Giáo viên trường V.School đột nhập nhà học sinh: Nói với con thế nào?
Từ sự việc giáo viên trường V.School đột nhập nhà học sinh trái phép, nhiều phụ huynh cho biết đã phải trang bị cho con thêm nhiều kỹ năng tự bảo vệ.
Vụ việc giáo viên dạy tiểu học tên V.M.Tr tại trường V.School (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị phát hiện đột nhập nhà phụ huynh nghi trộm cắp tài sản cho tới nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Liên quan tới vụ việc này, sau khi thông tin cô Tr. đột nhập nhà riêng lan rộng, nhiều phụ huynh phản ánh con của họ khi học lớp 2A8 đã bị cô Tr. hỏi mã khóa cửa, bị đột nhập vào nhà rồi dập cầu giao điện để thực hiện hành vi trộm cắp, đề nghị nhà trường có trách nhiệm giải quyết. Mặc dù cô Tr. đã bị sa thải, nhưng trách nhiệm của trường V.Shool như thế nào và các phụ huynh cần làm gì bảo vệ con trước sự lợi dụng từ những người xấu?
Từ vụ việc trên, Tạp chí Trẻ em Việt Nam ghi nhận ý kiến của nhiều độc giả có con nhỏ nhằm trang bị kiến thức - kỹ năng cần thiết ngăn chặn sự việc tương tự có thể xảy ra.
Nói thật với con sự việc giáo viên trường V.School đột nhập nhà học sinh
Chị Mai Thủy có con lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Vụ việc giáo viên hỏi mật khẩu nhà học sinh nhằm mục đích đột nhập vào nhà trộm cắp tại huyện Gia Lâm đặt ra vấn đề cho gia đình tôi phải chủ động cung cấp thêm kỹ năng cần thiết để con biết tự bảo vệ.
Quan điểm của tôi, cách tốt nhất là phải nói thật cho con biết về vụ việc có giáo viên hỏi mã khóa nhà học sinh nhà để đột nhập trái phép lấy cắp đồ đạc, bởi chỉ có sự thật thì mới cho các con thấy được mức độ nguy hiểm khi chúng vô tình để lộ thông tin riêng tư.
Trẻ con vốn rất thật thà và chúng không hề có lỗi khi nói ra sự thật riêng tư, nhưng người lớn chúng ta phải chủ động giải thích cho con và phải nói nhiều lần để con ghi nhớ và dần hình thành kỹ năng biết tự bảo vệ mình trước sự tò mò của người khác.
Chẳng hạn như tôi đã nói với con rằng, mật khẩu vào nhà chỉ có bố mẹ và hai con được biết, tuyệt đối không được nói cho ai biết và hàng ngày tôi vẫn hay kiểm tra lại xem con có nhớ lời mẹ dặn không?
Không chỉ là câu chuyện mật khẩu vào nhà, mà tôi còn nhắc con thường xuyên không cung cấp thông tin riêng tư của gia đình cho người lạ dù đó là cô giáo dạy con ở lớp, thí dụ như nhà con ở tầng nào tòa nhà nào, bố mẹ có hay đi công tác không, hằng ngày nghỉ con ở nhà với ai…?
Đó đều là những câu hỏi riêng tư có thể không mang hàm ý xấu, nhưng trẻ con thường rất hồn nhiên là chúng vô tình nói ra thông tin khiến cho những người có ý đồ xấu khai thác và sử dụng vào những mục đích không trong sáng.
Về phía nhà trường hiện nay cũng có các lớp dạy kỹ năng sống, theo tôi cũng cần đưa vấn đề này vào để giúp học sinh nâng cao khả năng tự bảo vệ mình trước sự soi mói của người lạ, phải có những tình huống làm mẫu cụ thể và chỉ cho các con biết trả lời như thế nào là đúng, thế nào là đã bị lộ thông tin riêng tư.
Nhà trường cũng có thể cân nhắc để cấm giáo viên, nhân viên tuyệt đối không được hỏi thông tin riêng tư của gia đình học sinh và phải có hình thức kỷ luật nếu vi phạm”.
Anh Hoàng (phụ huynh có con học lớp 3 tại quận Ba Đình) cũng cho biết, sau khi có thông tin một giáo viên trường V.School tại huyện Gia Lâm hỏi mật khẩu cửa vào nhà của học sinh thì gia đình phải ngay lập tức trò chuyện với con, giúp con ghi nhớ không chia sẻ thông tin mã khóa cửa và thông tin của bố mẹ, cho dù đó là giáo viên, bạn học hay kể cả hàng xóm.
“Vụ việc nữ giáo viên lợi dụng trẻ nhỏ để hỏi mật khẩu vào nhà là vấn đề vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, tôi cho rằng chính trong ngôi trường xảy ra vụ việc ấy phải nhìn nhận và thông báo rộng rãi cho toàn bộ phụ huynh biết để cùng giúp con ngăn chặn nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra. Nhà trường cũng phải ra lệnh cấm tuyệt đối giáo viên không được phép khai thác những thông tin như vậy với học sinh.
Và ở góc độ rộng hơn, tôi cho rằng qua vụ việc này các trường cũng phải có hành động tương tự, đồng thời giúp cho trẻ nhỏ hình thành kỹ năng tự bảo vệ, không chia sẻ thông tin riêng tư với bất kỳ ai.
Về phía cơ quan chức năng, tôi cho rằng sau khi điều tra làm rõ cần thông tin rộng rãi với công chúng, đồng thời nêu những gợi ý giúp các bậc phụ huynh có giải pháp trang bị kỹ năng cho con phòng tránh người xấu lợi dụng”, anh Hoàng bày tỏ.
Nên có sự chia sẻ và tránh sự gay gắt
Chị Minh Thảo (nhà tại Tây Hồ, có con là học sinh lớp 3) cho biết: “Khi đọc được sự việc trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, gia đình tôi cũng đã có những ý kiến thảo luận nghiêm túc từ các thành viên trong gia đình. Chúng tôi cũng đã có những phân tích cụ thể cho các con về nguy cơ từ người ngoài gia đình.
Tôi cho rằng đây là việc khá nghiêm trọng bởi ở độ tuổi tiểu học, ngoài gia đình, giáo viên là những người được con trẻ tin tưởng nhất. Do đó, gia đình tôi đã thẳng thắn trao đổi với con về những thông tin cần phải giữ bí mật trong đó có việc giữ bảo mật chìa khóa của gia đình.
Chúng tôi cũng phân tích cho con về việc giữ bí mật với những ai để có thể bảo vệ bản thân và gia đình. Thực chất các con còn nhỏ không thể nhận diện được đâu là người lạ tốt, đâu là người lạ xấu. Chính vì vậy mức độ nói chuyện của gia đình luôn cố gắng đảm bảo sự hài hòa, tránh cho con những suy nghĩ tiêu cực về các cô giáo hoặc những người thân xung quanh.
Bên cạnh đó, qua sự việc, chúng tôi nghĩ về phía nhà trường cũng nên có một số quy định không tìm hiểu quá sâu về gia đình các em. Đảm bảo sự an toàn và tránh những ý đồ xấu khi có điều kiện phát sinh”.
Anh Hữu Kiên (nhà ở Hà Đông, có con là học sinh lớp 4) cho rằng: “Đây là sự việc khó, nhiều gia đình cũng chưa có sự chuẩn bị trước. Chúng ta vẫn thường dạy trẻ đề phòng với người lạ và có vấn đề gì nói với bố mẹ, thầy cô giáo, do vậy nếu nói với các con đề phòng cả cô giáo mình điều đó tôi cho rằng không phải lẽ lắm.
Tuy nhiên, nếu các gia đình thường xuyên nói chuyện, trao đổi với con hơn. Ví dụ như hôm nay nói chuyện với cô giáo những gì, nói chuyện với ai… qua câu chuyện có thể phân tích, trao đổi với các con về nội dung cuộc nói chuyện. Khi đề cập đến 1 số bí mật, cha mẹ nên chia sẻ với con về việc cái nào nên chia sẻ với ai…
Gia đình chúng tôi cũng đã đọc được sự việc trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Chúng tôi cũng rất tán đồng với ý kiến các chuyên gia đã chia sẻ. Cũng thấy rằng giáo viên này cũng đã hỏi mật khẩu và đột nhập vào nhà nhiều em học sinh. Chính vì thế việc nói chuyện với các con thường xuyên tôi cho rằng đó là điều cần thiết.
Về phía nhà trường, tôi cũng cho rằng nếu có thể, các nhà trường nên có những quy định cụ thể để tránh sự việc lặp lại. Cần thiết thì lấy câu chuyện đã xảy ra làm gương để tuyên truyền cho học sinh và giáo viên”.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất