06:39 07/06/2024

Trẻ bị trầm cảm do áp lực thi cử, cha mẹ nên làm gì?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Áp lực thi cử vẫn diễn ra hàng năm khiến các hội chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm gia tăng ở trẻ em. Gia đình cần đặc biệt quan tâm, nhận biết những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ để can hiệp kịp thời.

Kỳ thi áp lực nhất với học sinh đang tới gần

Ngày 7 và 8/6, hơn 98.000 thí sinh tại TPHCM bắt đầu làm bài thi vào lớp 10 công lập. Còn tại Hà Nội, vào ngày 8 và 9/6, kỳ thi vào lớp 10 công lập sẽ diễn ra với 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Áp lực thi vào các trường THPT năm nay lớn hơn, nhất là tại các quận trung tâm Thủ đô, do có tới 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS (tăng 5.000 so với năm học trước), nhưng chỉ khoảng 61% vào khối công lập, còn lại phải lựa chọn các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thi tuyển sinh vào 10 gây áp lực kinh khủng cho học trò và phụ huynh nhiều năm qua tại Hà Nội và TP.HCM, bởi bên cạnh việc cố gắng đỗ vào các trường THPT công lập có chất lượng tốt thì còn được hưởng mức học phí thấp. Trong khi đó nếu trượt hệ công lập, thí sinh phải vào trường tư, phải nộp mức học phí cao quá thu nhập của cha mẹ hàng tháng, trong khi chất lượng đào tạo ở nhiều trường tư chưa chắc đã tương xứng với chi phí người học phải bỏ ra.

Bởi vậy áp lực thi đỗ vào các trường THPT công lập tại Hà Nội và TPHCM là áp lực của cả học sinh và phụ huynh. Đặc biệt là khi phải sống trong guồng quay học tập liên tục khiến không ít đứa trẻ rơi vào trạng thái khủng khoảng tâm lý, nặng hơn có thể trầm cảm khi không đạt được mục tiêu.

Trong một phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề về áp lực học từ nhà trường, gia đình và học sinh, là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nhiều vấn đề tâm sinh lý khác ở học sinh, sinh viên hiện nay.

"Đáng buồn hơn, việc học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan tới vấn đề điểm số và học lực vẫn đang không ngừng tăng lên gây hệ lụy cho xã hội. Chúng ta đang tạo ra áp lực cho giới trẻ từ nhiều phía?", đại biểu Dung nêu rõ.

Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, giáo dục ở Việt Nam thiếu đi những mô hình trải nghiệm, thiếu những lớp học ngoại khóa gần gũi thiên nhiên, gắn kết tự nhiên, thiếu những không gian xanh hoạt động ngoài trời, thay vào đó là những mô hình quy hoạch các dịch vụ kinh doanh mọc lên ở mọi nơi mà không có không gian xanh theo quy chuẩn. Như vậy, giới trẻ thiếu sự vận động tự nhiên ngoài trời, thay vào đó là những không gian gò bó, cùng áp lực thành tích ảo, chỉ tiêu ảo do gia đình và nhà trường tạo ra.

Bà Dung nêu quan điểm: "Thiết nghĩ học tập không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà còn ở cả xã hội, do đó cần xây dựng mô hình công cộng nhiều hơn để giải tỏa vấn đề áp lực tới trường. Việc học tập và vui chơi chung ở cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải trí của giới trẻ. Từ đó tránh được những áp lực nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô…".

snapedit_1717668125753
Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm 2024 tại TP.HCM (Ảnh: Vietnamnet).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người, trong đó các bệnh lý về rối loạn lo âu, trầm cảm là nhóm bệnh lý có tỷ lệ mắc khá cao.

Trong báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố ngày 18/11/2022, trong 1 năm tiến hành điều tra, kết quả cho thấy 21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến.

Hiện nay, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên cao đến mức đáng kinh ngạc, một sự kích động nhỏ có thể khiến thanh thiếu niên cảm thấy tiêu cực nặng nề và đưa ra một quyết định bi thảm ngay lập tức. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có thể không nhận biết được dấu hiệu trầm cảm ở con của mình. 

Khi trẻ có cảm giác tuyệt vọng, thường xuyên thở dài, mệt mỏi và thiếu sự chủ động để làm bất cứ công việc gì, trong những trường hợp cực đoan, có thể dẫn đến xu hướng tự tử, lúc này cha mẹ cần nhận biết và giải quyết kịp thời chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên.

Theo các nhà tâm lý học, trẻ em đang sinh sống trong một xã hội có quá nhiều sự cạnh tranh, lựa chọn nghề nghiệp, đối mặt với áp lực từ chính người thân của mình và bạn bè đồng trang lứa. Chúng luôn có những hành vi thể hiện sự độc lập, tỏ ra mạnh mẽ, cố gắng tự mình giải quyết vấn đề nhưng khi không thành công thì rất dễ bị suy sụp.

Việc khuyến khích trẻ cởi mở chia sẻ là một điều khó khăn, cha mẹ cần phải thật sự kiên trỉ để lắng nghe được tâm sự của con, sau đó có thể đưa ra lời khuyên hữu ích.

Cha mẹ cần thấu hiểu, đồng hành cùng con

Nguyên nhân gây ra trầm cảm ở thanh thiếu niên có thể kết hợp bởi nhiều yếu tố như di truyền và môi trường. Chẳng hạn như không chịu được áp lực, không biết cách xử lý, ứng phó trước tình huống khó khăn, cùng với việc trẻ phải tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng tâm lý khác ở ngoài xã hội và trường học mà thiếu sự hỗ trợ đến từ gia đình khiến đứa trẻ mắc căn bệnh trầm cảm.

Đôi khi, cha mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm của trẻ do sự độc đoán, áp đặt quá mức, thậm chí cố gắng thực hiện ước mơ thông qua con cái.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hồ Lâm Giang, Chuyên gia tâm lý giáo dục, Trưởng ban cố vấn giáo dục Happy Teen cho biết, thời điểm nước rút, đa phần tâm lý của các phụ huynh đều vô cùng lo lắng, thậm chí có nhiều trường hợp lo lắng đến mức vô tình gây thêm những “áp lực” không đáng có lên những đứa trẻ. Điều này không chỉ không mang lại hiệu quả, mà ngược lại khiến các em khó có thể đạt kết quả cao.

z5402511279482_eed5ec4a71d32823a7d2270feb5ba18f (1)
TS. Hồ Lâm Giang nhấn mạnh, cha mẹ hãy đặt sự an toàn về sức khoẻ tinh thần và hạnh phúc của con lên hàng đầu (Ảnh: NVCC).

Nhiều tài liệu về khoa học thần kinh cho rằng, căng thẳng, áp lực liên tục khiến hệ thần kinh luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Điều này khiến các em dễ bị phân tán tư tưởng, không thể tập trung vào học tập, nghiêm trọng hơn là trí nhớ sa sút, vừa ảnh hưởng sức khỏe, vừa giảm hiệu quả trong học tập ở các em.

“Nhiều phụ huynh nghĩ rằng trẻ căng thẳng, khó tập trung, học không vào là do các em lười, không quyết tâm, đó là sai lầm. Bên cạnh việc thấu hiểu, đồng cảm với tâm lý của trẻ, cha mẹ cần giúp con yên tâm, đối diện với áp lực, cho con hiểu trong mọi cuộc thi, áp lực không xấu bởi nó khiến trẻ tập trung hơn vào việc học tập, tuy nhiên cũng không nên để nó ảnh hưởng đến quá trình học tập. Chiến thắng vinh quang nhất là chiến thắng bản thân, chỉ cần trẻ cố gắng hết sức trong khả năng của mình mới là quan trọng nhất”, TS. Hồ Lâm Giang nói.

Theo TS. Hồ Lâm Giang, việc lập kế hoạch ôn thi khoa học, kết hợp với thời gian nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý là vô cùng quan trọng. Bởi khi tới kỳ thi, giấc ngủ không đủ với sự phát triển của cơ thể sẽ khiến năng lượng các em kiệt quệ, đó chính là lý do kéo sức khỏe thể lý và tinh thần của các em đi xuống và dễ mắc những vấn đề về tâm lý. Để phòng ngừa tình trạng này, phụ huynh nên giúp con có nhịp sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ điều độ.

Ngoài ra, hoạt động thể chất cũng rất quan trọng vì tập thể dục sẽ giải phóng endorphin - một chất hóa học giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu, thoải mái và thư giãn. Tập thể dục vừa phòng ngừa vừa chữa được những căn bệnh về tâm lý. Bơi lội, đạp xe và đi bộ là những cách tuyệt vời để trẻ chữa lành tâm trí và một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sức sống. Một thân thể khỏe mạnh, sảng khoái là nền tảng căn bản cho sự phát triển về tinh thần và trí tuệ. 

Tiếp theo, cha mẹ nên động viên và tin tưởng con, cho con biết rằng quan trọng nhất là con đã cố gắng và nỗ lực hết sức có thể, bên cạnh đó cũng cần cùng con lập kế hoạch để đón nhận mọi kết quả. Nếu con không đạt được nguyện vọng mong muốn thì có những phương án dự phòng phù hợp. Khi đó, con sẽ không bị quá “hụt hẫng” nếu kết quả không được như mong muốn.

Cuối cùng, hãy tìm đến nhà tâm lý học lâm sàng có uy tín hoặc bác sĩ tâm thần chuyên giúp đỡ trẻ em nếu bạn cảm thấy những dấu hiệu của con đã quá nghiêm trọng và cần được giúp đỡ. Hãy thảo luận với con trước về sự trợ giúp của chuyên gia để nhận được sự đồng ý từ con, từ đó con cũng sẽ có sự thoải mái với bác sĩ.

Nếu các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần gia đình nên can thiệp sớm để giúp đỡ con mình. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần, theo dõi thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận