16:08 06/02/2023

Cô giáo Thúy và những tiết học khiến học trò không muốn ra về

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà An

Hơn 10 năm làm giáo viên chữa nói ngọng, dạy cho cả trẻ bình thường lẫn trẻ em có phần “hơi đặc biệt”, cô giáo Thúy luôn tận tụy với từng trò nhỏ, yêu thương và kiên trì với các em. Vì thế, tiết học của cô giáo Thúy có khi đã kết thúc, nhưng học sinh vẫn lưu luyến cô, không muốn ra về.

Thạc sĩ Tráng Thị Thúy - Phó trưởng bộ môn phụ trách Ngành Quản lý Văn hóa, hiện đang là Nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc chữa nói ngọng cho trẻ.

Những lớp học can thiệp, sửa nói ngọng của cô Thúy luôn rất đông học trò. Trao đổi với cô mới biết, ngôn ngữ, chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể các kỹ năng sống mà trẻ cần có. Cô Thúy luôn miệt mài với con đường giảng dạy, rèn kỹ năng sống cho học trò.

ảnh 2
Cô giáo Tráng Thị Thúy với hơn 10 năm luyện nói ngọng và dạy kỹ năng sống cho trẻ (Ảnh: NVCC).

Yêu trẻ nhỏ nên luôn muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho các em

Cô Thúy tâm sự, ngay từ khi học cấp 2, cô đã thấy mình rất yêu các em bé, tình yêu đó ngày càng lớn lên theo năm tháng, vì thế, cô chọn theo ngành sư phạm, trở thành nhà giáo.

Là giảng viên của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, vì luôn yêu những ánh mắt trẻ thơ, cô Thúy lúc nào cũng ấp ủ dự định sẽ nghiên cứu và xây dựng chương trình dạy kỹ năng cho trẻ em. Sau đó, nhờ sự học hỏi, cô đã nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, trở thành người giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ.

ảnh 4
Vì yêu những ánh mắt trẻ thơ, cô Thúy nghiên cứu và xây dựng chương trình dạy kỹ năng cho trẻ em (Ảnh: NVCC).

“Trong sâu thẳm trái tim tôi rất mong muốn mọi trẻ em đều được trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để có thể tự tin lớn lên, phát triển toàn diện. Hiện nay, chúng ta đều biết, kỹ năng sống có vai trò rất quan trọng trong đời sống, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Giáo dục kỹ năng sống sẽ trang bị cho trẻ kiến thức, thái độ, cách thức phù hợp để từ đó hình thành nên những hành vi, thói quen tốt. Từ bỏ dần những thói quen xấu, tạo điều kiện để cho trẻ có thể xử lý các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày”, cô Thúy nói.

Giảng dạy kỹ năng sống rộng hơn và đối tượng lớn hơn nhiều so với chữa ngọng cho trẻ. Kỹ năng sống đòi hỏi sự giảng dạy của cô, tiếp nhận của trẻ liên tục trong một thời gian dài và cần không gian rộng để biến những lý thuyết trở thành những thói quen hàng ngày của trẻ.

Nhiều năm làm giáo viên chữa nói ngọng cho trẻ, kiên trì và tỉ mỉ, nhẫn nại, cô Thúy đã đưa những phẩm chất đó vào trong các lớp kỹ năng sống với mong muốn: Tất cả các em đều được phát triển toàn diện, khỏe mạnh, trở thành những trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát.

Vì thế, cô Thúy tỉ mỉ xây dựng bài giảng, hướng dẫn, đổi mới phương pháp giảng dạy kỹ năng sống cho các em. Cô kể: “Có lần, khi tôi dạy xong thì tất cả các con trong lớp chạy đến ôm cô và chưa muốn kết thúc giờ học. Điều đó khiến tôi thấy yêu nghề, yêu trẻ hơn nữa”.

Sau mỗi buổi học, cô Thúy thường dành thời gian để hỏi lại: “Các con đã học được những kỹ năng gì rồi”. Mỗi một câu trả lời đầy đủ, hào hứng của học trò chính là động lực lớn cho cô.

ảnh 3
Lớp học của cô Thúy về kỹ năng sống cho trẻ nhỏ luôn rất nhiều tiếng cười và sự thương yêu (Ảnh: NVCC).

Phụ huynh hãy dành thời gian bên con nhiều nhất có thể

Yêu trẻ, gắn bó với trẻ nên cô Thúy nhận ra rằng, hiện nay, có quá nhiều bố mẹ bận rộn với công việc hàng ngày nên ít giao tiếp với con. Trong khi đó, gia đình là môi trường quan trọng để cho các bé thực hành các kỹ năng được học ở trường, và gia đình là cái nôi hình thành nên nhân cách của trẻ.

Trong các giờ học kỹ năng sống, cô Thúy luôn trò chuyện với trẻ, để hiểu các con muốn gì, cần gì. Vì thế, cô luôn mong các bậc phụ huynh gần gũi và theo sát các con hơn nữa, vừa tạo ra sự gắn kết với con, vừa giúp con phát triển ngôn ngữ, phát triển thêm tình cảm gia đình và rèn luyện được các kỹ năng sống.

Cô Thúy cho rằng, rèn kỹ năng sống, kỹ năng học tập là một quá trình đòi hỏi có sư kết hợp quan trọng giữa gia đình và nhà trường và bao trùm lên tất cả là sự yêu thương, kiên trì với các con.

Với vai trò là chuyên gia chữa ngọng và giảng dạy kỹ năng sống trong 10 năm qua, cô Thúy nhận thấy nghề giáo có thật nhiều khó khăn. Nhưng để vượt qua những khó khăn ấy không gì hơn là tình yêu thương với trẻ và sự kiên trì.

Trong lớp học của cô Thúy có nhiều học trò mức độ nhận thức khác nhau, thói quen khác nhau. Làm thế nào để các con có thể hiểu và thay đổi các thói quen cũ để hình thành thói quen mới và có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày thì cần sự cố gắng của cả cô, trò và gia đình.

Cô phải hiểu từng trẻ, có ứng xử phù hợp với từng em, áp dụng các phương pháp giáo dục theo cá nhân, phối kết hợp với giáo dục theo nhóm tốt nhất, việc giáo dục trẻ mới hiệu quả.

ảnh 1
Cô Thúy tâm sự, bất cứ ngành nghề nào cũng cần dành thời gian và tâm sức, giáo viên cũng vậy (Ảnh: NVCC).

Với cô, công việc này phải gắn bó từ tình yêu, sự nhẫn nại. Và ở vai trò “làm thầy”, chính bản thân cô cũng phải có trách nhiệm để mỗi bài mình giảng dạy có hiệu quả tốt nhất.

Ở lớp của cô Thúy, những giờ giảng xong mà học trò vẫn chỉ muốn học thêm, không muốn về nhà, đối với cô đó là sự thành công và động viên không gì so sánh được.

Cô Thúy tâm sự, bất cứ ngành nghề nào cũng cần dành thời gian và tâm sức, giáo viên cũng vậy. Để có thể làm tốt các công việc hiện tại, cô có hậu phương vững chắc là chồng thấu hiểu, các con ngoan ngoãn luôn luôn động viên, hỗ trợ để cô có thể thực hiện những dự định công việc.

Trong năm 2023, cô Thúy tiếp tục tổ chức các lớp học kỹ năng sống, mong muốn mọi trẻ em được học kỹ năng nhiều hơn để các em có thể tự tin phát triển toàn diện.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận