Nghe theo tiếng gọi… 'cô ơi', mưu sinh vượt khó bám trụ với học trò
Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, bằng tình yêu nghề, bằng tiếng gọi "cô ơi" đầy ngọt ngào của con trẻ, giáo viên mầm non như được tiếp thêm lửa, vững tin trong hành trình nuôi dạy trẻ.
Khó khăn chồng khó khăn
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng hầu hết tới tất cả các ngành nghề. Trong đó, ngành giáo dục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khác với các cấp học còn lại, trong thời gian đầu, cấp mầm non bị “đóng băng” hoàn toàn việc dạy và học.
Đối với cấp học này, do trẻ còn quá nhỏ nên việc triển khai mô hình học trực tuyến là khá khó khăn. Tuy nhiên, không “đầu hàng” trước thử thách, ngành giáo dục nói chung và cấp hệ mầm non nói riêng vẫn luôn cố gắng tìm cách để có thể phối kết hợp, hỗ trợ cùng gia đình giáo dục trẻ tại nhà.
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà T.T.M. (nhân vật xin được phép giấu tên) - Phó hiệu trưởng một trường mầm non tại Hà Nội chia sẻ, khó khăn nhất trong thời gian nghỉ dịch chính là việc vẫn phải đảm bảo các hoạt động của nhà trường vẫn được diễn ra theo chỉ đạo của các cấp.
"Các cháu phải nghỉ ở nhà do dịch Covid-19 nhưng các giáo viên vẫn cố gắng, thường xuyên lên kế hoạch, tìm kiếm nhiều phương pháp, tuyên truyền và kết hợp với phụ huynh nuôi dạy trẻ tại nhà. Cùng với đó, nhà trường và giáo viên cũng lên kế hoạch xây dựng chương trình hỗ trợ gia đình bằng cách gửi video dạy trẻ cho phụ huynh. Tất cả nội dung đều phải được Ban giám hiệu duyệt trước”, bà M. cho hay.
Không chỉ khó khăn trong công việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường còn tâm tư vì cuộc sống riêng, chuyện gia đình, con cái,... Bà T.T.M. cho biết, có rất nhiều trường hợp giáo viên đã phải cố gắng tìm những công việc mưu sinh để kiếm thêm thu nhập như bán hàng online, làm thuê giặt là, bán rau, lau dọn nhà…
“Trường học đóng cửa vì dịch bệnh, nhiều giáo viên có con ốm đau cần kiếm thêm thu nhập để chữa bệnh cho con đã đi lau dọn nhà thuê. Có cô không may bị kẻ gian lấy mất chiếc xe máy, cho đến giờ vẫn chưa mua được xe mới, phải đi tạm chiếc xe cũ của chị gái”, bà M. trao đổi.
Luôn yêu nghề
Là lao động chính trong gia đình có 5 người, cô N.T.H. - giáo viên tại một trường mầm non ở Hà Nội, đã phải xoay xở rất nhiều nghề để kiếm thêm thu nhập trong giai đoạn trường học đóng cửa vì dịch bệnh.
Thế nhưng, cô H. vẫn luôn cảm thấy biết ơn vì vẫn còn có nghề để được làm việc và cống hiến.
“Tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều gia đình, những người ngoài kia không việc làm, không tích lũy, không thu nhập”, cô H giãi bày.
Suốt thời gian dịch Covid-19, cô H. vẫn luôn đảm bảo kế hoạch, chương trình, hỗ trợ học sinh thông qua việc gửi video và thường xuyên giữ liên lạc với phụ huynh qua Zalo, Facebook của lớp để trao đổi thông tin của trẻ, hướng dẫn cách chăm sóc, giáo dục, dinh dưỡng, vận động phù hợp… cho trẻ.
Để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, cô H. đã tìm hiểu, hỏi thăm rất nhiều mối quan hệ, may mắn được giới thiệu một số công việc kiếm thêm thu nhập, nỗi lo mưu sinh phần nào được giảm bớt.
“Trong thời điểm đỉnh dịch phải giãn cách xã hội, tôi nhận thêu chữ thập để có thêm thu nhập. Về sau, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, việc di chuyển, đi lại thuận lợi hơn thì tôi nhận dạy kèm học sinh theo giờ”, cô H. cho biết.
Nhìn lại quãng thời gian đó, cô H. chia sẻ luôn biết ơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ban giám hiệu nơi cô H. đang công tác đã luôn luôn động viên, gửi chế độ trợ giúp nhu yếu phẩm kịp thời trong suốt giai đoạn nghỉ dịch.
Điều đáng buồn nhất đối với cô H. trong thời điểm đó là nhiều trường mầm non mà các bạn cô gây dựng nhiều năm trước tuyên bố giải thể; nhiều đồng nghiệp bỏ nghề, phải chuyển sang công việc khác để duy trì cuộc sống do một phần quá khó khăn về kinh tế, một phần do áp lực lớn từ tính chất công việc.
Là một giáo viên mầm non nhiều năm bám nghề, cô H. phần nào hiểu được những băn khoăn, trăn trở đó. Ngay chính bản thân cô, cũng không ít lần phân vân, suy nghĩ nên tiếp tục ở lại với nghề hay bước trên một con đường khác.
Nhưng trên hết, với tình yêu nghề, mến trẻ cô H. vẫn quyết định ở lại. “Tôi vô cùng háo hức, vui mừng khi được quay lại trường. Dọn dẹp, tổng vệ sinh, khử khuẩn, trang trí trường lớp,... để sẵn sàng chào đón các con học sinh quay trở lại. Nhìn ngắm những gương mặt non nớt, xinh tươi, có tiếng khóc tiếng cười của trẻ… Tôi yêu tất cả những gì bình dị diễn ra mỗi ngày như thế”, cô kể.
Những ánh mắt dõi theo, tiếng gọi “cô ơi” đầy ngọt ngào, câu hỏi ngây thơ, tò mò “cô ơi, cô làm gì đấy?”, “cô ơi, cô đâu rồi?”… của con trẻ khiến những giáo viên mầm non như cô H. được tiếp thêm lửa và luôn sẵn sàng, tự tin quay lại với nghề. Các cô đã trở thành người mẹ thứ hai của các em học sinh thân yêu.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất