Cha mẹ là "vắc xin số" giúp con nhận biết rủi ro, phát triển lành mạnh trên không gian mạng
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) chia sẻ, cha mẹ là "vắc xin số" đầu tiên, giúp con nhận biết rủi ro và phát triển lành mạnh trên không mạng tại Tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số”.
Ngày 18/5, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD United Way Việt Nam) phối hợp cùng nền tảng TikTok tổ chức Tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số” với mục tiêu hướng tới hướng tới thúc đẩy một không gian số an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.
Sự kiện thu hút hơn 120 người tham dự, bao gồm thiếu niên từ 13 - 16 tuổi, phụ huynh, đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, chuyên gia giáo dục - tâm lý, và các nhà sáng tạo nội dung tích cực trên nền tảng số. Thông qua các phiên thảo luận đa chiều và sáng tạo, các bên cùng nhau chia sẻ trải nghiệm, đề xuất giải pháp và lan tỏa thông điệp về quyền được an toàn và khỏe mạnh trong môi trường số cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Các mục tiêu chính của Toạ đàm bao gồm: Lắng nghe tiếng nói thực tế từ thiếu niên và phụ huynh về trải nghiệm sử dụng TikTok, những băn khoăn, thách thức và đề xuất nhằm tăng cường sự an toàn và khỏe mạnh trong không gian số; Thúc đẩy đối thoại đa bên giữa nhà hoạch định chính sách, nền tảng công nghệ, tổ chức xã hội, cộng đồng và thanh thiếu niên; Tăng cường năng lực làm cha mẹ trong thời đại số, qua việc hiểu và đồng hành cùng con, không kiểm soát - mà hướng dẫn và kết nối.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD nhấn mạnh: “Trẻ em và thanh thiếu niên không chỉ là đối tượng cần được bảo vệ, mà còn là những người có tiếng nói, có góc nhìn và có năng lực góp phần xây dựng một không gian số lành mạnh, an toàn và văn minh. Thế giới số không chỉ là nơi tiêu thụ thông tin - mà là nơi định hình bản sắc, kết nối cộng đồng và lan toả ảnh hưởng. Và Gen Z - thế hệ lớn lên cùng công nghệ - xứng đáng được tin tưởng, trao quyền và đồng hành đúng cách".
Theo Viện trưởng MSD, với cách tiếp cận Công dân số chuẩn - SNET - mỗi bạn trẻ đều có thể trở thành người biết giữ an toàn cho bản thân và người khác (Safe), sử dụng công nghệ một cách thông minh (Netizen Smart), phát triển bản thân tích cực (Empowered) và hành động vì cộng đồng mạng tích cực hơn (Thoughtful & Together). Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, gia đình - nhà trường - nền tảng công nghệ - tổ chức xã hội và chính các bạn trẻ phải cùng cam kết và cùng hành động.

"Vắc xin số" từ gia đình và tiếng nói "người trong cuộc"
Vai trò của phụ huynh trong việc trang bị "vắc xin số" cho con ở giao đoạn vị thành niên đã được đặc biệt nhấn mạnh. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, cha mẹ là "vắc xin số" đầu tiên, giúp con nhận biết rủi ro và phát triển lành mạnh trên không mạng. Bà cũng lưu ý về quyền đi đôi với bổn phận của trẻ em và trách nhiệm của người sáng tạo nội dung, khẳng định trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải được đặt lên hàng đầu.

Dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra rằng "sức khỏe số" không chỉ là kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị mà còn là năng lực tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi trên mạng. Với thanh thiếu niên - thế hệ sinh ra cùng công nghệ - những áp lực từ mạng xã hội, cảm giác bị so sánh, bị bỏ rơi, hoặc mất kết nối thật có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần.
Ông lo ngại về việc nhiều bạn trẻ không nhận ra mình đang bị tổn thương bởi áp lực mạng xã hội, trong khi người lớn thì thường phát hiện quá muộn. Vì vậy, ông kêu gọi thay đổi cách tiếp cận: Không chỉ dạy con "dùng công nghệ đúng cách" mà còn cùng con hiểu thế giới số như một không gian sống thực tế, có cả cơ hội và rủi ro.

Chia sẻ về các chính sách đảm bảo an toàn và sức khoẻ số cho thiếu niên trên nền tảng TikTok, ông Đặng Kim Long - Quản lý chính sách công, TikTok Việt Nam cho biết: “TikTok đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của nhiều bạn trẻ - nơi các bạn thỏa sức sáng tạo, giao lưu với bạn bè và học hỏi thêm nhiều điều thú vị. Chính vì vậy, TikTok luôn chú trọng xây dựng các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dùng trẻ, với các chế độ mặc định phù hợp ngay từ khi tạo tài khoản, để mang lại trải nghiệm tích cực cho các bạn và sự yên tâm cho phụ huynh".

Tiếng nói “người trong cuộc"
Gần 50 thiếu niên đã trực tiếp tham gia thảo luận, chia sẻ những trải nghiệm đa chiều trên các nền tảng số, đặc biệt là TikTok. Bên cạnh những niềm vui sáng tạo và học tập, các em không ngần ngại chỉ ra những bất cập và đề xuất các giải pháp để nền tảng cải thiện tính an toàn và lành mạnh. "Được lắng nghe" là thông điệp mạnh mẽ nhất từ các em, khẳng định nhu cầu được tin tưởng, hướng dẫn và đồng hành thay vì bị kiểm soát.

Em B.G.H (14 tuổi) thay mặt bạn bè gửi gắm đến phụ huynh mong muốn được thấu hiểu về "ngôn ngữ tuổi teen" và các xu hướng trên mạng, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư của con cái. Em N.Đ.K (16 tuổi) kiến nghị các nền tảng tăng cường tính năng cảnh báo nội dung bạo lực, bổ sung nút báo cáo và nút trợ giúp khẩn cấp, cũng như quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên thông qua chatbot hỗ trợ tâm lý. Đặc biệt, em N.V, một học sinh khiếm thính, đã góp ý về việc nâng cấp tính năng phụ đề để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có thể tiếp cận nội dung số một cách tốt hơn.


Song song với đó, phụ huynh tham gia cũng có cơ hội trao đổi trong các nhóm thảo luận riêng biệt. Nhiều cha mẹ chia sẻ mối lo lắng khi con dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu hoặc nội dung xấu. Tuy nhiên, phần lớn cũng thừa nhận còn thiếu kiến thức và kỹ năng để đồng hành cùng con. Các phụ huynh cho biết họ chưa hiểu rõ các tính năng bảo vệ như “Family Pairing” của TikTok, và mong muốn được cung cấp thêm tài liệu, hội thảo hoặc công cụ hỗ trợ để xây dựng giao tiếp lành mạnh với con trong môi trường số.
"Thương hiệu cá nhân" và trách nhiệm số
Phiên đối thoại "Thanh thiếu niên có thương hiệu cá nhân là những người sáng tạo kỹ thuật số có trách nhiệm" đã mang đến những chia sẻ sâu sắc về cách sử dụng TikTok không chỉ cho giải trí mà còn cho giáo dục và lan tỏa giá trị tích cực. Các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ bản thân, kiểm chứng thông tin và nói không với trào lưu độc hại khi xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng.
Em N.Đ.K chia sẻ mong muốn xây dựng kênh TikTok mang lại giá trị, đồng thời bày tỏ hy vọng phụ huynh không còn định kiến về các hoạt động trực tuyến của giới trẻ, bởi đó cũng là cách để thể hiện cảm xúc, lưu giữ kỷ niệm và thậm chí xây dựng tương lai.

Chị Ngọc Ánh, chủ kênh TikTok "Anh sắc Ánh" chia sẻ: "Ban đầu mình khá áp lực khi hiện tại có quá nhiều content creator. Nhưng sau đó mình nhận ra không nhất thiết phải trở nên nổi tiếng và thành công, mà việc làm content trên TikTok có thể đơn giản là chia sẻ kiến thức đến cho mọi người, và ghi lại hành trình trưởng thành của bản thân đầy đáng nhớ và truyền cảm hứng", chị Ngọc Ánh bộc bạch.

Chị Vũ Quỳnh Trang ("Hoa hậu Vỉa hè") cho biết: “Bản thân mình là một content creator và là một giảng viên đại học, mình cũng từng gặp rào cản khi chia sẻ với mẹ. Nhưng trong hành trình học tập và phát triển, mình cũng đã nhận được những lời khuyên quý giá từ mẹ, từ đó mình cảm thấy cha mẹ cũng sẽ có sự thấu hiểu, am hiểu nhất định.
Do đó, mình muốn nhắn nhủ với các phụ huynh rằng, thay vì áp đặt, cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu các xu hướng trên TikTok, những ngôn ngữ tuổi teen, những trend thịnh hành để cùng đồng hành với con lớn lên mỗi ngày. Đối với các bạn thanh thiếu quan tâm đến việc làm sáng tạo, nếu mình xây dựng một hình ảnh tử tế, đúng đắn, chắc chắn mình sẽ tỏa sáng và có được sự tin tưởng từ cha mẹ".

Cũng là một phụ huynh đang nỗ lực đồng hành cùng con, chị Lê Thị Phương Hoa - Đại diện Phụ huynh chia sẻ: “Theo tôi, có ba điều mà phụ huynh nên trang bị cho các con để các con tự định hướng chứ ko phải kiểm soát con. Thứ nhất là bản lĩnh số, bản lĩnh để đối mặt với những điều tiêu cực. Thứ hai là nhận thức số, tức là nhận thức được những lời nói, hành vi thế nào là đúng thế nào là sai. Thứ ba là trau dồi giá trị của bản thân để các con không bị xoá nhoà, không bị lệch lạc, sa đoạ trên môi trường số”.

Từ các ý kiến của các bạn chia sẻ, ông Trần Thành Nam và bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện MSD, điều phối chia sẻ “Thương hiệu cá nhân là thứ giúp bạn trở nên nổi tiếng nhưng giá trị và đạo đức mới là điều tạo nên sự bền vững”. Chính vì thế, nếu xác định được tài năng mà mình sẽ đào sâu, những giá trị mà bản thân sẽ mang lại cho cộng đồng dù là người tạo nội dung hay là người tiếp thu nội dung, các bạn thiếu niên sẽ có thể trở thành các công dân số chuẩn và đi đường dài trên môi trường mạng. Phụ huynh cũng cần từng bước đồng hành với thiếu niên trong giai đoạn này, càng sớm càng tốt và kiên nhẫn, cam kết để thực sự có thể kết nối và giao tiếp cùng con.
Đại diện TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh một lần nữa khẳng định cam kết nâng cao an toàn nội dung và tăng cường các tính năng bảo vệ trẻ em, như các cập nhật liên tục của tính năng Gia đình Thông minh và chính sách kiểm duyệt mới.
“Trong suốt 5 năm qua, TikTok cũng đã làm việc với nhiều đối tác, trong đó có cả Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, để gia tăng bảo vệ quyền trẻ em, trẻ vị thành niên, tận dụng được thế mạnh của nền tảng nhưng vẫn đảm bảo an toàn", ông nói.

Một số hình ảnh thảo luận của thiếu niên, phụ huynh tại toạ đàm




Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất