn sữa chua Hy Lạp vì chúng chứa nhiều protein hơn và có kết cấu đặc sánh, giúp bé dễ dàng xúc bằng thìa. 

Các chuyên gia khuyên dùng sữa chua nguyên chất, không đường. Để tăng thêm hương vị cho bé, mẹ có thể trộn thêm một ít trái cây hoặc rau củ nghiền nhuyễn vào sữa chua.  

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận