Cuộc đua vào trường công lập THPT: Làm gì để giảm áp lực cho học sinh?
Nhiều phụ huynh căng thẳng, lòng như lửa đốt vì tỉ lệ học sinh đỗ vào các trường công lập thấp. Theo các chuyên gia giáo dục, thi vào lớp 10 chỉ là một ngưỡng cửa trong cuộc đời, nếu trượt công lập, các em vẫn còn nhiều con đường khác để phát triển và thành công.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025, dự kiến khoảng 135.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội tốt nghiệp, tăng 5.000 em so với năm học trước. Tuy nhiên, theo kế hoạch phân luồng, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại các em sẽ học THPT tư thục (với học phí đắt đỏ) hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng,...
Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây, tại Hà Nội dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập, còn lại 54.000 em không đỗ. Có thể thấy, cuộc đua vào lớp 10 THPT công lập năm học này sẽ cam go, khốc liệt hơn năm ngoái khi tỉ lệ tuyển sinh các trường không tăng.
Học sinh chịu nhiều áp lực
Có con đang học lớp 9 tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội), chị Phùng Thanh Phương chia sẻ: “Thời gian đầu tôi cũng lo lắng, áp lực với chuyện năm nay con thi lớp 9, sợ không đỗ vào được trường công lập mình kỳ vọng. Vì thế, ngày từ đầu năm học tôi đã luôn khuyên răn, tâm sự với con nhiều, con cũng ngoan và nghe lời, chịu khó học thêm, sau giờ học về nhà ôn luyện mỗi tối, rồi tự nhiên con cũng áp lực theo mẹ”.
Chị Phương cho biết thêm, nhìn con cứ lao đầu vào học ngày đêm, tối thì bỏ bữa chỉ vì lý do không có thời gian, chị thấy vô cùng sốt ruột vì lo cho sức khoẻ của con. Do đó, chị quyết định giảm áp lực cho cả con và mẹ bằng cách đặt cọc chỗ tại một trường dân lập cho chắc chắn, nhờ vậy con cũng có tư tưởng thoải mái trong đợt nước rút này.
Theo chị Phương, “học tài, thi phận”, nếu con đỗ vào trường công lập mẹ kỳ vọng thì là cái tốt, không thì học trường dân lập cũng không sao. “Nếu con mình là cá thì bơi dưới nước, chứ không thể ép con phải gồng mình, leo được lên cây, điều quan trọng là con phát triển trong môi trường phù hợp với năng lực của mình. Điều cha mẹ cần phải làm là tìm vài chỗ dự phòng để giảm căng thẳng cho cả gia đình nhưng vẫn nên động viên con cố gắng vì đây là những trải nghiệm áp lực con bắt buộc phải có trong cuộc đời”, chị Phương nói.
Tương tự, chị Trần Thanh Tú (có con học lớp 9 trường THCS Ngô Gia Tự, quận Long Biên) cũng cảm thấy dễ thở hơn sau khi hoàn thành việc đặt cọc cho con một suất học ở trường tư thục. “Chỉ còn mấy tháng nữa là con sẽ bước vào kỳ thi quan trọng. Học sinh đông, tỉ lệ đỗ vào công lập thấp, do đó tôi chỉ khuyên con nên chọn một trường vừa tầm, một trường thấp hơn sao cho phù hợp với năng lực. Gia đình cũng không đặt nặng con phải thi đỗ vào trường nào. Để còn có đường lui, tôi cũng đăng ký luôn cho con một suất tại trường dân lập trước, vừa giảm áp lực cho con và cho cả chính mình”.
Chị Tú nói thêm: “Cha mẹ nào cũng mong muốn con học tốt, thi vào những ngôi trường chất lượng, đó là những kỳ vọng chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần học cách bằng lòng với những gì con mình đạt được. Bởi lẽ, các con đều đã rất vất vả, không nên tăng thêm áp lực nữa từ phía cha mẹ”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh cho rằng, tuyển sinh như vậy là bất công cho các em học sinh bởi có những em điểm trung bình 7,8 điểm vẫn bị loại khi thi vào trường công lập, nguyên nhân không phải do học lực kém mà là do không có đủ trường để các em theo học.
Cùng có con chuẩn bị vào lớp 10, chị Đỗ Hồng Thuỷ (Bắc Từ Liêm) đã chọn Trường THPT Xuân Đỉnh làm nguyện vọng 1 cho con. Chị Thuỷ cho biết: “Lúc nào tôi cũng phải cố gắng để tẩm bổ cho con đảm bảo sức khoẻ và có tinh thần tốt nhất. Mình không phải học, không phải thi mà còn thấy căng thẳng, áp lực, mệt mỏi, thì các con bị đè nặng gấp mấy lần. Đây không phải lỗi do các con mà do cách quản lý, phân bổ không phù hợp của phía trên làm mệt mỏi biết bao gia đình. Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm nào cũng là kỳ tuyển sinh khốc liệt”.
“Nếu toàn bộ 135,000 học sinh này đều có hộ khẩu tại Hà Nội mà để tỉ lệ được học trường công lập ở mức 60% thì Bộ GD&ĐT cần xem xét lại khả năng đáp ứng giáo dục. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học các trường dân lập với mức đóng học phí cao ngất ngưởng như hiện nay”, một vị phụ huynh khác nêu ý kiến.
Đỗ lớp 10 công lập không phải con đường duy nhất
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hoàng Trung Học, Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, xu hướng phân luồng học sinh từ cấp 2 và cấp 3 là một chủ trương đúng đắn. Học sinh nào có khả năng phù hợp và có nguyện vọng học tập thì sẽ học tiếp lên cao, còn những em không đủ năng lực và không có nhu cầu thi vào cấp 3 có thể lựa chọn tiếp tục học lên Trung học phổ thông tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Trước câu hỏi của các bậc phụ huynh về việc làm sao có thể lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp, vừa với tầm sức của học sinh để không bị trượt trường công, TS. Hoàng Trung Học cho hay, để làm được điều này cần phải xuất phát từ 3 quan điểm trọng tâm.
Thứ nhất, trước khi nghĩ đến việc chọn trường và hướng nghiệp cho trẻ, các bậc cha mẹ phải thực sự hiểu và đánh giá đúng khả năng, năng lực học tập của con để xác định mục tiêu cho phù hợp. Tránh sự nhầm lẫn giữa kỳ vọng và thực tế để gây áp lực cho con và thất vọng cho chính mình.
“Hầu hết các cha mẹ đề đặt kỳ vọng rất lớn vào con của mình. Họ có ước vọng và muốn thấy con mình học giỏi, nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập, nhưng thực tế mỗi đứa trẻ lại có những năng lực, khả năng lĩnh hội kiến thức khác nhau. Nếu trẻ chỉ có mức học lực trung bình mà phụ huynh lại chọn trường công top đầu, tỷ lệ chọi cao thì khả năng trượt là vô cùng lớn . Điều này sẽ vô tình để lại trạng thái tâm lý nặng nề cho cả trẻ và cha mẹ của chúng”, TS. Hoàng Trung Học nói.
Thứ hai, phụ huynh cần xóa bỏ tư duy chạy theo phong trào và bệnh thành tích trong quá trình học tập của con. Nhiều phụ huynh có tâm lý ganh đua, đăng ký cho con vào trường có tiếng tăm vì danh dự của bản thân. Họ nhồi nhét kiến thức, tìm các lò luyện thi cấp tốc, gây áp lực và căng thẳng cho trẻ. Ngoài ra, việc phải học trong trong một môi trường cạnh tranh sẽ gây ra áp lực đồng trang lứa với trẻ có năng lực học tập thấp.
Về bản chất, giáo dục là quá trình phát triển các phẩm chất, năng lực thực tiễn để trẻ thích ứng tích cực với cuộc sống xã hội.
“Trên thực tế có nhiều trường hợp trẻ mải mê chạy theo điểm số và thành tích học tập. Hồ sơ 12 năm học phổ thông rất đẹp, tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc nhưng khi ra trường tìm công việc phù hợp lại chật vật và khó thích nghi trong một môi trường mới. Đây chính là kết quả của bệnh thành tích, của việc không thực học, thực tài”, thầy Học cho hay.
Thứ ba, cha mẹ phải có tư duy giáo dục tiến bộ, hướng dẫn con “thực học, thực tài”. Một đứa trẻ có thể không học trường chuyên lớp chọn hay được đào tạo theo kiểu “con nhà nòi”, nhưng khi các em học tất cả các môn bằng năng lực và kiến thức thực thì sau này trẻ có thể chủ động phát triển bản thân trong cuộc sống với những kiến thức đã lĩnh hội được. Đây mới là yếu tố quyết định thành công của con người. Bên cạnh đó, ông cho rằng, chọn trường thuận tiện cho việc đi lại là cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nếu học ở một ngôi trường quá xa thì khi phụ huynh đưa, đón hay trẻ đi lại vô cùng khó khăn và vất vả.
Trường hợp không đỗ nguyện vọng như mình mong muốn, ông cho rằng đây cũng không phải là “trời sập”. Do vậy, để chuẩn bị tâm lý cho trẻ, phụ huynh cũng phải có phương án dự phòng và các hướng đi khác sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Theo ông, trường học chỉ là “bàn đạp” tạo nên sự thành công của con người chứ không phải là yếu tố quyết định tất cả. Quan trọng là từ nhà trường, trẻ sẽ được học và thấm nhuần tư tưởng thực học, thực tài, hình thành ý chí, nghị lực nội tại trong quá trình học tập để đương đầu được với mọi thử thách trong cuộc sống và thành công.
“Phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế rằng, nếu con trượt trường công thì học trường tư cũng không sao vì hiện nay có rất nhiều trường ngoài công lập rất tốt. Điều này không có nghĩa là khuyến khích trẻ bằng lòng với mọi thành quả của mình mà là khích lệ, tạo động lực giúp trẻ nỗ lực vươn lên, động viên trẻ hết sức cố gắng đạt mục tiêu khi con đường thứ nhất đã thất bại”, ông Học nói.
TS. Hoàng Trung Học khuyên phụ huynh cần sát sao, đồng hành cùng con thường xuyên để nắm vững tình hình học tập và quan sát biểu hiệu bình thường của con, tránh tạo áp lực đối với trẻ. Khi con gặp khó khăn và cần giúp đỡ, phụ huynh có thể nhanh chóng lắng nghe, hỗ trợ con, từ việc giải quyết vấn đề học tập đến các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
“Khi con có dấu hiệu bất thường và căng thẳng quá mức như suy sụp tinh thần, mệt mỏi, cần kịp thời động viên và can thiệp đúng lúc. Nếu trẻ thất bại trong kì thi thì cần làm tốt công tác tâm lý, tránh tính trạng con có hành động dại dột. Trong thời gian ôn thi, trẻ cũng cần được quan tâm, chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng; tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ăn ở, nghỉ ngơi và có không gian học tập yên tĩnh”, ông Học nhấn mạnh.
Phụ huynh cần tránh “bẫy nguyện vọng” vì tự tin con học tốt
Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School cho biết, những năm vừa qua, tỷ lệ “chọi” khi học sinh chuyển cấp lên lớp 10 ở các thành phố lớn luôn là chủ đề “nóng” hàng năm của các nhà quản lý giáo dục cũng như phụ huynh học sinh.
Đặc biệt, tỷ lệ này ở hệ thống công lập ở Hà Nội đã đạt ngưỡng rất cao đối với các trường thuộc nhóm top đầu, tạo áp lực cũng không nhỏ với nhiều gia đình khi quyết định lựa chọn nguyện vọng trường cho con. Do đó, theo ông, để phụ huynh và học sinh chọn được trường “vừa sức”, có tính khả thi đỗ cao trong năng lực của từng em, trước hết, học sinh cần định vị rõ năng lực của mình và thể hiện nó qua yêu cầu cụ thể của bài thi.
Đối với 3 môn thi bắt buộc, Toán và Ngữ Văn sẽ có các câu hỏi yêu cầu vận dụng cao, còn với môn Ngoại Ngữ sẽ dừng ở cấp độ thông hiểu, nhận biết, và chỉ một số ít câu thuộc vận dụng. Việc nắm rõ yêu cầu của kỳ thi sẽ giúp học sinh đạt điểm số tốt và đánh giá lợi thế cạnh tranh của bản thân.
Ngoài ra, các gia đình cần nắm rõ quy chế tuyển sinh theo 3 nguyện vọng và có chiến thuật đăng ký giảm thiểu rủi ro. Kinh nghiệm từ những năm trước chỉ ra, nhiều học sinh có lực học tốt nhưng trượt cả 3 nguyện vọng công lập. Đa phần các trường hợp này do lựa chọn cảm tính, và theo những mục đích kỳ vọng mang tính cá nhân mà không tham vấn tình hình thực tiễn.
Ví dụ, nhiều học sinh đăng ký nguyện vọng theo “nhóm bạn thân”, theo “trào lưu mạng” mà không tham khảo mức điểm chuẩn khả thi trên thực tế của các nguyện vọng, không nghe theo tư vấn sát sao của thầy cô, bố mẹ.
Với kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm, Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm đưa ra lời khuyên, các giáo viên chủ nhiệm và bộ môn lớp 9 là nguồn tham vấn sát nhất cho từng học sinh. Gia đình cần tham vấn cùng giáo viên của con dựa trên điểm số thực ở các môn qua quá trình học cấp THCS, các điểm thi thử, và trung bình các điểm giống theo cách tính của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Dữ liệu điểm là cơ sở chắc chắn nhất mà gia đình cần dùng nhằm tham chiếu năng lực của con trong tương quan với mức điểm chuẩn của các trường đăng ký nguyện vọng. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tránh những “bẫy nguyện vọng” như chỉ đăng ký những trường tốt nhất vì tự tin con học tốt mà bỏ qua những rủi ro khách quan. Theo tình hình quy chế hiện hành, ông cho rằng, nguyện vọng 3 nên dành để đăng ký trường với rủi ro thấp nhất.
Ông gửi gắm tới phụ huynh và các em học sinh: “Hãy cố gắng hết sức, nhưng đừng quên thả lỏng giảm stress qua việc có kế hoạch ôn thi kết hợp nghỉ ngơi phù hợp. Mong các gia đình không đặt thêm quá nhiều áp lực lên con cái từ những nguyện vọng vượt quá xa năng lực của con. Dẫu biết rằng áp lực là lớn, nhưng chặng đường học là cả đời, hãy bám sát kế hoạch ôn tập của trường, nắm rõ cấu trúc đề, mức độ khó của đề các năm trước để tham khảo, và chuẩn bị tâm lý thi vững vàng”.
Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên tham khảo sớm các lựa chọn trường tư thục để giảm áp lực tâm lý “không còn có đường” cho con em trước kỳ thi.
Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã thông tin trước đó, hầu hết trường tư thục hiện nay đều có quy định, thí sinh khi đăng ký xét tuyển phải đóng phí đăng ký dự tuyển. Khoản này thường được phụ huynh hiểu là "tiền cọc" hay "phí giữ chỗ". Nếu học sinh nhập học, trường sẽ khấu trừ vào các chi phí, còn nếu không nhập học thì phụ huynh có thể nhận lại một phần hoặc phải chấp nhận mất luôn số tiền này.
Nhiều nhà trường đã đưa ra thông báo từ trước để phụ huynh cân nhắc thật kỹ. Điều này được cho là sẽ giúp các trường tuyển sinh được thuận lợi, giảm lượng hồ sơ ảo và lựa chọn được những học sinh có nhu cầu thực sự. Mức phí này có sự khác biệt không nhỏ, từ vài triệu đồng/học sinh đến vài chục triệu đồng/học sinh.
M.V.Lômônôxốp (6,7 triệu đồng), trường Đa Trí Tuệ (6 triệu đồng), trường Phenikaa (5 triệu đồng), trường Lý Thái Tổ (Cầu Giấy) 11 triệu đồng, trường Việt - Úc Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) 5 triệu đồng (hệ SEP) và 10,5 triệu đồng (hệ Cambridge), trường Sentia (quận Nam Từ Liêm) 15 triệu đồng, Lương Thế Vinh 15 triệu đồng, Hà Nội Academy 20 triệu đồng.
Hệ thống giáo dục Everest là 10 triệu đồng/học sinh; Trường THCS - THPT Newton 12 triệu đồng/học sinh; Trường THPT Archimedes Academy 23 triệu đồng/học sinh, trường Lê Quý Đôn (3 triệu đồng), Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) 2 triệu đồng, trường FPT(Thạch Thất) 2 triệu đồng, trường Phan Bội Châu (Hà Đông) 1,2 triệu đồng, trường Hòa Bình - La Trobe - Hà Nội (quận Hai Bà Trưng) 3,5 triệu đồng...
Tuy nhiên, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường không thu phí giữ chỗ khi tuyển sinh.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất