15:25 04/04/2024

Bộ Giáo dục nêu 6 bất cập trong giáo dục mầm non tại Việt Nam

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Thực trạng phát triển giáo dục mầm non (GDMN) chưa tương xứng với vị trí, vai trò của bậc học đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người. Với tư tưởng dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, cần những giải pháp đột phá để GDMN có chất lượng cao nhất.

Vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục mầm non (GDMN) có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, phẩm chất con người, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người. Do vậy, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, cần có sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa và trách nhiệm đầu tư thích đáng của Nhà nước, của xã hội để chăm lo cho bậc học tạo nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ rõ, hiện nay vẫn còn những khó khăn bất cập trong triển khai thực hiện chương trình:

Thứ nhất, thực tiễn cho thấy chương trình giáo dục mầm non chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, yêu cầu về chương trình giáo dục mầm non tại Luật Giáo dục, chưa liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và chất lượng giáo dục trẻ chưa đồng đều, đặc biệt ở đối tượng trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em sống ở vùng khó khăn, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số có một số lĩnh vực chỉ số phát triển của trẻ còn khá thấp.

Thứ hai, mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ, năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế. Hiện có khoảng gần 300.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ, đặc biệt hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tại nhiều nơi, phần lớn trẻ em là con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở GDMN độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế, đội ngũ người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phần lớn chưa đảm bảo trình độ, năng lực chuyên môn nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.

Thứ ba, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, chỉ tính riêng bậc học mầm non trên toàn quốc còn khoảng 5000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; Tỷ lệ nhóm/lớp mầm non đáp ứng đủ thiết bị dạy học ở vùng khó khăn chỉ đạt 48%, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhà vệ sinh, phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, phòng đa chức năng, thư viện nhiều nơi không có, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi. 

Thứ tư, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu GVMN kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết (toàn quốc thiếu khoảng 50.000 GVMN). Trong bối cảnh này, các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là GVMN; có tình trạng GVMN bỏ việc và nghề GVMN càng ngày càng ít hấp dẫn. Có thể thấy nguồn lực đầu tư cho GDMN, kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN rất hạn chế.

Thứ năm, mục tiêu “công bằng” trong phát triển GDMN chưa bảo đảm, khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn (40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN). Chính sách đầu tư của Nhà nước cho GDMN công lập và ngoài công lập vẫn còn có điểm bất bình đẳng. GVMN làm việc trong điều kiện áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12 giờ mỗi ngày) song lại có thu nhập ở mức thấp nhất. 

Thứ sáu, hạn chế trong thực hiện mục tiêu giáo dục “hòa nhập”. Việc đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của trẻ em trong GDMN chưa được bảo đảm tại nhiều địa phương theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Trẻ em. Mục tiêu giáo dục hoà nhập ở GDMN chưa được hiện thực hóa trong mỗi lớp học, trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. 

giao duc mam non
Giáo dục mầm non (GDMN) có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân (Ảnh: Báo Đầu tư).

Các chính sách chưa được xây dựng dựa trên quyền trẻ em 

Nguyên nhân đầu tiên có thể đến từ việc xuất phát điểm của GDMN khá thấp so với các bậc học khác. Khi đất nước ở trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế trong một thời kì dài, GDMN không thuộc đối tượng được ưu tiên, được xem xét đầu tư đúng mức. Hơn nữa, các cơ chế, chính sách thay đổi chậm, chưa tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. 

Các chính sách hiện hành còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù của các vùng/miền; Cơ chế, chính sách về đầu tư công, đối tác công tư, xã hội hóa chưa tạo sự cạnh tranh công bằng giữa GDMN công lập và ngoài công lập nên chưa đủ sức thu hút nhà đầu tư. Cơ chế, chính sách khuyến khích tự chủ ở các cơ sở GDMN công lập chưa phù hợp với thực tiễn. 

Đặc biệt, chưa rõ cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với nhóm trẻ em yếu thế để bảo đảm quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục công bằng, bình đẳng của các nhóm trẻ em này theo cách tiếp cận dựa trên quyền trẻ em.

Nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, nhiều nhà đầu tư muốn sử dụng đất ở để xây dựng cơ sở GDMN ngoài công lập song vướng quy định phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc thực hiện các văn bản về công tác xã hội hóa giáo dục còn thiếu đồng bộ, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về trình tự, thủ tục khi có nhu cầu đầu tư. Quy định về dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục phải có mức tối thiểu 100 tỷ VNĐ chưa phù hợp đối với phát triển GDMN. 

Bên cạnh đó, chính sách đối với trẻ em vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và miền núi,... chưa bảo đảm công bằng để tiếp cận GDMN. Mức hỗ trợ cho trẻ em mẫu giáo ăn trưa còn thấp và chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ. Chính sách phát triển đội ngũ còn nhiều bất cập, gây nên tình trạng thiếu giáo viên kéo dài. Chính sách khuyến khích của Chính phủ chưa đủ mạnh để thu hút nguồn học sinh tốt nghiệp THPT thi vào ngành sư phạm mầm non; Chính sách tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GVMN trong các cơ sở GDMN công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em

Từ nay đến năm 2030, đề ra những định hướng cần đạt được như sau: Đổi mới chương trình GDMN theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, phát triển toàn diện cho trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Đồng thời tăng cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng giáo dục cho trẻ em mầm non thông qua thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo; nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhà trẻ và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện được những mục tiêu trên, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, cần thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và triển khai thực hiện Nghị quyết, tổng kết, đánh giá, đề xuất Quốc hội bổ sung quy định phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào Luật Giáo dục. 

Thứ hai, đổi mới Chương trình GDMN nhằm hiện thực hóa đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng và Luật Giáo dục 2019, góp phần xây dựng thành công hệ giá trị cốt lõi con người Việt Nam; bảo đảm tốt hơn quyền của trẻ em trong bối cảnh hội nhập; khắc phục một số hạn chế của Chương trình GDMN hiện hành , bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, đạt mục tiêu về đổi mới, phát triển GDMN.

Thứ ba, phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư.

Thứ tư, hỗ trợ cơ sở GDMN để giáo dục hòa nhập cho trẻ yếu thế. Rà soát, sửa đổi các chính sách, quy định hiện hành để các cơ sở GDMN đủ điều kiện nhận giáo dục hòa nhập cho trẻ yếu thế, đặc biệt là trẻ em khuyết tật và trẻ em dễ bị tổn thương thuộc 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em 2016. 

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển GDMN; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư và việc huy động, kết nối nguồn lực xã hội để phát triển GDMN; chính sách, cơ chế đối với đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên và đối với cơ sở GDMN; ưu tiên ngân sách chi cho phát triển GDMN.

Thứ sáu, đầu tư, bổ sung các điều kiện bảo đảm để thực hiện mục tiêu “chất lượng, công bằng, hòa nhập”. Các địa phương chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả nguồn vốn có thể có được từ ngân sách trung ương, từ các Chương trình mục tiêu quốc gia  và nguồn lực xã hội hóa khác; đẩy mạnh việc phát triển cơ sở GDMN dân lập, tư thục; dành quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN, đầu tư đủ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; bố trí đủ nhân viên y tế trường học và đủ định mức giáo viên/lớp đối với cấp học mầm non theo định mức và quy định...

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc phát triển GDMN và tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em giai đoạn đầu đời, đặc biệt “1000 ngày đầu đời” của trẻ thơ để tạo đồng thuận và nâng cao nhận thức, hiểu biết về GDMN của toàn xã hội, để các bậc cha mẹ chủ động tham gia, phối hợp thực hiện; tăng cường truyền thông về công tác xã hội hoá để huy động nguồn lực đầu tư phù hợp cho phát triển GDMN. 

Thứ tám, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc phát triển GDMN.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận