06:39 18/08/2024

Chiêu trò từ những kỳ thi Toán quốc tế hào nhoáng cho trẻ nhỏ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

TS. Lê Đông Phương: "Nhiều trường còn mời giáo viên từ các công ty về để ôn luyện cho học sinh, biến việc học tập trở thành một cuộc đua tranh vô nghĩa".

Chạy đua thành tích

Chỉ cần vài giây vào google, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều cuộc thi toán trực tuyến dành cho học sinh như: Kỳ thi Olympic Toán học châu Á – Thái Bình Dương (APMOPS), Kỳ thi Olympic quốc tế Khoa học, Toán và tiếng Anh (ASMO), Kỳ thi Toán học AMO, Kỳ thi Toán học SASMO, Tìm kiếm tài năng Toán học quốc tế (ITMC); Kỳ thi Toán học quốc tế PhIMO, Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo (IKMC), Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học quốc tế (IMAS), Kỳ thi Olympic Toán tiếng Anh (SEAMO), Cuộc thi Toán quốc tế IMC, Olympic Toán học Úc (Australian Mathematics Competition - AMC); Toán học Hoa Kỳ (American Mathematics Competitions - AMC),... 

Kết quả tìm kiếm này cũng nói lên phần nào sức nóng của các cuộc thi có mác “quốc tế” đã và đang ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh Việt Nam. Không ít người cho con tham gia các kỳ thi được gắn mác “quốc tế” để khoe thành tích, sống ảo và tự huyễn hoặc con là xuất sắc, là thiên tài. 

nh 1
Rất nhiều kỳ thi gắn mác quốc tế gây ra sự lầm tưởng cho cả phụ huynh và trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa: Dantri).

Việc khoe thành tích trên mạng xã hội đôi khi tạo ra một cuộc chạy đua vô hình, khiến các bậc phụ huynh cảm thấy áp lực phải cho con mình đạt được những thành tích cao, bất chấp việc điều đó có phù hợp với khả năng và sở thích của trẻ hay không. Điều đáng lo ngại hơn là, việc quá chú trọng vào các kỳ thi gắn mác "quốc tế" có thể khiến trẻ em đánh mất đi niềm vui trong học tập và khám phá.

Chị Nguyễn Hải Anh có con năm nay học lớp 4 tại một trường tư thục cho biết, con gái đã trải qua trên dưới 10 kỳ thi từ năm lớp 1 đến nay. Vì con gái rất yêu thích môn Toán nên gia đình luôn tạo điều kiện cho tham gia các cuộc thi để rèn luyện kỹ năng và trải nghiệm. Dù lịch học và thi dày đặc, con chị vẫn rất hào hứng và chủ động hợp tác.

"Vào các ngày cuối tuần, nếu vướng lịch thi là mẹ con lại đồng hành cùng nhau đi thi thậm chí có đợt liên tục 3 tháng con không được nghỉ cuối tuần. Dù con có ít thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, nhưng tôi hài lòng vì con được rèn luyện bản lĩnh từ sớm, sau này thi chuyển cấp con sẽ tự tin", chị Hải Anh chia sẻ.

Trao đổi với PV, anh Ngô Trung Hiếu, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội vô cùng tự hào và không ngần ngại đăng tải các bức hình vinh danh của con tại các kỳ thi Toán quốc tế với đủ loại huy chương, giải thưởng trên trang cá nhân, phía dưới các phụ huynh khác không tiếc lời khen ngợi, hưởng ứng.

Anh Hiếu chia sẻ, những tấm huy chương, dù lớn hay nhỏ, đều được xem như một minh chứng cho sự thành công của con và là niềm tự hào của gia đình: “Tôi đăng ký cho con tham gia các cuộc thi quốc tế để con tự tin hơn, được rèn luyện qua các cuộc thi có tính cạnh tranh từ nhỏ sẽ giúp con có lợi thế trong tương lai”.

Theo nhiều giáo viên dạy Toán, các cuộc thi về Toán dành cho trẻ em sẽ là một công cụ hữu hiệu để phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ. Thực tế có nhiều nhà khoa học thành danh sở hữu bảng vàng thành tích từ các cuộc thi quốc tế, cũng có nhiều sinh viên giỏi, học sinh giỏi được rèn giũa, trưởng thành từ các kỳ thi. Nếu làm tốt từ khâu ra đề thi đến cách thức tổ chức thì sẽ giúp học sinh có cơ hội cọ xát và trải nghiệm. 

Tuy nhiên, không phải cuộc thi nào cũng đạt được mục tiêu này. Nhiều cuộc thi tổ chức một cách ồ ạt, chạy theo số lượng, dẫn đến chất lượng giảm sút. Đồng thời, việc cho trẻ tham gia quá nhiều kỳ thi quốc tế mà chất lượng không ai kiểm soát không những không rèn được cho trẻ tư duy, tình yêu và niềm đam mê Toán học mà còn khiến trẻ thiếu đi những định hướng cụ thể, thậm chí còn dẫn đến trẻ bị thui chột năng khiếu và gây ra áp lực không cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Nếu mong muốn cho con tham gia các kỳ thi quốc tế, phụ huynh cần tỉnh táo lựa chọn những cuộc thi uy tín từ những đơn vị tổ chức uy tín; đồng thời tham khảo về chất lượng đề thi trước khi đưa ra quyết định và đặc biệt không nên đăng ký quá nhiều kỳ thi, thay vì chạy đua thành tích, phụ huynh nên quan tâm đến việc nuôi dưỡng niềm đam mê học toán ở con cái. Việc lựa chọn những cuộc thi uy tín, có chất lượng sẽ giúp trẻ vừa được thử thách bản thân vừa có những trải nghiệm bổ ích.

Các kỳ thi Toán quốc tế có thật sự chất lượng?

Là một trong những sàn đấu quốc tế lớn về Toán học, kỳ thi Olympic Toán học Úc (AMC) được điều hành bởi Quỹ ủy thác Toán học Úc (AMT) dành cho tất cả học sinh tiểu học và trung học, chia thành 5 cấp độ từ lớp 3-12. 

Thông tin với PV, ông Tuân cho biết, tại Hà Nội, nhiều trường công lập như Trường THCS Chu Văn An (Long Biên), Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Ba Đình), Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Ba Đình),.. cũng cho học sinh tham gia kỳ thi này. Ngoài ra, hàng năm học sinh của một số trường tư trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng tham gia và đạt giải như Trường THCS Archimedes Academy (Cầu Giấy), Hệ thống giáo dục Ngôi sao Hà Nội (Thanh Xuân), trường Greenfield (Hưng Yên), Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn (Bắc Từ Liêm)...

nh 2
Kỳ thi Olympic Toán học Úc tổ chức thông qua một công ty tư nhân tại Việt Nam, thu phí 400 nghìn đồng/1 thí sinh (Ảnh website trường).

Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của Kỳ thi Olympic Toán học Úc (Australian Mathematics Competition - AMC) lệ phí thi của kỳ thi này là 400 nghìn đồng/thí sinh. Trả lời cho câu hỏi của PV về khoản kinh phí thu từ cuộc thi sẽ được sử dụng vào mục đích gì, ông Tuân cho biết, lệ phí bao gồm phí bản quyền phải trả cho Quỹ ủy thác Toán học Australia (Australian Mathematics Trust, AMT).

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn sử dụng để chuẩn bị cho những phần thưởng như tiền mặt, balo, bình nước,.. tùy thuộc vào kết quả mà từng em đạt được, chiếm khoản tiền lớn nhất là chi phí trang trải cho việc tổ chức, in ấn đề thi, địa điểm thi.

PV đặt câu hỏi: “Việc ngày càng có nhiều cuộc thi như vậy có khiến gia tăng áp lực thi cử cho các em, làm mất đi thời gian vui chơi giải trí của trẻ?”, ông Tuân cho hay, không có trường nào bắt buộc các học sinh phải tham gia. Ban Tổ chức chỉ gửi công văn về các Sở, Phòng GD&ĐT và các trường, đơn vị nào quan tâm thì phổ biến về kỳ thi đến các phụ huynh và phụ huynh có thể đăng ký thông qua nhà trường hoặc tự đăng ký cá nhân.

Theo tìm hiểu của PV, chỉ cần tìm kiếm lớp toán quốc tế, phụ huynh sẽ nhận được rất nhiều quảng cáo. Phụ huynh dễ dàng tìm lớp học nhưng cũng dễ bị “ngợp” bởi quá nhiều lựa chọn. 

IMG_0040
Nhiều phụ huynh lo lắng quá sớm, tìm lớp cho con từ khi mới vào lớp 1 vì không biết bắt đầu từ đâu và như lạc vào ma trận khi tìm lớp toán quốc tế cho con (Ảnh: Chụp màn hình)

Ngoài ra, khi PV tìm kiếm các lớp học luyện thi Toán quốc tế trên các trang mạng xã hội, thật trùng hợp khi các giáo viên dạy luyện thi Toán quốc tế lại đến từ chính những trường tổ chức các kỳ thi này. Điều này đặt ra câu hỏi về sự khách quan trong việc tư vấn và tuyển sinh, liệu có sự lôi kéo học sinh vào các cuộc thi, từ đó tăng doanh thu cho các lớp học thêm và nhà trường? Việc giáo viên đến từ các trường tổ chức thi lại trực tiếp dạy luyện thi liệu có phải để phục vụ cho mục tiêu chung của nhà trường và đơn vị tổ chức thi? Liệu có tồn tại một mối liên kết giữa giáo viên, trường học và các đơn vị tổ chức thi?

IMG_2481

Đằng sau những cuộc thi hào nhoáng là chiêu trò kinh doanh

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, hiện nay có vô số những cuộc thi gắn mác quốc tế nhưng nguồn gốc, chất lượng và tính hợp lý của các kỳ thi này rất khó kiểm chứng, nhiều cuộc thi quốc tế hiện nay không đảm bảo chất lượng và tính minh bạch.

Đằng sau những cuộc thi quốc tế hào nhoáng chỉ là chiêu trò kinh doanh, các công ty tổ chức chúng lợi dụng tâm lý thích khoe thành tích của phụ huynh để thu lợi nhuận. Chỉ cần thấy chữ “quốc tế”, nhiều phụ huynh đã vội vàng cho con tham gia các cuộc thi này, hy vọng con mình sẽ đạt được thành tích cao và nhận được sự công nhận. 

ledongphuong
TS. Lê Đông Phương lên tiếng cảnh báo về tình trạng tràn lan các cuộc thi quốc tế thiếu uy tín. Ảnh: NVCC

TS. Lê Đông Phương khẳng định, những cuộc thi quốc tế không chỉ vô nghĩa mà còn gây hại nghiêm trọng đến quá trình học tập và phát triển của học sinh. Việc chạy theo thành tích trong các cuộc thi này không những không giúp học sinh tiến bộ mà còn khiến các em cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và mất đi niềm yêu thích học tập. Hơn nữa, việc tổ chức các cuộc thi này còn là một hình thức kinh doanh, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của phụ huynh.

“Việc tổ chức các cuộc thi tràn lan không chỉ làm lãng phí thời gian và công sức của học sinh mà còn làm biến dạng mục tiêu của giáo dục. Nội dung các cuộc thi thường không phù hợp với chương trình học, khiến học sinh phải ôn luyện thêm nhiều kiến thức bên ngoài, gây áp lực lớn và làm mất cân bằng cuộc sống của các em. Thậm chí, nhiều trường còn mời giáo viên từ các công ty về để ôn luyện cho học sinh, biến việc học tập trở thành một cuộc đua tranh vô nghĩa”, TS. Lê Đông Phương cảnh báo.

TS. Lê Đông Phương nhấn mạnh, cần chấm dứt ngay việc chạy theo thành tích bằng cách hạn chế tối đa các cuộc thi, đặc biệt là ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Việc này là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh và nhà trường.

Mặc dù phụ huynh hoàn toàn có quyền quyết định có cho con tham gia các cuộc thi hay không, nhưng thực tế, không ít trường hợp các em bị cuốn vào vòng xoáy thi cử vì áp lực từ phía nhà trường. Một số cán bộ quản lý, vì mục tiêu thành tích, đã không ngần ngại dùng nhiều cách thức như mời gọi, thúc ép, động viên, đe dọa phụ huynh cho con tham dự.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi của học sinh, các cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ lưỡng việc học sinh tham gia các cuộc thi này có thực sự tự nguyện hay không, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, buộc các công ty phải hoàn trả chi phí và xử lý kỷ luật những cá nhân đã tiếp tay cho việc gây sức ép. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tỉnh táo trước những lời mời chào tham gia các cuộc thi, không nên quá kỳ vọng vào con cái và cần có cái nhìn khách quan hơn về giá trị thực sự của các cuộc thi.

"Giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức để đạt được những thành tích nhất thời mà là quá trình giúp học sinh phát triển toàn diện về cả trí tuệ, thể chất và tinh thần. Việc quá tập trung vào các cuộc thi sẽ làm mất đi bản chất của giáo dục, khiến học sinh đánh mất đi cơ hội được khám phá, sáng tạo và trải nghiệm", TS. Lê Đông Phương nói.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận