Khoảng 20% trẻ em chưa biết về quyền của mình
Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam thực hiện năm 2024 nêu kết quả tích cực là có hơn 60% trẻ em đã tiếp cận quyền của mình, nhưng còn khoảng 20% chưa biết đến nội dung này.
Trong khuôn khổ Hội thảo tổng kết Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" (AVAC) được tổ chức vào ngày 12/11, Cục Trẻ em, Bộ giáo dục, Thành đoàn TP.HCM, Tổ chức cứu trợ trẻ em (SC), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), Chương trình kỷ tích cực (PDEP) đã cùng trao đổi và thảo luận về chủ đề: Lắng nghe trẻ em để bảo vệ trẻ em.
20% trẻ em chưa từng nghe nói đến quyền trẻ em
Bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) - đại diện Ban tổ chức cho biết, Báo cáo “Đánh giá sự tham gia của Trẻ em Việt Nam” (Tiếng nói Trẻ em Việt Nam) do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam thực hiện năm 2024 đã có những phát hiện tích cực.
Hơn 60% trẻ em tiếp cận các kiến thức, thông tin về quyền trẻ em thông qua mạng xã hội. Đây là một phát hiện quan trọng để từ đó tập trung các bên có thể xem xét, khai thác vấn đề liên quan đến truyền thông, cung cấp kiến thức trên môi trường mạng sao cho hiệu quả để trẻ có thể dễ dàng tiếp cận.
Ngoài ra, gần 60% trẻ em cho rằng, các con thường xuyên được lắng nghe, thấu hiểu khi chia sẻ ý kiến với bố mẹ, thầy cô giáo.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những khoảng trống về sự tham gia của trẻ em như: 20% trẻ em chưa từng nghe nói đến Công ước quốc tế về quyền trẻ em; 88,3% trẻ từng bị mắng chửi trong gia đình, 77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường. Đặc biệt, trẻ em vẫn chưa có những cuộc trao đổi, đối thoại để chia sẻ tâm tư, tình cảm với Ban Giám hiệu nhà trường; Sự tham gia của các con nơi mình sinh sống vẫn còn hạn chế; Môi trường mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thông tin độc hại;...
Bà Trần Vân Anh chia sẻ một số đề xuất của trẻ em để giảm thiểu thực trạng này như sau:
Thứ nhất, bố mẹ cần được truyền thông, giáo dục để hiểu về quyền của trẻ.
Thứ hai, các thầy cô cần lắng nghe học sinh, xây dựng câu lạc bộ để các con có cơ hội chia sẻ nhiều hơn.
Thứ ba, học sinh cần được tiếp huấn cung cấp thông tin về quyền trẻ em.
Người lớn đóng vai trò quan trọng để trẻ được lắng nghe, nói lên tiếng nói của mình
Bà Lê Thanh Thuỷ - Giảng viên quốc gia của Chương trình Kỷ luật tích cực (PDEP) cho biết, gia đình là ngôi nhà đầu tiên nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng của trẻ, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Khi trẻ em được trao quyền, tạo điều kiện và tin tưởng, trẻ em sẽ tự tin khám phá và phát triển bản thân. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng năng lực cho trẻ em, cha mẹ/người chăm sóc cũng là một trong những đối tượng quan trọng để tạo ra một môi trường an toàn, nơi trẻ được tự do thể hiện ý kiến và theo đuổi đam mê.
“Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu cho con cái. Khi cha mẹ biết lắng nghe và thấu hiểu bản thân, trẻ em sẽ học được cách làm điều tương tự. Sự tự tin, trưởng thành của trẻ được hình thành từ những quan sát và học hỏi từ chính những người thân yêu nhất”, bà Thuỷ nói.
Để tiếng nói của trẻ em được lắng nghe một cách hiệu quả, bà Đoàn Thu Hiền - Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe liên tục mỗi ngày, ngay từ trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Việc lắng nghe ý kiến của con em mình mỗi ngày tại mọi nơi sẽ giúp trẻ em cảm thấy được tôn trọng và khuyến khích bày tỏ ý kiến.
“Để lắng nghe trẻ một cách hiệu quả, chúng ta cần tôn trọng trẻ như những cá nhân độc lập với những suy nghĩ riêng biệt. Dự án AVAC đã đóng vai trò cầu nối, giúp cho tiếng nói của trẻ em được lắng nghe và chuyển tải đến các cơ quan nhà nước. Nhờ đó, các ý tưởng của trẻ em có cơ hội được hiện thực hóa thông qua các hình thức khác nhau”, bà Đào Thu Hiền nói.
Qua quá trình lắng nghe ý kiến của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận thấy rằng trẻ em có những góc nhìn rất độc đáo và sáng tạo về cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh nghiệm, trẻ em chưa thể diễn đạt những tâm tư, tình cảm của mình một cách đầy đủ. Để những ý tưởng này được lắng nghe và thực hiện, các tổ chức xã hội với vai trò là cầu nối giữa trẻ em và cộng đồng cần tiếp tục hỗ trợ trẻ em trong việc văn bản hóa và hệ thống hóa để có thể truyền đạt những ý kiến tới cơ quan nhà nước.
Tầm quan trọng của các chương trình tập huấn thiết thực
Bà Tống Thị Nga - Quản lý Lớp học Trẻ điếc C5 (đồng thời là một phụ huynh có con là trẻ điếc) chia sẻ, sau khi có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, một số em học sinh lớp C5 nhận ra mình còn thiếu nhiều kiến thức về quyền trẻ em và cách phòng tránh nguy cơ trong thời đại số. Đồng thời, các em đã nhận thấy tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức về quyền trẻ em, do đó, các em đã bày tỏ mong muốn được tổ chức các buổi chia sẻ lại kiến thức cho các bạn khác.
Dù gặp một số khó khăn ban đầu trong việc truyền đạt do hạn chế về ngôn ngữ, nhưng với sự hỗ trợ của thầy cô, các em đã hoàn thành tốt 2 chương trình và nhận được phản hồi tích cực. Nhiều bạn học sinh đã chia sẻ rằng các buổi chia sẻ này rất bổ ích và giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống. Điều này cho thấy, việc tổ chức các buổi tập huấn trực tiếp là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với các bạn khiếm thính.
Em Sơn, một học sinh lớp C5 dành cho trẻ khiếm thính chia sẻ, em rất may mắn khi là một trong những bạn học sinh tham gia vào chương trình tập huấn về quyền trẻ em. Ban đầu em gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của giáo viên, Sơn đã không chỉ hiểu rõ kiến thức mà còn có thể chia sẻ lại cho các bạn cùng lớp. Sự tiến bộ của Sơn là một minh chứng rõ ràng cho thấy với sự hỗ trợ đúng đắn, trẻ khiếm thính hoàn toàn có thể tiếp cận và hiểu được những thông tin quan trọng.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất