Chìa khóa xây dựng trường học hạnh phúc
Nhiều trường học đã chủ động chuyển mình, xây dựng môi trường “trường học hạnh phúc” để giảm áp lực cho học sinh và rất cần sự thấu hiểu, đồng hành từ các bậc phụ huynh.
Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), mô hình Trường học hạnh phúc được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai thí điểm từ tháng 4/2018 ở một số trường học và hiện đang nhân rộng trên toàn quốc.
Liên quan tới các hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc, năm 2024, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị, trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cuộc thi "Viết và bình chọn trường học hạnh phúc", tạo dấu ấn lớn ngành giáo dục và cộng đồng xã hội, thu hút sự tham dự của hơn 1000 trường học ở bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học phổ thông. Đối với hạng mục thi viết về trường học hạnh phúc, cuộc thi đã thu hút 80 nghìn bài dự thi của học sinh trên cả nước, gửi gắm những cảm xúc và thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc bằng nhiều mô hình, nhiều giải pháp sáng tạo. Đó là các phong trào xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên; tạo nhiều sân chơi đổi mới, sáng tạo cho học sinh.

Từ khái niệm trường học hạnh phúc của UNESCO, Việt Nam đã có nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng trường học hạnh phúc. Ở các trường tập trung xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc thì đều giảm rõ rệt tình trạng bạo lực học đường, áp lực học thêm,...
Để xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, các giáo viên, học sinh mà còn phụ thuộc vào mối quan hệ chặt chẽ giữa trường học và gia đình. Sự hợp tác giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh sẽ tạo nên liên kết bền chặt cùng hỗ trợ phát triển môi trường hạnh phúc.
Nuôi dưỡng đam mê – Chìa khóa để học sinh phát triển toàn diện
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Yamamoto Noriyuki - Hiệu trưởng Trường Quốc tế Nhật Bản cho rằng, điều quan trọng nhất đối với một ngôi trường là đảm bảo cho học sinh được hạnh phúc cả ở "hiện tại" và "tương lai". Nếu một ngôi trường lấy đi niềm vui, đam mê của học sinh ở hiện tại để bảo đảm cho tương lai thì không thể gọi là một "ngôi trường hạnh phúc".
“Những nỗ lực để "tương lai" rộng mở hơn là điều đương nhiên. Tuy nhiên, nếu một ngôi trường chỉ chú trọng vào việc nâng cao điểm số trong các kỳ thi đại học, buộc học sinh phải từ bỏ những điều các em yêu thích để dành toàn bộ thời gian cho việc học, thì liệu có phải đang đánh mất hạnh phúc hiện tại của các em hay không?”, ông Yamamoto Noriyuki nói.
Trong các hoạt động giáo dục tại Trường Quốc tế Nhật Bản, một hoạt động tiêu biểu phải kể đến đó là tiết "Câu lạc bộ". Tại trường, các em nhỏ từ lớp 4 đến lớp 9 sẽ có 3 tiết mỗi tuần để tham gia các câu lạc bộ theo sở thích. Các em có thể lựa chọn giữa nhiều nội dung khác nhau như: Hội họa, may vá, bóng đá, bóng rổ, bơi lội, tiếng Nhật, tiếng Anh…
Việc ấp ủ ước mơ và quá trình theo đuổi đam mê sẽ giúp các em hình thành những kỹ năng như sự tập trung, tính kiên trì, khả năng lập kế hoạch và tinh thần hợp tác - đây đều là những phẩm chất quan trọng sẽ tiếp tục phát huy giá trị trong tương lai sau này của mỗi em.
Ngoài ra, trường đang duy trì và phát triển phương pháp giảng dạy lồng ghép các hoạt động đối thoại vào bài giảng, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn có cơ hội hiểu sâu hơn về quan điểm của người khác, từ đó phát triển tư duy phản biện và khả năng giao tiếp.

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Vũ Thị Liên Hoa - Hiệu trưởng Trường Song ngữ Liên cấp Greenfield, một trường học hạnh phúc là trường học mà giáo viên, cán bộ nhân viên và học sinh đều cảm thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng và có cơ hội phát triển toàn diện.
Tại Greenfield School, học sinh không chỉ học văn hóa, tri thức mà còn được học năng khiếu, phát triển kỹ năng mềm để sẵn sàng cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Ngoài chương trình chính khóa, các em nhỏ còn được tham gia đa dạng các chương trình ngoại khóa. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức các sự kiện lễ hội, các cuộc thi hữu ích để học sinh có dịp thể hiện mình như Lễ Trung thu, Tết Nhân ái, cuộc thi kể chuyện tiếng Anh, cuộc thi hùng biện, đại hội thể thao với hơn 10 bộ môn thi đấu,...
Đặc biệt, vô số các câu lạc bộ sau giờ học từ học thuật đến thể thao để học sinh chọn lựa tham gia tùy vào năng khiếu, sở thích. Trong năm học, trường luôn tổ chức hoạt động dã ngoại 2 lần/năm học cho từng khối lớp để giúp các em có những trải nghiệm thực tế bên ngoài, đồng thời rèn luyện thể chất và các kỹ năng xã hội.

Bám sát triết lý lấy người học là trung tâm, Greenfield School chú trọng với phương pháp dạy học thông qua trải nghiệm giải quyết các vấn đề mở. Học sinh được giáo viên hướng dẫn và khuyến khích tìm tòi, nghiên cứu vấn đề và vận dụng kiến thức đã học trong quá trình thực hiện dự án, tạo ra sản phẩm hoặc các bài thuyết trình vào cuối kỳ/ cuối năm học. Như vậy, các em học được cả nội dung kiến thức lẫn phương pháp tư duy, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm, thống nhất ý tưởng và trình bày quan điểm của bản thân một cách hiệu quả.
Đặc biệt, thay vì kiểm tra bằng bài viết trên giấy truyền thống, Greenfield School áp dụng các hình thức đánh giá đa dạng hơn như báo cáo, thuyết trình, gameshow, dự án..., giúp học sinh bộc lộ đầy đủ, toàn diện năng lực cá nhân như: giao tiếp, giải quyết vấn đề, phản biện, kỹ năng lãnh đạo, cộng tác… Ví dụ, với môn Ngữ văn, học sinh sẽ chuyển thể các tác phẩm văn học bằng nghệ thuật sân khấu; với môn Địa lý, học sinh thực hiện các mô hình văn hóa, thuyết trình nét phong tục của của các quốc gia trên thế giới;...
Tránh đặt thành tính là mục tiêu duy nhất
Trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, Bà Vũ Thị Liên Hoa nhận định, áp lực thành tích từ phụ huynh là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc. Quan niệm "điểm số là tất cả" không chỉ gây áp lực cho học sinh mà còn khiến giáo viên căng thẳng, giảm hứng thú làm việc.
Để thay đổi điều này, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, định hướng, giúp phụ huynh và học sinh có cái nhìn mới về giáo dục. Theo đó, học sinh giỏi không chỉ là người đạt điểm cao trong các bài thi chuẩn hóa, GPA, đỗ vào trường chuyên, lớp chọn hoặc giành học bổng cao mà còn phải có kỹ năng tự học, tư duy phản biện và sáng tạo.

Để xây dựng một "ngôi trường hạnh phúc" thực sự, theo ông Yamamoto Noriyuki, điều cốt yếu là toàn bộ nhân viên trong trường phải đồng lòng về những phẩm chất và năng lực cần thiết cho học sinh trong thời đại mới. Để đạt được điều này, chúng ta cần mạnh dạn xem xét lại các phương pháp cũ và sẵn sàng thay đổi. Ngay cả nền giáo dục Nhật Bản, mô hình mà trường đang áp dụng, cũng không ngừng cải tiến để thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ, đang ngày càng coi trọng kỹ năng và kinh nghiệm thực tế hơn là bằng cấp. Việc học đại học vẫn quan trọng để trau dồi kiến thức và kỹ năng, nhưng cần tránh biến việc vào đại học thành mục tiêu duy nhất. Thay vào đó, chúng ta nên xây dựng một xã hội nơi mọi người được đánh giá cao dựa trên năng lực thực sự và niềm đam mê của họ.
“Chúng ta cần sẵn sàng "phủ định" chính mình, đổi mới và sáng tạo để tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, nơi mọi người được đánh giá cao dựa trên những gì họ có thể làm được. Điều này sẽ góp phần lan tỏa mô hình "ngôi trường hạnh phúc" một cách bền vững”, ông Yamamoto Noriyuki nhấn mạnh.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất