Cần mở rộng độ tuổi can thiệp giáo dục sức khỏe sinh sản
Theo ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), việc can thiệp giáo dục sức khỏe sinh sản cần mở rộng độ tuổi, bắt đầu từ trung bình 11 tuổi trở lên.
Hiện nay, tình trạng kết hôn sớm ở các tỉnh vùng sâu vùng xa còn phổ biến. Tại tỉnh Yên Bái, tỷ lệ có thai ở phụ nữ 15 - 19 tuổi tại huyện Mù Cang Chải là 15,5% và ở huyện Văn Chấn là 9,6% trong năm 2021.
Theo Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi - tháng thứ 3 của thai kỳ - chiếm tới gần 80%.
Tại Hội thảo chia sẻ kết quả Dự án "Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái" tổ chức ngày 12/3 tại Hà Nội, ông Trần Đăng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, giáo dục về sức khỏe sinh sản, tình dục cho vị thành niên là một nội dung rất quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Xã hội càng phát triển, công nghệ càng phát triển, các thông tin cập nhật rất nhanh, chúng ta cần phải có sự giáo dục, truyền thông đối với các em ở độ tuổi này.
Với đối tượng vị thành niên, thanh niên, việc mang thai sớm, lây truyền bệnh tình dục… là những hệ lụy mà tương lai các em sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là các trẻ em gái, khi lớn lên có thể dẫn tới khó có con và vô sinh…
Những hệ lụy của việc mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đẩy các em vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, thiếu cơ hội phát triển. Vì vậy, giáo dục sức khỏe sinh sản cần được đẩy mạnh hơn nữa để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ.
Theo ông Trần Đăng Khoa, về lứa tuổi có thể can thiệp, hiện nay, trẻ em trai và trẻ em gái có xu hướng dậy thì sớm, thậm chí các em có thể dậy thì từ khi 10-11 tuổi. Do vậy việc can thiệp giáo dục sức khỏe sinh sản cần mở rộng độ tuổi, bắt đầu từ trung bình là từ 11 tuổi trở lên, với mục tiêu "đừng để trẻ em sinh ra trẻ em".
Dự án "Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên" do Tổ chức Cứu trợ trẻ em phối hợp với ngành y tế tỉnh Yên Bái thực hiện tại 2 huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn.
Dự án kéo dài 20 tháng, từ tháng 7/2023 đến tháng 3/2025. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai dự án, các chỉ số quan trọng về kiến thức và hành vi liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục tại đây đã có những thay đổi tích cực rõ rệt so với trước kia.
Cụ thể, tỷ lệ thanh thiếu niên có kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên tăng từ 32% lên 83%; tỷ lệ thanh thiếu niên hiểu biết về bình đẳng giới tăng từ 70% lên 91%; tỷ lệ thanh thiếu niên chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 63% lên 80%; tỷ lệ thanh thiếu niên có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục tăng mạnh từ 24% lên 88%.
Bên cạnh đó, dự án cũng nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái về sức khỏe sinh sản. Nhiều bậc phụ huynh trước đây còn e ngại khi nói chuyện với con về tình dục, nhưng nhờ các chương trình tư vấn và hướng dẫn, họ đã dần cởi mở hơn trong việc trao đổi, giúp trẻ có kiến thức đầy đủ để tự bảo vệ mình.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, cho biết, sự phối hợp giữa các đơn vị tại địa phương đã giúp dự án đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Những kết quả này là cho thấy việc đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe tương lai của thế hệ trẻ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất