06:39 31/03/2024

Nỗi lo khi con học trường "quốc tế": Cuộc chơi nhiều rủi ro

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Duy Cường

Từ sự việc của Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cho thấy, phụ huynh phải rất thận trọng khi đầu tư tài chính cho con vào học trường gắn mác quốc tế.

LTS: Những lùm xùm liên quan đến vấn đề tài chính của Trường Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) những ngày qua khiến dư luận đặt câu hỏi về lỗ hổng trong công tác quản lý trường ngoài công lập. Đáng lo, với trường có yếu tố nước ngoài, một khi vấn đề tài chính của trường có vấn đề. Phụ huynh sẽ phải làm gì? Cơ quan chức năng cần làm gì để tránh xảy ra những trường hợp tương tự, nhằm đảm bảo quyền của trẻ nhỏ?

Ma trận” trường gắn mác quốc tế ở Việt Nam

Sau sự kiện của Trường Quốc tế Mỹ, nhiều người băm khoăn: Có bao nhiêu trường quốc tế ở Việt Nam là “xịn”? Câu trả lời rất khó tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2022, theo dữ liệu của Hội đồng khoa học quốc tế (ISC Research), số lượng trường quốc tế ở Việt Nam ước tính đã vượt con số120, từ mầm non đến trung học phổ thông, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo 2024 do ISC Research công bố hồi tháng 2, toàn thế giới hiện có hơn 14.000 trường quốc tế với 6,9 triệu học sinh, doanh thu 60,9 tỷ USD từ học phí mỗi năm. Số giáo viên dạy trường quốc tế là hơn 664.000 người, tăng 13% so với 5 năm trước.

Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng số lượng là Ấn Độ. Số trường quốc tế ở nước này hiện là 923, tăng 10% so với năm 2022.

Theo sau là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng 9% lên 784 trường. Trung Quốc đứng thứ ba, tăng 6%, đạt 1.106 trường. Việt Nam và Nhật Bản cùng tăng 5%, nhưng báo cáo không nêu rõ số trường tại hai quốc gia này.

Trước đó năm 2019, sau sự việc tại trường GEATWAY, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố có 11 trường được gọi là trường quốc tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn các trường khác chỉ có yếu tố nước ngoài.

Cũng trong năm 2019, Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có 21 trường phổ thông được cấp phép và công nhận là trường có yếu tố nước ngoài (nhiều người quen gọi là trường quốc tế).

Như vậy, theo cơ quan chức năng, năm 2019, Việt Nam chỉ có chưa đầy 40 trường được gọi là trường quốc tế.

So với thống kê năm 2022 và 2024 của ISC Research rõ ràng là có sự khác biệt rất lớn.

TRUONG-QUOC-TE[1]
Sự việc của AISVN đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý trường tư thục. Ảnh: Chân Phúc/Lao động

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến năm học 2021 – 2022, trên địa bàn thành phố có 2.355 trường học, với 1.347 trường công lập và 1.008 trường ngoài công lập.

Còn tại Hà Nội, theo thống kê hiện có gần 600 trường tư thục thuộc các mô hình liên cấp, từ tiểu học đến hết THCS hoặc THPT.

Chuẩn bị bước vào năm học 2024 - 2025, nhiều trường tiểu học tư thục trên địa bàn Hà Nội đã thông báo phương án tuyển sinh, công khai mức học phí hơn 100 triệu đồng/năm khiến nhiều phụ huynh bất ngờ.

Học phí các trường dành cho 10 tháng học, tùy khối lớp hay chương trình. Ngoài học phí, phụ huynh cần chi trả nhiều khoản khác, tùy trường, như: Phí phát triển trường, phí làm bài kiểm tra đầu vào, phí giữ chỗ, đồng phục, học liệu, sách giáo khoa nhập khẩu từ nước ngoài, chi phí hoạt động ngoại khóa, ăn sáng và trưa (60.00-100.000 đồng/ngày), chăm sóc bán trú, bảo hiểm y tế, phí đón muộn, xe tuyến (nếu có nhu cầu)...

Nhiều trường còn có thêm gói trả học phí 1 lần hay nhiều lần. Tất nhiên nếu học phí 1 lần sẽ được giảm giá so với học phí nộp thành nhiều lần.

Cuộc chơi nhiều rủi ro

Nói về việc một số trường tư thục thu phí trọn gói, trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Luật sư Đào Quốc Hưng – Phó Giám đốc Công ty luật ALS cho biết, theo Khoản 1, Điều 12, Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quy định “Học phí được thu định kỳ hàng tháng.

Nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, học phí được thu tối đa 9 tháng/năm học”.

Như vậy, việc các trường thu học phí “trọn gói” cả bậc học (từ 3-5 năm học) hoặc 12 năm học (từ tiểu học đến THPT) là chưa đúng quy định.

Bên cạnh đó, từ sự việc của Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cho thấy, việc đầu tư quá nhiều tài chính cho con vào trường gắn mác quốc tế là khoản đầu tư tiềm ẩn sự rủi ro nếu phụ huynh không tìm hiểu kỹ.

Thực tế, thời gian qua cho thấy có không ít trường tư thục có yếu tố nước ngoài đã không quản lý được tài chính và phá sản khiến học sinh vất vả khi lỡ dở việc học giữa chừng.

Không chỉ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai đã đình chỉ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở The Light Academy, đây là trường học quốc tế liên cấp ở Lào Cai.

Lý do là trường The Light Academy không có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục; không đủ về số lượng theo cơ cấu về loại hình giáo viên, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục.

2-17020198545671393071273[1]
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở The Light Academy, đây là trường học quốc tế liên cấp ở Lào Cai bị đình chỉ. Ảnh: Nam Dũng

Học phí tại trường The Light Academy dao động trong khoảng 4,5 - 8 triệu đồng/tháng và phụ huynh có thể đóng theo tháng, quý hoặc cả năm học. Như vậy, nhiều phụ huynh phải đóng số tiền đến vài chục triệu đồng cho 1 năm học.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở The Light Academy thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục Hà Nội - Lào Cai. Trường được thành lập theo Quyết định 2929/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai.

Trước thềm năm học 2023 – 2024, trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots International School) đóng ở phường Cẩm Châu, TP Hội An Quảng Nam, do bà Catherine Clare Mckinley, quốc tịch Anh, làm chủ cũng đã “ôm” của phụ huynh học sinh 14 tỷ đồng rồi… biến mất.

Bên cạnh rủi ro về tài chính, thầy H.D (Trường Đại học Sư phạm Huế) cho rằng, một khi xác định cho con theo học các chương trình quốc tế, phụ huynh phải xác định lộ trình học tập lâu dài, việc chuyển đổi giữa các chương trình rất phức tạp, nhất là ở cấp THPT, với nhiều yêu cầu khắt khe về công nhận chuẩn đầu ra.

Về bản chất các trường quốc tế là các công ty kinh doanh dịch vụ giáo dục. Mà đã là công ty thì chuyện có lãi, thua lỗ hay phá sản là chuyện bình thường. Phụ huynh và học sinh là người mua dịch vụ nên cần thông minh để lựa chọn. Nếu không có sự lựa chọn tốt thì rủi ro vẫn có.

Một điều đáng lưu tâm khác hiện nay chính là việc các cơ quan chức năng can thiệp vào việc thu học phí của trường như thế nào vẫn là dấu hỏi lớn.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng ngày 25/3 dẫn lời của một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, Sở này không có thẩm quyền can thiệp mức thu của các trường mà chỉ kiểm soát tỷ lệ tăng hàng năm có vượt quá quy định hay không.

Ngoài ra, việc kiểm tra cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động đi kèm vào mỗi đầu năm học chỉ nhằm có cơ sở giao chỉ tiêu tuyển sinh chứ không thể can thiệp lộ trình tăng học phí của các trường.

Tại TPHCM, trường có yếu tố nước ngoài, trường tư thục triển khai chương trình song ngữ hiện nay có học phí dao động 150-850 triệu đồng/năm học. Nếu áp dụng “mức trần” tăng học phí nói trên, mức tăng có thể lên đến 85 triệu đồng/năm.

Hiện nay, để một trường đi vào hoạt động, Sở KH-ĐT cấp phép thành lập, Sở GD-ĐT quản lý về chuyên môn, Sở LĐTB-XH chịu trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm sau cấp phép chưa được các sở ngành quan tâm đúng mức.

Luật Giáo dục 2019 quy định:

Điều 21. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục

Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội.

2. Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi.

Điều 22. Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.

2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.

3. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

4. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

5. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

6. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

(còn nữa)

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận