Làm gì để trẻ em Việt lớn lên với tuổi thơ không áp lực?
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Để trẻ em Việt lớn lên với tuổi thơ không áp lực”. Với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học, các cán bộ, giáo viên, phụ huynh, hướng đến mục tiêu tạo diễn đàn chia sẻ thực trạng những yếu tố ảnh hưởng gây áp lực cho trẻ em tiểu học.
Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: “Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, trẻ em đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ học tập, gia đình và xã hội. Những áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn làm giảm đi niềm vui và sự hồn nhiên của tuổi thơ. Áp lực học tập, kỳ vọng từ gia đình và sự cạnh tranh trong xã hội là những yếu tố chính gây ra tình trạng này”.
Làm thế nào để trẻ đạt được thành tích tốt, phát huy được tối đa năng lực của mình mà không bị chịu áp lực, kỳ vọng thầy cô và cha mẹ, cũng không quá dễ dãi với bản thân để các em vẫn được sống vui vẻ, thoải mái.
GS. Lê Anh Vinh khẳng định tầm quan trọng của bậc tiểu học là tạo nền tảng tốt để các em bước đi chặng đường dài, hình thành cách tự học lâu dài cho học sinh không đặt nặng thành tích, áp lực lên các em.
Do vậy, việc các nhà nghiên cứu, nhà quản lí và cha mẹ học sinh nhận diện được áp lực của trẻ, hiểu được những áp lực đó, đồng thời có được những tư vấn hỗ trợ, giải pháp giáo dục phù hợp để trẻ em có thể phát triển một cách toàn diện, hạnh phúc và vô tư và được là chính mình là vấn đề cần được quan tâm.

Trong phần chia sẻ về nội dung “Hiểu về áp lực học tập và đồng hành cùng học sinh Tiểu học”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận và ThS. Phạm Thị Phương Thức đã phân tích bức tranh áp lực học tập của học sinh Tiểu học, bao gồm cả mặt tích cực (động lực phấn đấu) và tiêu cực (ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần).
Áp lực học tập xuất phát từ cả bên trong và bên ngoài, chủ yếu từ cha mẹ và nhà trường: Cha mẹ kỳ vọng cao, phong cách giáo dục độc đoán, cắt giảm thời gian vui chơi, sở thích của trẻ để tập trung học tập. Nhà trường đưa yêu cầu cao của chương trình học, áp lực điểm số của thi cử và sự so sánh giữa các học sinh.
Áp lực học tập ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ (tật khúc xạ, lạm dụng chất kích thích) và tâm thần (lo âu, trầm cảm, giảm lòng tự trọng), dẫn đến chán học, học đối phó, bắt nạt học đường, gian lận thi cử, thậm chí tự tử ở một số trẻ em.
Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp giảm áp lực học tập như sau: về phía gia đình nên động viên trẻ, cải thiện mối quan hệ cha mẹ - con cái, truyền đạt kỳ vọng một cách tích cực; về phía nhà trườngcần tập trung vào tiềm năng của học sinh, đánh giá không dựa trên điểm số, tăng cường hỗ trợ tâm lý học đường; về phía học sinh cần rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc, ứng phó với áp lực, và chuyển hóa áp lực thành động lực.

Bài phát biểu “Đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em, không tạo áp lực để trẻ em được lớn lên với tuổi thơ ấu vô tư”của ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền trẻ em và tạo môi trường phát triển toàn diện, không áp lực cho trẻ. Ông khẳng định trẻ em là tương lai của đất nước, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên các chính sách chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc thực hiện quyền trẻ em, nhưng vẫn còn thách thức như áp lực học tập, bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích.
Ông Hà Đình Bốn chỉ ra rằng áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội có thể vi phạm quyền trẻ em, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giáo dục kỹ năng sống và nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường. Ông kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, hạnh phúc, và có tuổi thơ vô tư.

Trong phần thảo luận nhóm với 2 câu hỏi:
1. Áp lực của học sinh Tiểu học đến từ đâu và biểu hiện của áp lực?
2. Làm thể nào để giảm áp lực, để trẻ vẫn hồn nhiên, vô tư, sống đúng với tuổi thơ... mà vẫn phát huy tối đa năng lực bản thân?
Các nhóm đã chia sẻ quan điểm của mình với các nội dung sau:
1. Áp lực của học sinh Tiểu học đến từ đâu và biểu hiện của áp lực?
Nguồn gốc áp lực:
Từ nhà trường và giáo viên: Yêu cầu học tập cao, thi cử căng thẳng.
Từ gia đình: Kỳ vọng thành tích, so sánh với người khác, cắt giảm thời gian vui chơi.
Từ xã hội: Chuẩn mực "trò giỏi, con ngoan", áp lực từ mạng xã hội.
Từ bạn bè: Cạnh tranh, bắt nạt học đường.
Từ bản thân: Tự tạo áp lực để đáp ứng kỳ vọng.
Biểu hiện của áp lực:
Sức khỏe: Mệt mỏi, căng thẳng, bệnh tật.
Tinh thần: Lo âu, trầm cảm, chán nản.
Hành vi: Chống đối, học đối phó, gian lận thi cử.
2. Làm thế nào để giảm áp lực, giúp trẻ sống hồn nhiên, vô tư mà vẫn phát huy năng lực?
Các thầy cô giáo và phụ huynh đã thảo luận và đưa ra quan điểm:
+ Tạo môi trường học tập thoải mái, tôn trọng sở trường và tiềm năng của trẻ.
+ Giáo viên và cha mẹ cần thay đổi kỳ vọng, khích lệ trẻ.
+ Tăng cường "đề kháng" với áp lực, giúp trẻ tự tin, vui vẻ.
+ Cân bằng giữa học tập và vui chơi, quản lý thời gian hợp lý.
+ Tránh so sánh, tạo động lực nội tại thay vì áp lực bên ngoài.
+ Phát triển tư duy và kỹ năng sống cho học sinh.
+ Giảm áp lực từ kỳ vọng gia đình và nhà trường.
+ Tăng cường hoạt động ngoại khóa như thể thao, nghệ thuật để giải tỏa căng thẳng.
+ Phân biệt áp lực tích cực (động lực) và tiêu cực (gây tổn hại).
+ Hình thành áp lực đúng để trẻ chủ động vượt qua khó khăn.
Ý kiến chung của buổi thảo luận để giúp trẻ Tiểu học phát triển toàn diện, cần giảm áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội, đồng thời tạo môi trường học tập thoải mái, tôn trọng sở thích và tiềm năng của trẻ. Cần kết hợp giữa học tập và vui chơi, đồng thời rèn luyện kỹ năng sống và tư duy tích cực cho trẻ.
Phần toạ đàm với sự điều hành của TS. Đoàn Thị Thúy Hạnh – PGĐ Trung tâm PTBVCLGDPT QG - Viện KHGDVN, cùng các vị khách mời tham gia tọa đàm:
- TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo
- PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội
- TS. Thạch Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường TH,THCS&THPT Thực Nghiệm KHGD - Viện KHGDVN
- ThS. Bùi Ngọc Diệp - Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển CTGDPT- Trung tâm TBVCLGDPT QG - Viện KHGDVN.
-
Các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích dành cho các thầy cô giáo và phụ huynh trong việc nuôi dạy, khích lệ trẻ vượt khó, nhưng không gây áp lực khiến trẻ lo âu, mệt mỏi.
TS. Tạ Ngọc Trí đặt vấn đề phải chẳng áp lực với trẻ em ngày càng tăng dần? Làm thế nào để giảm những áp lực này? Tất cả mọi người đều thấy và biết nguyên nhân của áp lực. Về phía giáo dục đã đổi mới chương trình, sách giáo khoa sang hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh xuyên suốt ba cấp, giảm tải nội dung, thay đổi phương pháp dạy học, học sinh học chủ động, đổi mới kiểm tra đánh giá, xây dựng phong trào “trường học hạnh phúc, học sinh tích cực”, thay đổi các họp phụ huynh để giúp từng học sinh tiến bộ chứ không so sánh giữa các học sinh. Cha mẹ cần xác định học sinh đến trường để được hạnh phúc chứ không phải để đạt thành tích, quan tâm đến sự tiến bộ của nội tại của con em mình.
Chia sẻ từ kinh nghiệm ở nhà trường, cô Thạch Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT thực nghiệm khoa học Giáo dục, để học sinh không có áp lực, giáo viên nhà trường đã truyền cho học sinh những niềm vui từ khi bước chân vào công nhà trường, tạo một môi trường sắc màu trong lớp học, tổ chức các hoạt động năng khiếu nghệ thuật khác nhau để học sinh được sống trong môi trường tích cực. Học sinh được tự chủ với các công việc của chính mình. Sắp xếp hài hòa giữa các hoạt động giáo dục và hoạt động tinh thần.
Từ góc độ của một chuyên gia nghiên cứu tâm lý học gắn bó nhiều năm với công tác giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Cha mẹ hiện đại đang chịu nhiều áp lực, giáo viên cũng có quá nhiều áp lực từ các chính sách thi thua… điều này khiến học sinh cũng chịu rất nhiều áp lực. Thế giới luôn tồn tại áp lực, nên cần có các giải pháp , cách thức để trẻ em chịu được áp lực, thích nghi với áp lực. Cần tạo niềm tin để trẻ em tin rằng cha mẹ và thầy cô đang tin tưởng và không áp lực với bản thân. Cần chú trọng giáo dục các kỹ năng giúp trẻ giải toản được áp lực, nhận diện và đối diện được áp lực. nâng cao khả năng phân tích vấn đề của bản thân và tự phục hồi sau các thất bại. Cha mẹ và giáo viên, cần thay đổi góc nhìn của bản thân và giúp trẻ nhìn nhận áp lực và kỳ vọng đặt ra với trẻ em theo hướng tích cực nhằm biến những áp lực đó thành động lực nội tại của trẻ.
Các diễn giả trao đổi về nguồn gốc áp lực của học sinh cũng như những biểu hiện cụ thể của áp lực, đặc biệt là ảnh hưởng của những áp lực đó đến tâm sinh lý của trẻ em. Các diễn giả cũng đưa ra những biểu hiện cụ thể nhận diện được các áp lực của trẻ em, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể dành cho nhà trường, cha mẹ học sinh và cả bản thân học sinh giảm áp lực lên trẻ, giúp trẻ được sống tích cực, vui vẻ, hồn nhiên, sống đúng với tuổi thơ… mà vẫn phát huy tối đa năng lực bản thân".

Phát biểu tổng kết tọa đàm, GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh bốn nhóm vấn đề cần được lưu tâm “Để trẻ em Việt lớn lên với tuổi thơ không áp lực”:
Thứ nhất, chúng ta hôm nay có một chủ đề do Hội bảo vệ Quyền trẻ em đứng từ góc độ tiếp cận Quyền trẻ em. Tôi cũng rất là băn khoăn khi những nhà làm giáo dục, thầy cô cha mẹ nghĩ thế nào về Quyền. Đứng ở góc độ Trưởng ban biên soạn chương trình học năm mới, tiếp cận theo quyền, tôi phải giải thích rất nhiều câu hỏi của nhiều đại biểu khác nhau: Thế nào là quyền?
Quyền được hiểu đơn giản là những thứ chúng ta không được lấy đi của trẻ chứ không phải những gì chúng ta cho trẻ. Và ở giáo dục chúng ta tiếp cận theo hướng chúng ta cho trẻ mà lại bỏ qua việc trẻ được có quyền yêu thương, được nuôi dưỡng, được chăm sóc. Và nếu chúng ta tiếp cận theo hướng chúng ta có thể cho trẻ được gì thì chúng ta sẽ ngộ nhận chúng ta đang cho trẻ những gì tốt đẹp nhất. Nhiều người luôn nói tôi đã làm cái này cái kia tốt nhất cho trẻ, bởi vì đã không tiếp cận dưới góc độ Quyền của trẻ. Chúng ta cần có một cái gì rõ ràng, một hệ thống pháp lý đến các các điều kiện đảm bảo, chúng ta sẽ có rất nhiều lỗ hổng mà chúng ta cần quan tâm.
Thứ hai, câu chuyện áp lực đến từ quan tâm nửa vời khi kiểu ông bố bận rộn bỗng một ngày quan tâm đến bài vở của con và mắng con vì không có được thông tin gì cả. Câu chuyện này cũng hay xảy ra trong giáo dục. Chúng ta áp lực lên con do quan tâm nửa vời, do thiếu thông tin. Nếu chúng ta có 1một sự quan tâm đủ vừa phải như các thầy cô nói là tăng sự kỳ công thì câu chuyện trở nên đơn giản hơn rất nhiều, không phải tự nhiên lôi ra để so sánh con nhà người ta và áp lực lên con.
Thứ ba, áp lực đến từ sự kỳ vọng. Kỳ vọng lại đến từ mục tiêu của chúng ta. Thí dụ chúng ta kỳ vọng ở trẻ con cái gì nếu kỳ vọng của chúng ta đơn giản chỉ là con tôi phải là học sinh giỏi nhất lớp, con tôi vào được trường A, con tôi vào được trường B, con tôi được cái giải thưởng này, giải thưởng kia thì nếu đó là kỳ vọng của chúng ta thì cũng được. Nhưng một lần nữa nhấn mạnh với các thầy cô và các anh chị rằng các cái mục tiêu đó là quá nhỏ đối với một con người. Nếu chúng ta mong một đứa trẻ con chỉ là học giỏi môn nào đó, được giải thưởng nào đó hay là vào trường này trường kia thì nó quá nhỏ đối với cuộc đời một đứa trẻ. Thế thì mục tiêu sẽ phải cao hơn một chút đó là trẻ phải đạt được những thành tích rất là lớn để đi được đường dài như thế trẻ phải trải qua nhiều thử thách lớn nó sẽ vượt qua từng bước một.
Nếu chúng ta không quá áp lực với từng bước nhỏ đó chúng ta mới đi được đường dài. Nhiều ng phần lớn trong cái chặng đường đi quên mất tại sao mình lại đi, cứ chạy theo những mục tiêu nhỏ.
Thứ tư, không có lời giải dễ dàng nào cho câu chuyện áp lực với trẻ em. Cuối cùng quay lại vẫn là tình yêu thương, sự quan tâm và mong muốn thật sự từ đáy lòng chúng ta là đứa trẻ tốt lên.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất