07:11 29/03/2023

Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trường công thấp kỷ lục, phụ huynh như ngồi trên đống lửa

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội đã tăng thêm 1.000 nhưng số thí sinh cũng tăng mạnh. Chỉ khoảng 72.000 học sinh được tuyển vào THPT công lập, chiếm 55,7%. Nhiều phụ huynh, học sinh căng thẳng đến mất ăn, mất ngủ. Họ ví, sức nóng của kỳ thi còn hơn cả thi đại học.

Gần 45% học sinh tại Hà Nội sẽ trượt lớp 10 công lập?

Ngày 13/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 656/KH-SGDĐT năm 2023 về tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023 - 2024. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra theo hình thức thi tuyển: Học sinh sẽ tham gia một kỳ thi chung cho tất cả các trường THPT công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức.

Thí sinh sẽ thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (thí sinh chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn). Lịch thi diễn ra trong vòng 2 ngày 10/6 và 11/6.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022 - 2023, Hà Nội dự kiến có 129.210 học sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THCS. 

Thực hiện công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển vào trường THPT năm học 2023 - 2024 khoảng 102.000 em (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước).

Trong đó, khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (chiếm 55,7%, tăng 1.000 em so với năm ngoái), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%). Đây là tỷ lệ thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây. Số còn lại sẽ vào học các trường trung tâm GDNN - GDTX và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (21,1%). Điều đó đồng nghĩa với việc, gần 45% học sinh tại Hà Nội sẽ trượt lớp 10 công lập.

học sinh cuối cấp
Thời điểm này, việc ôn luyện của các em học sinh cuối cấp đang được triển khai cấp tốc (Ảnh: Lao động).

Sức nóng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khiến nhiều phụ huynh mất ăn, mất ngủ 

Trước thông tin chỉ chỉ có khoảng 72.000 em (chiếm 55,7%) được tuyển vào THPT công lập, nhiều phụ huynh, học sinh căng thẳng đến mất ăn, mất ngủ. Họ ví, sức nóng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội còn hơn cả thi đại học.

Trước thông tin số lượng thí sinh tăng vọt, cơ hội vào trường công thấp kỷ lục, vợ chồng chị Quế Lan (Xuân Đỉnh, Tây Hồ) đau đầu lo nghĩ suốt mấy tuần nay: “Con tôi năm nay thi vào 10, nếu không đỗ công lập thì nhà tôi không thể cho con đi học dân lập được vì quá tốn kém. Theo như tôi tìm hiểu, học phí các trường tư có tiếng tại Hà Nội như THPT Marie Curie, THPT Vinschool, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm,... thấp nhất cũng có học phí 3,5 triệu đồng/tháng, thật sự quá sức với kinh tế gia đình tôi.”

Chị Nguyễn Hồng Quế (Cầu Giấy) thắc mắc: “Nhiều lớp học ở các trường công tại các quận nội thành sĩ số lên đến 50 em học sinh/lớp, khuôn viên trường chật hẹp, mỗi khi trường tập trung làm lễ gì đó là ngộp thở luôn. Giáo viên dạy trên bục giảng nhưng lớp học quá đông, chật chội thì làm sao học sinh có thể học tốt được? Chung cư thì cứ liên tục được xây rồi bỏ hoang, trong khi đó trường học lại thiếu trầm trọng”. 

Áp lực thi cử ngày càng khốc liệt, nhiều phụ huynh chia sẻ khá buồn khi đáng lẽ con ở độ tuổi phải được chơi thể thao, rèn thêm sức khoẻ thì nay lại mất đi tuổi thơ, cả năm chỉ biết cắm đầu vào nỗi lo học hành, thi cử. 

Chị Nguyễn Thị Thu (Tây Hồ) nói: “Cứ bảo cho con vui chơi thoải mái cho đúng tuổi thơ, nhưng tỉ lệ đỗ vào cấp 3 công lập liên tục giảm thế này sao phụ huynh chúng tôi có thể tự tin cho con bỏ học thêm được?”.

Để tăng cơ hội vào trường công lập, nhiều phụ huynh ngay từ đầu lớp 9 đã tìm cho các con các lớp học thêm các môn phục vụ thi nhiều buổi tối trong tuần, thậm chí kín tuần, song chừng đó vẫn chưa thể khỏa lấp nỗi lo.

Nhiều trường gấp rút ôn tập

Phía các nhà trường, thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ bắt đầu, việc ôn luyện đang được triển khai cấp tốc.

Tại trường THCS Giảng Võ (Ba Đình), việc ôn thi được chia thành các giai đoạn để tăng hiệu quả. Cụ thể, giai đoạn 1 ưu tiên 10 tuần liên tục từ 22/3 - 28/4 để ôn tập 3 môn Toán, Văn, Anh cho nhóm 2, các lớp học bổ trợ này được duy trì đều đặn bởi các giáo viên có nhiều kinh nghiệm và có giáo viên chủ nhiệm theo sát. 

Giai đoạn 2 là giai đoạn tăng tiết, diễn ra trong 2 tuần, dự kiến từ 17/4 - 30/4. Theo kế hoạch dạy học, trong giai đoạn này, các con đã hoàn thành xong một số bài kiểm tra học kì 2, do đó nhà trường sẽ tăng tiết 3 môn thi vào lớp 10, cụ thể tăng mỗi môn 2 tiết so với kế hoạch cũ.

Giai đoạn 3 là giai đoạn tổng ôn tập, diễn ra sau kì thi nghỉ lễ, các con sẽ tập trung học 3 môn thi: Toán, Văn, Anh.

“Điểm nhấn trong đợt ôn tập này của trường là nhà trường đã xây dựng 2 bộ tài liệu ôn tập được biên tập khác nhau: Một là bộ tài liệu ôn tập đơn giản cho học sinh có lực học chưa vững, 2 là bộ tài liệu ôn tập kỹ hơn cho những học sinh còn lại. Phụ huynh có thể dựa vào đó để cùng với trường kiểm tra học sinh”, bà Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ chia sẻ.

Empty
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ bắt đầu (Ảnh: Thanhnien).

Trước đó, nhà trường thực hiện phân loại thành 3 nhóm đối tượng: Nhóm 1 gồm những học sinh giỏi, xuất sắc để tham gia các kì thi vào trường chuyên, lớp chọn (chiếm khoảng 20%), nhóm 2 gồm những học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình sẽ gặp khó khăn nhất trong kì thi vào lớp 10 (chiếm khoảng 20%), còn lại là những học sinh nhóm 3 sẽ tham dự vào THPT công lập và công lập chất lượng cao.

“Đây là một kỳ thi rất quan trọng đối với các em học sinh thi vào lớp 10. Tuy nhiên, nhà trường luôn cố gắng khiến những ngày tháng thi vào 10 trở nên tích cực, hiệu quả, giảm thiểu tối đa những áp lực và căng thẳng cho các em.

Dù ôn thi vất vả nhưng đây không phải cuộc chạy đua khốc liệt. Nhà trường luôn bảo đảm duy trì những hoạt động giáo dục thể chất, bảo đảm sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ tâm lý cho các em”, bà Yến nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Yến cho rằng, các bậc phụ huynh nên cùng con quản lý thời gian học tập sao cho khoa học, hợp lý, không nên thúc ép các bạn học sinh đi học thêm quá nhiều. Quan trọng nhất là việc tự học, cố gắng vượt qua chính mình. Các vị phụ huynh cần chú ý, chăm sóc đến sức khoẻ thể chất, đảm bảo đủ dinh dưỡng, đủ giấc ngủ cho học sinh.

Empty
Cuộc cạnh tranh kiếm "một tấm vé'' vào lớp 10 công lập ở Hà Nội được nhiều phụ huynh đánh giá là rất khốc liệt (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Hiệu trưởng của một trường THCS khác tại quận Ba Đình cho biết, từ đầu năm học, trường triển khai kế hoạch là kết hợp với môn tự chọn, tăng cường các tiết của 3 bộ môn Toán, Văn, Anh trong thời khoá biểu của học sinh. 

Cô giáo chủ nhiệm cùng cô giáo dạy bộ môn cũng phân loại các em học sinh theo năng lực, với các em có học lực yếu, trung bình thì sẽ được các cô sẽ kèm các con thêm ngay trong chính giờ học hoặc giao bài cho các con trên nền tảng trực tuyến, phối hợp cùng với phụ huynh kèm cặp các con mỗi buổi tối. Bên cạnh đó, thầy cô cũng lập ra những nhóm học gồm các em học sinh cần phụ đạo thêm vào buổi tối tại nhà. 

Hiện tại, trường có khoảng 300 em học sinh khối 9, tuy nhiên, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn dẫn đến nền tảng học sinh chưa thật sự vững vàng như các trường khác. Do đó, nhà trường trên cơ sở phân tích cũng có những định hướng nghề nghiệp cho các em.

Hiện nay công việc dạy học tại nhà trường diễn ra một cách bình thường, giáo viên luôn nhắc nhở các con hoàn thành bài đúng hạn, thầy cô luôn kèm cặp để các con có những tiến bộ tùy theo năng lực của bản thân.

“Nhà trường không đặt ra những chỉ tiêu thi tuyển sinh vào lớp 10, nhằm giảm thiểu việc gây ra áp lực căng thẳng cho các con. Thời điểm này, phụ huynh hãy động viên, khích lệ tinh thần cho các con, bên cạnh đó, hãy chọn cho con những con đường phù hợp nhất, tránh mang lại áp lực không đáng có”, vị hiệu trưởng này nói.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận