Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp nhanh khỏi
BSCKI. Nguyễn Quỳnh Hương (hiện đang công tác tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đã có những chia sẻ về cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp để giúp trẻ nhanh khỏi.
Bạn đọc Vân Trịnh (Hà Nội) hỏi: Thưa bác sĩ, trẻ bị viêm phế quản và nhiễm khuẩn hô hấp, vậy chăm sóc con như thế nào để con hỏi nhanh?
Trong chương trình “Giải đáp cùng chuyên gia” với chủ đề chăm sóc trẻ sơ sinh (được đăng tải trên Fanpage Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Quỳnh Hương trả lời: Viêm phế quản và nhiễm khuẩn hô hấp là những bệnh lý của đường hô hấp.
Có một số trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn và có thể cho trẻ điều trị tại nhà. Đối với những trường hợp nặng, trẻ cần được nhập viện và cha mẹ cần cho bé tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ.
Đầu tiên, cha mẹ nên giữ ấm cơ thể cho bé, đặc biệt là các vùng đầu, ngực, cổ. Một số vật dụng như khăn, mũ, bao chân có thể là dụng cụ hỗ trợ giữ ấm cho trẻ. Việc giữ ấm những bộ phận này góp phần điều trị các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp,...
Thứ hai, những thứ được tiếp xúc với em bé cũng cần được giữ ấm. Ví dụ như thức ăn và đồ uống của trẻ nên có nhiệt độ ấm. Hạn chế tối đa hoặc không nên cho trẻ ăn và uống đồ lạnh.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, một lưu ý quan trọng cha mẹ cần ghi nhớ chính là việc giữ ấm không khí cho trẻ. Việc giữ ấm nhiệt độ phòng vô cùng quan trọng đối với trẻ đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Bởi vì nhiệt độ khi trẻ hít vào mà ấm thì đường thở của trẻ cũng sẽ ấm theo và đường hô hấp không phải hoạt động quá nhiều. Nhiệt độ trong khoảng từ 28-30 độ C là nhiệt độ lý tưởng để nuôi trẻ trong phòng, đặc biệt là đối với trẻ non tháng.
Thứ ba, nên tắm nhanh và ủ ấm cho trẻ sau khi tắm. Sau khi tắm xong, nhất là đối với những trẻ non tháng, cha mẹ nên ôm bé vào người để lấy cơ thể mình sưởi ấm cho con. Đôi khi đắp chăn cho bé không có tác dụng bằng việc sưởi ấm cho trẻ bằng hơi ấm từ người chăm sóc. Tại khoa sơ sinh của Bệnh viện sẽ có giường sưởi, tuy nhiên nếu gia đình không có điều kiện thì cơ thể người mẹ chính là một chiếc “lồng ấp” lý tưởng.
Khi chăm sóc các bé mắc bệnh lý về đường hô hấp, cha mẹ cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ. Cần cho trẻ ăn đủ chất. Đối với các bạn lớn, cha mẹ cần cho con ăn đủ chất, tăng cường hoa quả giàu vitamin. Ngoài ra, khi trẻ khó chịu, trẻ thường biếng ăn, phụ huynh có thể chuyển cho trẻ ăn lỏng hơn để bé dễ ăn, dễ nuốt. Đồng thời bổ sung thêm nước cho con, vì khi trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp trẻ thường mất nước rất nhiều. Đối với những trẻ vẫn đang trong thời kỳ bú mẹ, có thể tăng cường cho trẻ bú mẹ, để trẻ hấp thụ được nhiều nước hơn trong chế độ ăn của trẻ.
Ngoài ra, có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Cha mẹ có thể ngâm ấm nước muối trước khi vệ sinh cho trẻ để giúp làm ấm, thông thoáng đường thở đồng thời khiến trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Thông tin thêm, bác sĩ Hương cho biết, đối với trẻ đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp, điều quan trọng là nhiệt độ phòng đang là bao nhiêu. Nếu sử dụng điều hòa, cha mẹ nên sử dụng nhiệt kế đo phòng để xác định nhiệt độ phòng hiện tại. Căn cứ vào nhiệt kế, từ đó cha mẹ sẽ điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa phù hợp cho trẻ. Cùng đó, việc sử dụng điều hòa sẽ giúp trẻ có bầu không khí ổn định hơn, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết giao mùa.
Thông thường, đối với những trẻ mắc bệnh lý về đường hô hấp, có thể trẻ sẽ bị sốt. Bác sĩ Hương khuyến cáo, đối với những trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, cha mẹ có thể hạ sốt bằng thuốc. Còn lại, phụ huynh chỉ cần hạ sốt cho con bằng cách chườm ấm. Một số thuốc ho đẩy đờm ra ngoài khuyến cáo khi e bị bệnh lý đường hô hấp do virus gây ra thì kháng sinh sẽ không có tác dụng, do vậy, các mẹ chỉ nên dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất