Cho trẻ học năng khiếu: Mong con giỏi hay sợ con thua?
Từ lớp vẽ, lớp đàn đến bơi lội, nhiều bậc cha mẹ đang “chạy đua” đăng ký cho con học năng khiếu từ rất sớm. Mong con phát triển toàn diện là điều chính đáng, nhưng liệu có bao nhiêu trẻ thực sự được học điều mình yêu thích – hay chỉ đang gồng gánh kỳ vọng của người lớn?
Những lớp học từ nỗi lo “con thua kém bạn bè”
Mỗi buổi chiều tại các trung tâm nghệ thuật, các phòng học vẽ, lớp đàn, lớp nhảy,… không khó để bắt gặp cảnh tượng phụ huynh đứng chờ con trong lúc các bé mải mê với những tiết học năng khiếu. Nhiều em nhỏ chỉ vừa bước vào lớp 1 đã có lịch học dày đặc từ thứ Hai đến Chủ nhật – trong đó năng khiếu không còn là lựa chọn, mà dần trở thành “nhiệm vụ” được sắp xếp sẵn bởi cha mẹ.
Chị Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái đang học lớp 1. Ngay từ hè năm trước, bé đã được mẹ đăng ký học vẽ, học múa và học bơi – mỗi ngày một lớp. “Tôi thấy con bạn tôi học nhiều kỹ năng lắm, mình cũng sốt ruột. Không cho con học thì lại sợ con thiệt thòi, tụt hậu”, chị chia sẻ.
Những ngày đầu tìm hiểu, phụ huynh này dành gần một tuần chỉ để lướt các hội nhóm Facebook, nhắn tin, hỏi han bạn bè xem lớp nào uy tín. “Tôi nhớ có hôm phải canh đúng 8 giờ tối để đăng ký lớp vẽ vì trung tâm chỉ mở đơn trong một tiếng. Thậm chí còn phải đặt cọc giữ chỗ trước cả tháng”, chị kể thêm.
Không riêng trường hợp của chị Linh, thực trạng phụ huynh đổ xô đăng ký lớp năng khiếu cho con theo phong trào đang diễn ra ngày càng phổ biến. Trong các nhóm “Cùng con lớn khôn”, “Nuôi con hiện đại”…, có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt bài viết hỏi lớp học vẽ uy tín, lớp đàn piano gần nhà hay trung tâm dạy múa được “review tốt”. Những cuộc thảo luận sôi nổi, chia sẻ dày đặc khiến không ít phụ huynh cảm thấy nếu con mình không học gì thì đang bị tụt lại phía sau.

Tâm lý lo con "thua kém bạn bè" khiến nhiều bậc cha mẹ quyết định cho con đi học năng khiếu mà chưa thực sự cân nhắc đến sở thích hay khả năng tiếp nhận của trẻ. Câu chuyện của chị Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ điển hình.
“Con bé hàng xóm học đàn từ lớp mẫu giáo, con mình năm nay lên 5 mà chưa học gì, tôi thấy lo lắm. Thế là cũng cố gắng tìm lớp cho cháu theo”, chị kể. Thế nhưng chỉ sau vài tuần, bé tỏ ra mệt mỏi, không có hứng thú với việc luyện đàn mỗi ngày. “Con bảo chán, không muốn học nữa. Nhưng tôi lại tiếc công tìm lớp và tiền đã đóng, nên vẫn động viên con tiếp tục học”, chị Thảo nói thêm.
Nhiều phụ huynh hiện nay đang “đặt cược” vào các lớp năng khiếu như một cách chuẩn bị sớm cho tương lai của con. Việc đầu tư cho trẻ tiếp xúc sớm với các môn năng khiếu vốn không sai, tuy nhiên, khi động cơ bắt đầu xuất phát từ “tâm lý đám đông” thì rất dễ khiến trẻ bị áp lực mà không hiểu mình đang học để làm gì.
Hiểu con, chọn đúng: Năng khiếu nên bắt đầu từ niềm vui
Trái ngược với tâm lý “chạy đua” là những bậc phụ huynh đã dần có sự điều chỉnh phù hợp, tìm hiểu kỹ sở thích của con trước khi đăng ký các lớp năng khiếu. Họ không chỉ nhìn nhận việc học năng khiếu là một phần trong hành trình phát triển tự nhiên của trẻ mà còn là cơ hội để trẻ được khám phá bản thân một cách tự do và vui vẻ.
Chị Thanh Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội), mẹ của bé An – 8 tuổi, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi không đăng ký lớp năng khiếu gì ngay mà để con trải nghiệm qua các hoạt động tại trường, ở nhà, xem con hứng thú với gì nhất. Khi thấy con rất thích vẽ và thường ngồi tỉ mỉ tô màu hàng giờ, tôi mới cho bé học lớp hội họa. Con đi học rất vui, không hề có cảm giác bị ép buộc”.

Anh Phạm Quốc Bảo (Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh của một bé trai đang học piano, cũng có cách tiếp cận rất khác biệt: “Tôi chỉ chọn duy nhất một môn mà con thể hiện sự yêu thích thật sự. Mỗi tháng đều trò chuyện với con để hỏi xem con có muốn tiếp tục hay thay đổi. Việc lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của trẻ sẽ giúp con phát triển tự nhiên và bền vững hơn”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thay vì vội vàng chọn một lớp học theo xu hướng, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc đa dạng với các hoạt động nghệ thuật, thể thao hay sáng tạo trong giai đoạn đầu. Đây không chỉ là cơ hội để trẻ khám phá sở thích thật sự mà còn giúp phụ huynh quan sát rõ hơn về phản ứng và thái độ của con. Từ đó, việc lựa chọn lớp năng khiếu sẽ không còn là sự áp đặt mà trở thành quyết định phù hợp – dựa trên sự đồng thuận và mong muốn của chính đứa trẻ.
Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, điều quan trọng nhất không phải là thành tích hay kỹ năng vượt trội, mà là sự phát triển lành mạnh về tâm lý, cảm xúc và khả năng tự khám phá. Năng khiếu, nếu được định hướng đúng, có thể trở thành bệ phóng tuyệt vời cho sự sáng tạo và tự tin của trẻ. Nhưng nếu bị biến thành một cuộc đua không hồi kết giữa các bậc cha mẹ, điều còn lại chỉ là sự mệt mỏi cho cả người lớn lẫn những đứa trẻ chưa kịp hiểu mình thực sự muốn gì.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất