10:37 22/09/2022

Hãy vì quyền lợi của con trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Đối với các bậc cha mẹ, nếu không thể duy trì cuộc sống hôn nhân, khi ly hôn hãy nghĩ về quyền lợi của những đứa trẻ.

Những năm gần đây, người Việt kết hôn với người nước ngoài tăng cao. Bên cạnh những cặp đôi có cuộc sống hạnh phúc cũng có không ít trường hợp hôn nhân tan vỡ. Qua theo dõi các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, tôi thấy phụ nữ Việt Nam thường chịu thiệt thòi do không rành luật. 

hay-vi-quyen-loi-cua-con-tre_221663696937

Suốt 15 năm qua, chị H.T.H. (ngụ TPHCM) luôn ngày đêm trông ngóng mong được gặp lại con đã theo cha sang Đài Loan sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Khoảng 20 năm trước, chị H. kết hôn với một người đàn ông Đài Loan và sinh sống tại TPHCM. Sau khi sinh con, vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn, phải ly hôn. Ra tòa, gia đình bên chồng thuyết phục rằng họ có điều kiện kinh tế tốt nên chị H. phải nhường lại quyền nuôi con.

“Lúc đó tôi nghĩ bên chồng có công ty ở TPHCM nên sẽ ở đây lâu dài. Họ có điều kiện kinh tế khá giả nên con trai tôi sẽ có cuộc sống đầy đủ, còn tôi vẫn có thể đến thăm cháu thường xuyên. Không ngờ, sau đó chồng tôi lại âm thầm mang cháu về Đài Loan, gần như cắt đứt liên lạc”, chị H. kể lại, rồi ngậm ngùi: “Do thiếu hiểu biết pháp luật nên tôi phải xa con từ đó tới nay. Nhà chồng hứa khi con trai tôi đủ 18 tuổi sẽ cho cháu về thăm mẹ. Nhưng không chắc họ có giữ lời hứa không”.

Đối với các trường hợp ly hôn ở nước ngoài, người phụ nữ Việt Nam lại càng chịu thiệt thòi, nhất là ở những quốc gia lấy tiêu chí về kinh tế của cha mẹ để quyết định quyền nuôi con. Qua thực tế tư vấn về hôn nhân và gia đình, tôi nhận thấy, có khá nhiều phụ nữ Việt Nam đang học tập, lao động… ở nước ngoài rồi làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan hộ tịch của nước đó cho thuận tiện. Trong khi đó, theo Luật Hộ tịch Việt Nam, giấy đăng ký kết hôn ở nước ngoài có hiệu lực và giá trị pháp lý ở nước ngoài nhưng chưa được công nhận ở Việt Nam và chưa có giá trị pháp lý ở Việt Nam (trừ các trường hợp đăng ký tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài như đại sứ quán, lãnh sự quán) nên không thể xử ly hôn theo pháp luật Việt Nam.

Nhằm bảo hộ cho công dân Việt Nam, Luật Hộ tịch có ban hành định chế “ghi vào sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài”, trong đó có việc kết hôn, khai sinh. Việc này còn giúp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quản lý được các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, góp phần phòng tránh việc vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. 

Như vậy, các cặp vợ chồng có quyền tự do chọn quyền đăng ký kết hôn tại cơ quan hộ tịch nước ngoài sao cho giản tiện, nhưng sau đó, cần phải về Việt Nam ghi chú, công nhận việc kết hôn đó tại cơ quan hộ tịch Việt Nam. Song, nhiều người đã không làm đúng thủ tục này. 

Theo đó, những trường hợp đã kết hôn ở nước ngoài nhưng không làm thủ tục ghi chú ở Việt Nam, nếu có nhu cầu xin ly hôn ở Việt Nam sẽ không được tòa án ở Việt Nam thụ lý giải quyết. 

Đối với các trường hợp đăng ký kết hôn ở nước ngoài, nếu người chồng (là người nước ngoài) xin ly hôn ở nước ngoài thì tòa án địa phương ở nước đó sẽ giải quyết theo pháp luật của họ. Khi đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ cùng đứa trẻ chưa thành niên có thể sẽ không được ưu tiên bảo vệ như các trường hợp ly hôn được xét xử ở Việt Nam theo hệ thống pháp luật Việt Nam, chẳng hạn như quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi của người mẹ, quyền lợi về tài sản của mẹ và con…

Để bảo vệ những đứa trẻ, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam còn quy định áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình khi xử ly hôn, cũng như khi giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con để phán quyết một cách phù hợp nhất trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, chứ không phải vì quyền lợi của người cha hoặc người mẹ.

Theo một số khảo sát, các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài ở nước ta tăng cao trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân liên quan đến mục đích hôn nhân không tốt đẹp. Ngoài ra, do mỗi quốc gia có phong tục tập quán, nền văn hóa khác nhau nên quan niệm sống và quan niệm về hôn nhân không giống nhau cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong những gia đình Việt lấy người nước ngoài. 

Tình trạng ly hôn có yếu tố nước ngoài đang là vấn đề đặt ra đối với nhiều quốc gia trên thế giới và chỉ có thể giải quyết bằng pháp luật. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài là rất cần thiết. 

Đối với các bậc cha mẹ, nếu không thể duy trì cuộc sống hôn nhân, khi ly hôn hãy nghĩ về quyền lợi của những đứa trẻ. Đừng tước mất người thân của trẻ vì sự ích kỷ của mình. 

Theo Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM)/Báo Phụ nữ TP. HCM

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận