16:13 27/12/2023

Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên: “Hãy vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Trên thực tế, nhiều phụ huynh khi con hỏi về vấn đề thay đổi tâm sinh lý thường lảng tránh hoặc trả lời qua loa, chiếu lệ vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tân Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng Cục dân số - Bộ Y tế và chuyên gia tâm lý Hồng Hương, vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng vẫn tốt hơn.

Ngày 26/12, tại Hà Nội, hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về Dân số năm 2023 và Ngày Dân số Việt Nam (26/12/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam phối hợp với Tổng Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao nhận thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên” nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khoẻ tình dục, giới tính, bình đẳng giới cho các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên.

Tọa đàm có sự tham dự của Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tân Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng Cục dân số - Bộ Y tế; Chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực tại Thư viện lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự góp mặt của các khách mời. Thông qua buổi tọa đàm, phụ huynh và các em học sinh sẽ có cái nhìn đầy đủ và tích cực về giới tính và tình dục, đồng thời các em sẽ có thêm những kiến thức  về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Huy - Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam cho hay, tọa đàm “Nâng cao nhận thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên” được tổ chức đúng Ngày dân số Việt Nam 26/12 và tháng Hành động Quốc gia về Dân số.

toạ đàm Tạp chí Trẻ em Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Huy - Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam tặng hoa các chuyên gia tham dự toạ đàm (Ảnh: Hoài Linh).

“Điều này thật sự ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Tọa đàm chia làm 2 phần gồm: Phần 1 - Tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên; Phần 2 - Biện pháp nâng cao nhận thức và cách phòng vệ đúng cách.

Hệ lụy nghiêm trọng khi không được tuyên truyền đúng cách chăm sóc, bảo vệ SKSS vị thành niên

Trong phần đầu tiên của Tọa đàm, diễn giả đã trao đổi về những dấu hiệu để có thể dễ dàng nhận biết trẻ bắt đầu dậy thì là từ sự thay đổi bên trong (tâm lý) và bên ngoài (sinh lý). Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tân Sơn chia sẻ, những dấu hiệu trên cơ thể có thể dễ dàng nhận biết là khi con gái bắt đầu có kinh nguyệt, con trai có “giấc mơ ướt”.

Bên cạnh đó, về tính cách cũng có sự thay đổi rõ rệt, bởi lúc này hoocmon thay đổi, nhu cầu giải phóng dopamine lớn nên khi không được đáp ứng theo mong muốn, trẻ thường có biểu hiện dễ phản ứng mạnh trong quan hệ đối nhân xử thế với gia đình, xã hội... Trong sự thay đổi đó, các bậc cha mẹ cần để ý và có những điều kiện chăm sóc phù hợp về mặt dinh dưỡng, thể chất.

Theo chuyên gia Nguyễn Tân Sơn, ở độ tuổi vị thành niên, các em rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em rất dễ có các nguy cơ: quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, phá thai để lại một số hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, sinh thiếu cân, đẻ non, nhiễm trùng tử cung, thủng tử cung dẫn tới vô sinh,... Đây là gánh nặng cho bản thân các em, gia đình và xã hội.

toạ đàm
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tân Sơn và chuyên gia tâm lý Hồng Hương chia sẻ tại toạ đàm (Ảnh: Hoài Linh).

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho biết thêm, mang thai ở tuổi vị thành niên cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thể chất và nguy cơ căng thẳng khủng hoảng về tâm lý cũng như phát triển trí tuệ sau này.  

Nhiều bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn có tâm lý hoang mang, sợ hãi vì không tìm được hướng giải quyết, tình trạng này kéo dài dẫn đến rối loạn lo âu và nặng hơn là trầm cảm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Vì định kiến của xã hội cũng như sự trách móc của cha mẹ, các bạn thường không dám thông báo với gia đình, bạn bè mà tự xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ.

Bố mẹ nên "vẽ đường cho hươu chạy" đúng hướng

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tân Sơn, nguyên nhân đầu tiên khiến xảy ra những hệ luỵ trên là do chính các em vị thành niên. Các em vẫn còn thiếu, thậm chí không có kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Thứ hai là từ phía gia đình, bố mẹ không dành thời gian làm bạn với con, không có những cuộc trò chuyện, tâm sự giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Trong khi đây lại là chìa khóa giúp các em biết cách bảo vệ mình, giữ gìn bản thân, kỹ năng biết từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn bè, cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để tránh những nguy cơ xấu.

Và nguyên nhân thứ ba là trường học vẫn chưa trang bị cho các em những kiến thức cơ bản cần thiết, nội dung tuyên truyền chưa đúng trọng tâm,...

Em Mai Thị Thu Hiền - một trong những khách mời bộc bạch: "Mặc dù ở trường, chúng em được thầy, cô giáo cung cấp những kiến thức về giới tính nhưng tâm lý của đa số học sinh vẫn còn e ngại, xấu hổ nên chưa dám chia sẻ những suy nghĩ, thắc mắc của mình về giới tính.

Vì không thể tự giải thích được những thắc mắc của mình nên em rất cần sự chia sẻ của bố, mẹ về giới tính, về bạn khác giới cũng như cách xử lý những tình huống không lành mạnh để không bị ảnh hưởng đến tình bạn. Tuy nhiên, bố mẹ lại chỉ nghiêm cấm em thích bạn khác giới”.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ở trẻ vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Hồng Hương
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, trẻ vị thành niên luôn có nhu cầu chia sẻ, bộc bạch về bản thân mình, nhưng đôi khi chưa nhận được mối quan tâm đúng cách từ gia đình (Ảnh: Hoài Linh).

Nhiều người lớn gặp phải vấn đề, đôi lúc còn lúng túng khi nói chuyện với con trẻ. Rất nhiều ông bố, bà mẹ khi có con hỏi về vấn đề thay đổi sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên thường lảng tránh sang chuyện khác, hoặc trả lời qua loa, chiếu lệ vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cho rằng: “Vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng vẫn tốt hơn rất nhiều”. 

“Nếu ở trường lớp chỉ dạy một cách qua loa như hướng dẫn sử dụng bao cao su với một quả dưa chuột khi trẻ vẫn đang độ tuổi hồn nhiên, vô tình sẽ khiến các em sẽ trở nên hiếu kỳ và muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Nếu không được giáo dục đầy đủ, dẫn đến xảy ra những câu chuyện đáng tiếc và đau lòng ở lứa tuổi các em mà ta thường thấy, thì quả thật đây chính là ví dụ điển hình của câu nói “vẽ đường cho hươu chạy”, bà Hương cho biết.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, điều này cho thấy có một cuộc khủng hoảng trong nhận thức và giáo dục từ phía gia đình, bản thân phụ huynh của các em chưa được tiếp cận được với kiến thức giáo dục giới tính đúng cách. Ngày nay cuộc sống vô cùng hiện đại, trẻ có thể dễ dàng tìm hiểu mọi thông tin trên google, mạng xã hội,...

Do đó, vai trò của gia đình và nhà trường trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên là vô cùng thiết yếu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phụ huynh mang kinh nghiệm của bản thân để làm gương nuôi dạy con mà phải học một cách bài bản về việc tư vấn, hướng dẫn các con về sức khỏe sinh sản.

Bà cho rằng, giải pháp chung là, gia đình, nhà trường cần tạo ra một bầu không khí tâm lý tốt cho trẻ phát triển, định hướng cho trẻ một nền giáo dục thiện chí và toàn diện. Nếu trẻ có chỗ nào không hiểu khi tiếp cận với cái mới hoặc gặp khó khăn trẻ sẽ hướng về chia sẻ với gia đình mà không tìm kiếm những mối quan hệ không phù hợp ở bên ngoài.  

Trẻ vị thành niên luôn có nhu cầu chia sẻ, bộc bạch về bản thân mình, nhưng gia đình hay những người thân xung quanh lại ít tạo được sự gần gũi cho chính bản thân những đứa trẻ. Vì vậy, phụ huynh không nên quá hà khắc mà hãy cởi mở, chủ động hỏi han con trẻ, lắng nghe những câu chuyện gần gũi liên quan đến tình cảm, tâm sinh lý. Ngoài ra, nhà trường cần gạt bỏ những thứ rườm rà, đưa giáo dục về giới và giới tính, sức khoẻ trở thành nội dung bắt buộc để học sinh không ngần ngại, xấu hổ khi đề cập tới. 

Tại phần thảo luận, hai chuyên gia đã cùng nêu ý kiến đóng góp, bình luận về chủ đề của Tọa đàm và giải đáp các câu hỏi của các khách mời.

Các diễn giả tại chương trình nhất trí chọn từ khoá “Học về tình yêu” nhằm nhắn nhủ tới trẻ vị thành niên: “Mọi cảm xúc giới tính xuất hiện ở tuổi dậy thì của các em đều rất đáng trân trọng. Nhưng cùng với đó, các em cần tìm hiểu các phương pháp để tình yêu phát triển đúng hướng và phù hợp với chuẩn mực xã hội, khiến nó có ảnh hưởng tích cực đến quá trình học tập của các em. Việc giáo dục giới tính cho các em là một điều cần thiết, các em cần tham khảo các thông tin về giới tính, các chuyên đề về tình bạn, tình yêu để có nhận thức rõ ràng hơn, minh bạch hơn… về tình bạn khác giới và tình yêu đôi lứa”.

z5013297743209_61ec93486ab415bd981333c97676823c-150130
Toạ đàm có sự tham gia của Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tân Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng Cục dân số - Bộ Y tế; Chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực tại Thư viện lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các khách mời (Ảnh: Hoài Linh).

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận