14:50 23/11/2022

Cánh gà chiên trong suất ăn trường Ischool nhiễm khuẩn Salmonella từ đâu?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Các bác sĩ cho rằng vi khuẩn bị tiêu diệt ở hơn 100 độ C, nên món cánh gà chiên chỉ có thể nhiễm khuẩn từ môi trường nhà bếp, hoặc quá trình bảo quản sau chế biến.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang trên 8 mẫu thức ăn tại trường Ischool Nha Trang, nơi xảy ra vụ ngộ độc khiến hơn 600 học sinh nhập viện, cho thấy vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và E. Coli có trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus còn có trong mẫu nước mắm. Trước đó, kết quả cấy phân của bệnh nhân cho thấy vi khuẩn Salmonella.

Theo bác sĩ Doãn Uyên Vy (chuyên gia chống độc, phụ trách Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy), thực phẩm lúc chiên ở hơn 100 độ C thì vi khuẩn khó sống sót (Salmonella bị tiêu hủy ở nhiệt độ 80 độ C) nên khả năng nhiễm khuẩn có thể xảy ra từ môi trường nhà bếp - nơi để cánh gà sau khi chiên xong. Bởi vi khuẩn ngoài tồn tại trong thực phẩm tươi sống còn lây lan qua các dụng cụ như dao, mâm đựng gà, bề mặt làm bếp, bàn tay người chế biến... "Cánh gà chiên sau khi để nguội mà vẫn cấy ra vi khuẩn, chứng tỏ bị nhiễm sau khi chiên rán", bác sĩ Vy nói, thêm rằng đây cũng có thể là nguyên nhân nước mắm bị nhiễm khuẩn Bacillus.

Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết khuẩn E.Coli, Salmonella trong mẫu cánh gà chiên có thể do đã nhiễm trong quá trình đóng gói, bảo quản, trình bày thức ăn sau khi chế biến, do ô nhiễm nguồn nước hoặc bàn tay người thao tác bị nhiễm khuẩn chạm vào món ăn. "Nếu nhiễm từ khâu nguyên liệu cánh gà chưa chế biến, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt trong quá trình chiên rán nhiệt độ cao và sẽ không tìm thấy trong thành phẩm", bác sĩ Cấp nói.

buaan-4647-1669016236-5741-1669180300
Suất ăn trưa 17/11 của học sinh trường Ischool, sau đó hơn 600 em bị ngộ độc. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục truy tìm nguồn lây nhiễm vi khuẩn trên cho các món ăn tại trường Ischool, chưa có kết luận.

Ở góc độ chuyên gia, bác sĩ Vy đưa ra giả thuyết vi khuẩn Salmonella có thể lây lan qua cánh gà chiên từ món sốt trứng, bởi món này là lòng đỏ trứng còn sống, không được nấu chín ở nhiệt độ cao. Vỏ trứng gà thường dễ dính Salmonella từ phân gà, dễ lây lan qua bàn tay người nấu bếp cầm trứng đập vỏ. "Một vài mẫu xét nghiệm sốt trứng âm tính Salmonella không có nghĩa là hơn 800 phần ăn đều âm tính, không có khuẩn này", bà nói, cho biết thêm khuẩn Salmonella dễ sinh sôi nảy nở ở môi trường nhiệt độ từ 5 đến 60 độ C.

Bà đề nghị thực hiện ITAS - kỹ thuật khám sàng lọc riêng của bệnh nhân nhiễm độc để truy tìm độc chất và nguồn độc, từ đó giúp cắt bỏ nguồn độc cho bệnh nhân. Các chuyên gia phải phân tích kết quả xét nghiệm, xem xét toàn bộ tình huống, bối cảnh xảy ra, triệu chứng của các bệnh nhân... để tìm ra chính xác nguồn độc tại sao xảy ra, từ đó mới giúp phòng tránh được ngộ độc lần kế tiếp.

"Sau khi xác định thủ phạm thì việc tìm ra nguồn độc từ đâu rất quan trọng, chẳng hạn môi trường nhà bếp dơ và tồn tại ổ vi khuẩn, cần phải xử lý để tránh nhiễm khuẩn sau này", bác sĩ Vy phân tích.

ngo-do-c-thu-c-pha-m-jpeg-1669-7997-1691-1669175965
Học sinh trường Ishcool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện 22/12. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bữa cơm trưa 17/11 tại trường Ischool Nha Trang gồm các món: cơm gà, sốt trứng; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm), cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo. Bữa xế lúc 13h30 là bánh ngọt Paparoti, uống nước tại hệ thống lọc nước của trường. Sau khi ăn 6-9 tiếng đồng hồ, hơn 600 học sinh phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong. TS. Cao Văn Trung, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong khối học đường.

Trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng này, Công an tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện và cơ sở y tế tổng hợp số liệu, cung cấp thông tin về vụ ngộ độc; bệnh nhân điều trị; để phục vụ công tác điều tra. Nhà chức trách cũng đề nghị các cơ sở y tế bảo quản tất cả mẫu máu của bệnh nhân, cung cấp hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu.

Theo VnExpress

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận