Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Thi vào 10 là quyền của học sinh, không ai được ngăn cản
"Thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền lợi hợp pháp của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi lớp 10 công lập của các em", ông Trần Thế Cương nêu rõ.
Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, vấn đề về việc vận động học sinh có học lực chưa tốt không thi vào các trường công lập đã trở thành tâm điểm của sự quan tâm của dư luận và phụ huynh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội - ông Trần Thế Cương, đã lên tiếng khẳng định: "Thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền lợi hợp pháp của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi lớp 10 công lập của các em".
Ông Trần Thế Cương cũng đưa ra đề nghị chặt chẽ đến các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã nhằm nêu cao tinh thần tôn trọng quyền lợi của học sinh và tạo điều kiện thuận lợi để các em đăng ký thi vào lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng.
Theo công văn số 1341/SGDĐT-GDTrH ngày 6/5 gửi đến các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã về tổ chức dạy học trong học kỳ II và tổng kết năm học 2023 - 2024 cấp THCS, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh về việc định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025.
Sở yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các đơn vị rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu có bất kỳ tình trạng nêu trên. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn không được vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo (nếu có).
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ ràng để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, tiến hành các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá để phân luồng học sinh. Đặc biệt, việc khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 về các môn ngữ văn, toán, tiếng Anh cũng được nhấn mạnh để đảm bảo chất lượng ôn luyện và chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10.
Các đơn vị đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng trong việc đánh giá năng lực và sự tiến bộ của học sinh trong kỳ thi tuyển sinh. Sở cũng lưu ý đến việc chặt chẽ, đúng quy chế ở tất cả các khâu biên soạn, phê duyệt đề thi, coi thi, chấm thi và nhận xét, đánh giá học sinh.
Đầu tháng 6, các tỉnh, thành sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Kỳ thi này tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... luôn được ví là "căng thẳng hơn thi đại học" do hệ thống trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh.
Những năm trước, tại Hà Nội có tình trạng một số giáo viên vì thành tích đã yêu cầu học sinh (lớp 9) có học lực không tốt không thi lớp 10 hoặc đăng ký ở những trường ngoại thành khiến phụ huynh bức xúc.
Năm nay, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 133.000 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 4.000 em); có gần 110.000 thí sinh sẽ đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập; số được tuyển vào trường công lập khoảng 81.200 em (hơn 61%).
Kỳ thi lớp 10 công lập thực hiện theo phương thức thi tuyển; diễn ra ngày 8-9/6 với 3 môn thi (toán, ngữ văn, ngoại ngữ). Hà Nội dự kiến chậm nhất ngày 2/7 công bố điểm thi; chậm nhất 9/7 công bố điểm chuẩn; các trường nhập học trực tuyến từ 13 giờ ngày 10/7 đến 12/7; nộp hồ sơ nhập học từ 19/7 đến 22/7.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất