10:47 02/11/2023

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương: ‘Cần chú trọng hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em’

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Ngọc Quang

Vị Trưởng đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang nêu rõ thực trạng tỷ lệ trẻ em bị xâm hại gia tăng, có những vụ rất nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề.

Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội chiều ngày 1/11, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang bày tỏ sự thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp. Có thể nói, vượt lên những khó khăn chung của tình hình thế giới và khu vực, những kết quả Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua rất đáng trân trọng và đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

thanh-huong
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Đồng thời, vị Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, xuất phát từ nguyện vọng của cử tri, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ quan tâm nhiều hơn về công tác bảo vệ trẻ em.

Theo đại biểu, Nghị quyết số 121 của Quốc hội đặt ra yêu cầu kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em. Nhưng từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại đều có chiều hướng gia tăng. Chẳng hạn như tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình năm 2020 chiếm 5,55%, đến năm 2022 chiếm đến 7,5%.

“Đáng chú ý là một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng lại chính do người thân, người có trách nhiệm chăm lo, chăm sóc nuôi dưỡng cho trẻ em là thủ phạm. Những tình trạng đau lòng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và đòi hỏi các ngành, các cấp cần phải quan tâm nhiều hơn và sẽ có sự tập trung nhiều hơn đối với vấn đề này”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo Báo cáo số 500 của Chính phủ, một trong những nguyên nhân là do việc phối hợp thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em có mặt chưa hiệu quả; kinh phí dành cho công tác này hiện tại ở một số chương trình, đề án của địa phương thì chưa được quan tâm đúng mức.

Trước thực trạng đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề xuất với Quốc hội và Chính phủ hai nhóm giải pháp:

Một là, tăng cường chỉ đạo ưu tiên đảm bảo nguồn lực, đồng thời chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em.

Hai là, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp với các tổ chức, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn An Giang cũng đề nghị tăng cường bảo vệ người dân trên không gian mạng. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, gây bức xúc, hoang mang và bất an cho người dân. Từ việc đánh cắp thông tin, người dùng thường xuyên bị làm phiền với tin rác, cuộc gọi rác, các đối tượng còn dùng những chiêu thức lừa đảo hoặc đe dọa liên quan đến pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục An toàn thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ. Nhiều trường hợp người bị lừa không chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật hay thiếu thông tin về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mà còn có phần vì cả tin hoặc tâm lý hoang mang, mất bình tĩnh trước những lời đe dọa.

Bên cạnh việc người dân nâng cao kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường số, một trong những giải pháp căn cơ nữa đó là góc độ quản lý nhà nước. Từ quyết tâm và những cam kết của ngành, cử tri mong muốn những điều đó sớm trở thành hiện thực, đây là nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.

“Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng có những biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn để ngăn chặn tốt hơn vấn nạn lừa đảo trên điện thoại, trên internet, mạng xã hội, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dùng, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai gần”, bà Hương bày tỏ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận