Trẻ em dùng đồ công nghệ 6 tiếng một ngày, cha mẹ nên làm gì?
Các chuyên gia cho rằng, thời gian xem màn hình quá nhiều đang gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ em. Một trong số đó là bệnh béo phì. Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể làm để hạn chế con trẻ sử dụng các thiết bị di động khi không cần thiết.
Những con số không biết nói dối
Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc dành quá nhiều thời gian xem tivi và khuyến khích các bậc cha mẹ nên tắt tivi và cho trẻ ra ngoài vận động nhiều hơn. Nhưng trong những năm gần đây, chỉ tắt tivi trong phòng khách thôi là không đủ.
Các số liệu thống kê trong báo cáo của AHA cho thấy, trong khi thời gian ngồi trước tivi dường như đã giảm, thì toàn bộ thời gian sử dụng thiết bị điện tử khác như điện thoại, ipad, máy tính,... đã tăng lên và có khả năng tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Một báo cáo từ Common Sense Media (San Francisco) đã kết luận rằng, trẻ em từ 13 đến 18 tuổi đang dành trung bình 6 tiếng 40 phút cho cái mà họ gọi là “phương tiện giải trí trên màn hình”.
Điều đó bao gồm xem các bộ phim và video trên tivi, lướt mạng internet, dành thời gian cho mạng xã hội để tán gẫu với bạn bè, chơi trò chơi điện tử.
Trẻ vị thành niên dành thời gian học trung bình hơn 4 tiếng một ngày. Và những con số này không bao gồm thời gian dành cho màn hình để làm bài tập ở trường.
Tóm lại, AHA cho biết, trẻ em trong độ tuổi đi học ít vận động đủ tám tiếng một ngày và hầu hết dành thời gian tham gia vào các thiết bị khác quá mức cần thiết.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những đứa trẻ dành hơn 35 giờ mỗi tuần cho màn hình sẽ đối mặt với các nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn so với những trẻ dành thời ít hơn vào máy tính, khoảng 16 giờ mỗi tuần.
Bắt đầu thói quen tập thể dục
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, thời gian sử dụng thiết bị điện tử không nên thay thế hoạt động thể chất, khám phá thiên nhiên hoặc tương tác xã hội.
David Hill, Giáo sư nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học Bắc Carolina và là Giám đốc Hội đồng Truyền thông của AAP, cho biết, mối liên hệ giữa thời gian sử dụng thiết bị và bệnh tim có vẻ liên quan đến việc ăn vặt trong khi xem phim và tiếp xúc với quảng cáo về thực phẩm không lành mạnh khiến việc xem tivi mang lại ảnh hưởng xấu.
Theo AHA, việc tăng thời gian sử dụng thiết bị mang đến rất nhiều rủi ro, bao gồm giảm chất lượng giấc ngủ, thiếu các kỹ năng giao tiếp xã hội cũng như tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe vì phải ngồi trong thời gian dài, chẳng hạn như béo phì.
Thời gian sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều đang khiến trẻ lười vận động hơn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ, AHA cảnh báo trong các khuyến nghị mới được ban hành trước đó.
Báo cáo của AHA cũng kết luận rằng, nguy cơ béo phì do thời gian sử dụng thiết bị điện tử thường vẫn tồn tại, dù có tăng cường hoạt động thể chất hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống.
Làm thế nào để giảm thời gian sử dụng màn hình của trẻ em
Cách tốt nhất để tránh những tác động đó là cha mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của con trẻ và thiết lập lượng thời gian sử dụng thiết bị phù hợp.
Ngoài ra, cha mẹ không nên sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị khác khi ở cùng con cái, điều đó có thể làm những đứa trẻ hiểu nhầm rằng, chúng có thể sử dụng điện thoại thay vì tương tác với bố mẹ của mình.
Chuyên gia cũng khuyến nghị không sử dụng các thiết bị điện tử trong giờ ăn hoặc trong phòng ngủ, không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi sử dụng các thiết bị đó nhằm mục đích dỗ dành trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên có những tác động lớn hơn như tạo ra các lựa chọn thay thế cho màn hình hấp dẫn hơn, có lẽ thông qua việc làm cho các công viên trở nên vui vẻ và thú vị hơn cho trẻ em, bao gồm cả việc sử dụng ý kiến đóng góp của trẻ em vào các thiết kế nơi vui chơi.
Cha mẹ nên làm gì để giảm thời gian sử dụng màn hình của trẻ em?
- Không cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử.
- Giới hạn thời gian sử dụng màn hình hàng ngày cho trẻ lớn hơn.
- Đừng sử dụng quá nhiều thiết bị di động trước mặt trẻ em.
- Làm cho các khu vui chơi, công viên,... trở nên hấp dẫn hơn việc sử dụng thiết bị trong nhà.
Theo Healthline
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất