Chuyên gia chỉ ra sai lầm của hàng vạn học sinh
Học sinh thường được dạy và ghi chép theo lối “học vẹt”, học tủ, học lệch, chưa hiểu được bản chất của vấn đề, không thể vận dụng kiến thức vào thực tế.
Học tập thụ động, chưa hiểu bản chất
Có con trai vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, chị Trần Minh Ánh (Đống Đa, Hà Nội) bị sốc khi biết con làm bài thi không được như mong đợi và có thể trượt cả nguyện vọng hai, mặc dù suốt 4 năm ở bậc trung học cơ sở con luôn đứng ở top 10 và được đánh giá tốt.
Có cùng tâm trạng lo lắng ấy, chị Đoàn Thị Loan (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, cả nhà đều cảm thấy bất an vì con làm bài không tốt như kỳ vọng, về nhà là đóng cửa bỏ ăn uống. Chị thương con và cảm giác bất lực vì không làm được gì, chỉ đành chờ kết quả rồi tính tới phương án dự phòng vào trường tư thục.
Năm nay, chị Loan đặt nguyện vọng 1 Trường THPT Lê Quý Đôn cho con vì năm ngoái trường chỉ lấy 42,25 điểm. Trong 4 năm học ở trường, con luôn đạt học sinh giỏi và mỗi lần thi thử đều đạt 40 điểm trở lên. Các thầy cô giáo dạy các môn rất tin tưởng và tư vấn chị nên đăng ký nguyện vọng 1 cho con vào top các trường cao. Do đó, lúc đăng ký nguyện vọng, chị đã dựa vào năng lực và khảo sát điểm thi thử nên mới ra quyết định như vậy. Hiện giờ chị đang sốt sắng lo tìm trường tư cho con.
TS. Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên GV Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), có bài viết nhận định sâu sắc về đề thi Ngữ văn năm nay trên trang cá nhân. Trong đó, cô cho rằng đề thi năm nay nhìn chung vừa sức, không đánh đố học sinh, có tính phân loại ngay trong cấu trúc quen thuộc.
Trong phần nghị luận xã hội, theo cô Tuyết, câu 2 dành một dư địa rộng, mở cho thí sinh tự do bày tỏ quan niệm cá nhân trước vấn đề: "Có ích kỷ không nếu chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác?". Đây là câu hỏi có khả năng phân loại cao khi câu trả lời của phần đông thí sinh có thể định hướng theo tinh thần đề cao cái tôi cá nhân, đáp ứng đúng nhu cầu vốn rất bản năng của mỗi con người, mong được sống theo những mong muốn, sở thích, sở trường của mình.
Tuy nhiên, theo cô Tuyết, ranh giới giữa cách sống độc lập, tự chủ với cách sống ích kỷ, vô tình luôn rất mỏng manh - đó là khoảng trống dành cho những em học sinh có tư duy sắc sảo, hiểu biết xã hội phong phú, nhất là có trái tim nhân hậu thể hiện được quan niệm riêng của mình.
"Nhìn chung, trong giới hạn khá chật hẹp của khuôn mẫu với cấu trúc đề và kiểu dạng câu hỏi quen thuộc, đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ văn của Hà Nội năm nay đã có những điểm sáng thể hiện trong cách chọn ngữ liệu, tìm vấn đề, đặt ra những câu hỏi khơi mở năng lực tư duy sáng tạo cho học trò", cô Tuyết nhận định.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội cách ra đề có thể khá mới mẻ với một số thí sinh, nhưng về bản chất vẫn là nêu ý kiến và bàn luận vấn đề. Học sinh có kỹ năng tốt sẽ làm được bài. Với những học sinh chưa có kỹ năng, chưa có sự linh hoạt khi làm bài thì sẽ khó viết.
"Đề thi cấp 3 trong những năm gần đây đòi hỏi học sinh phải có tư duy logic và khả năng phân tích cao. Điều này khiến nhiều học sinh, dù đã ôn thi kỹ lưỡng, vẫn gặp khó khăn trong việc giải đề bởi phần lớn các em chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng lý thuyết mà không chú trọng đến việc luyện tập và rèn luyện tư duy logic. Việc học tập thụ động, thiếu sáng tạo khiến các em gặp khó khăn khi phải vận dụng kiến thức vào thực tế", Cô Lê Thị Thanh Thuý - một giáo viên THCS nhận xét.
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School cho rằng, tình trạng chung ở bậc THCS hiện nay là nhiều học sinh chưa có kỹ năng hoặc gặp khó khăn trong quá trình tự học.
Thứ nhất, học sinh chưa có phương pháp học tập hiệu quả. Biểu hiện lớn nhất của điều này là việc học sinh học tập một cách thụ động, phụ thuộc vào thầy cô và sách vở. Khi học, các em thường ghi chép theo lối “học vẹt”, học tủ, học lệch, chưa hiểu bản chất của vấn đề, không thể vận dụng kiến thức vào thực tế.
Thứ hai, kỹ năng đọc hiểu, ghi chép, tổng hợp chưa tốt. Đây là những kỹ năng quan trọng trong học tập. Tuy nhiên, nhiều học sinh chưa thành thạo. Đặc biệt, khi lên các cấp học cao hơn, khả năng đọc hiểu càng đóng vai trò thiết yếu để học sinh có thể thành công về mặt học thuật. Để có hiểu biết sâu sắc, đọc đơn thuần là chưa đủ, học sinh cần có kỹ thuật đọc, nắm được ý chính, phụ của bài học để hiểu mục tiêu và trọng tâm.
Bên cạnh đó, kỹ năng ghi chép và tổng hợp giúp các em thể hiện sự am hiểu, tư duy logic, cách sắp xếp để biến kiến thức được học thành của mình. Nếu thiếu các kỹ năng này, các em dễ rơi vào tình trạng ghi chép nhiều nhưng lại không biết cách sắp xếp logic, kiến thức bị rời rạc, không có hệ thống, đọc nhiều nhưng hiệu quả không cao.
Thứ ba, chưa có động lực học tập. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự học. Bởi lẽ động lực học tập là yếu tố quan trọng thúc đẩy học sinh học tập hào hứng, say mê, và hiệu quả. Nhiều em chưa thấy được ý nghĩa và mục tiêu của việc học.
Các em có thể học vì áp lực từ gia đình, thầy cô, hoặc để đạt điểm cao trong kỳ thi, nhưng lại chưa hiểu sự kết nối giữa kiến thức và kỹ năng học tập với thực tế. Điều này dẫn đến việc học trở thành nhiệm vụ ép buộc, không mang lại niềm vui, sự thỏa mãn. Tuy vậy, tạo động lực học tập lại là bài toán đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian, công sức từ 3 nhân tố “học sinh - giáo viên - phụ huynh”.
Người học cần nắm vững kiến thức và có khả năng tư duy
Theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, mọi người thường nhầm lẫn giữa tự học với tự giác học. Tự giác học là một hành vi được rèn luyện thông qua sự lặp đi lặp lại nhằm biến nó thành thói quen như đều đặn đến trường mỗi sáng và ngồi vào bàn học tại nhà vào buổi tối. Tuy nhiên, tự học lại không đơn thuần là một hành vi mà nó còn là tư duy, bao gồm khả năng tự nhận thức, tự điều chỉnh và tự rèn luyện.
"Tự học là phương pháp học tập giúp học sinh chủ động tìm hiểu, mở rộng kiến thức, nắm bắt được những khía cạnh sâu sắc và toàn diện hơn của vấn đề. Không chỉ học kiến thức từ sách vở và thầy cô giáo tại trường, một học sinh có khả năng tự học sẽ tìm tòi, đọc, phân tích để mở rộng, bổ sung kiến thức vào bức tranh toàn diện. Trong nhà trường, giới hạn về thời gian học tập trên lớp đôi khi chưa thể đáp ứng được nhu cầu học tập, tìm tòi của người học", ông Tâm đánh giá.
Bên cạnh đó, một học sinh với khả năng tự học không chỉ nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng quan trọng khác. Bởi, tự học đòi hỏi mỗi người phải có khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và phản biện. Bằng việc tự mình đặt ra câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời, áp dụng kiến thức vào thực tế, các em phát triển kỹ năng tư duy, khả năng phân tích.
Tự học không chỉ là hành trình tích lũy kiến thức mà còn là việc học sinh phát triển bản thân. Trong quá trình tự học, các em cần khám phá và thử nghiệm, dám sai và sửa. Khi quá trình thử - thất bại - sửa sai liên tục được củng cố, các em ngày càng hoàn thiện khả năng tự học, từ đó tránh được tâm lý “ngại học”, “sợ học”; đặc biệt đón nhận kiến thức mới ở những lĩnh vực khác nhau. Đó cũng là tiền đề và hành trang quan trọng để các em sẵn sàng ứng phó trước các kỳ thi đòi hỏi học sinh liên tục cập nhật và thích ứng.
Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm đưa ra lời khuyên, để tự học hiệu quả, học sinh cần trang bị cho mình phương pháp học tập phù hợp. Đầu tiên cần xác định rõ mục tiêu học tập để có định hướng đúng đắn và tập trung vào nội dung cần thiết, tránh xao nhãng. Sau đó, cần lập kế hoạch cụ thể nhằm quản lý thời gian và quá trình học tập hiệu quả hơn. Đồng thời, người học có thể theo dõi được tiến trình, tiến bộ của mình ở từng giai đoạn.
Việc học tập không nên bị giới hạn trong một bộ giáo trình hay khuôn khổ tiết học. Thay vào đó, học sinh nên tìm hiểu, mở rộng kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách báo, tài liệu tham khảo, Internet... Điều này giúp các em hiểu sâu sắc bài học đồng thời có cái nhìn rộng và tổng quát hơn về kiến thức và lĩnh vực mình đang tìm hiểu, giúp các em có cái nhìn đa chiều cho một sự vật, hiện tượng; hình thành tư duy linh hoạt và học tập suốt đời.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất