Cần nâng cao kỹ năng lái xe an toàn cho trẻ
Hiện nay, nhiều phụ huynh đã trang bị phương tiện xe gắn máy phân khối nhỏ hay xe máy điện, xe đạp điện cho các em ở độ tuổi trẻ em hay thanh thiếu niên để làm phương tiện di chuyển hay đi học. Tuy nhiên, đây là độ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, do vậy rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Trong tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), tiếp nhận 2 trường hợp tai nạn giao thông nặng là trẻ em tự điều khiển phương tiện.
Trường hợp thứ nhất là em học sinh sinh năm 2011, em phải sử dụng xe đạp điện đi học do bố mẹ đi làm ăn xa. Em bị tai nạn khi đang chở em họ cùng đến trường. Sau sự cố, em được đưa đến bệnh viện địa phương trong tình trạng đa chấn thương (tụ khí nội sọ, dập phổi, gãy xương).
Trường hợp khác là em L.C.T. (sinh năm 2009) nhập viện trong tình trạng đa chấn thương tương tự. Người nhà cho hay, do hoàn cảnh khó khăn, em đã xin đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ. Em di chuyển bằng xe máy và gặp tai nạn khi còn cách chỗ làm không xa.
Trước đó, một bé trai 15 tuổi (Vĩnh Phúc) được người nhà đưa đi cấp cứu tại khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hết sức nguy kịch do tai nạn giao thông. Trước đó, bé trai điều khiển xe máy, chở bạn ngồi phía sau tham gia giao thông. Vì cả hai không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ, khi gặp xe máy đi ngược chiều không kịp xử lý nên đã xảy ra tai nạn. Ngay sau tai nạn trẻ bất tỉnh còn bạn ngồi phía sau may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Theo các bác sĩ, tai nạn giao thông gây ra cho nạn nhân và gia đình những hậu quả vô cùng đáng tiếc, có thể mất đi mạng sống hoặc để lại di chứng nặng nề đến sức khoẻ, phải nằm viện điều trị trong thời gian dài hoặc trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn…
TS.BS Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi năm, Khoa tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên, học sinh nhập viện do tại nạn giao thông với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, đa phần những trẻ nhập viện thường bị thương nặng, nguy kịch, đa chấn thương, phải điều trị lâu dài.
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, thế nhưng hiện nay, tình trạng học sinh, trẻ vị thành niên điều khiển loại phương tiện này khi đến trường, tham gia giao thông đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Ở lứa tuổi này, việc điều khiển xe máy hoàn toàn không phù hợp và không an toàn vì các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất nên chưa phù hợp với việc điều khiển phương tiện là xe gắn máy.
Bên cạnh đó, vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp Giấy phép lái xe nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh và trẻ vị thành niên hầu như không có; cộng với tâm lý muốn thể hiện nên thường vi phạm luật giao thông.
Tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình và nhận thức chưa cao của các em.
Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần phải hết sức quan tâm đến con trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên, nhất là đến tâm lý cũng như cảm xúc của trẻ, kiểm soát việc đi xe máy cũng như giáo dục cho trẻ hiểu được mức độ nguy hiểm của tai nạn giao thông tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đối với trẻ.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2021, cả nước xảy ra hơn 11.000 vụ TNGT, trong đó có 10,3% số vụ liên quan đến người dưới 18 tuổi.
BSCKII. Vũ Hiệp Phát - Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng nhấn mạnh: Phụ huynh nên dành thời gian đưa đón con. Hạn chế để trẻ tự lái xe dù là xe phân khối thấp, xe đạp điện, đặc biệt ở lứa tuổi học đường. Trong khi mạng lưới giao thông như hiện nay khá phức tạp bởi có sự pha trộn cùng lúc nhiều loại phương tiện. Nghiêm trọng hơn, ở độ tuổi này trẻ thường thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, hoặc thậm chí dễ mất tập trung khi đang cùng đi với bạn, hoặc sau các buổi liên hoan, tiệc tùng...
Để ngăn ngừa tai nạn giao thông đối với trẻ em, ngoài nhà trường, các cơ quan chức năng, thì gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, cha mẹ, người thân trong gia đình thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các quy định của pháp luật, về kỹ năng lái xe an toàn cho trẻ là hết sức quan trọng để các em nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để tránh rủi ro tai nạn giao thông.
Cách sơ cứu khi trẻ gặp tai nạn giao thông
Với người bị thương nhẹ: Có biểu hiện tỉnh táo, không chảy máu, không có vết thương hở và tự đứng dậy được thì cần phải nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.
Nếu bệnh nhân bị chảy máu: Phải cầm máu tại chỗ bằng cách dùng tay hay khăn hoặc một cục bông ấn
Nạn nhân tổn thương mạnh ở xương: Như gãy xương, tay, chân, cổ, lưng… thì phải cố định chỗ gãy. Gãy chi trên thì nên lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện. Trong quá trình di chuyển tránh gây chuyển động mạnh.
Người bị thương nặng: Trong tình trạng hôn mê thì nên tiến hành sơ cứu theo lần lượt 3 bước: khai thông đường thở, phải làm bệnh nhân thở được bằng nhiều biện pháp như hà hơi, hồi sức, hô hấp nhân tạo,… kiểm tra nhịp tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất