Ông Hà Đình Bốn: Không nên tạo áp lực, để trẻ em được lớn lên với tuổi thơ vô tư
Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu quan điểm, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Phát triển toàn diện trẻ em luôn là giải pháp nền tảng, quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.
Sáng 13/3/2025, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “Để trẻ em Việt lớn lên với tuổi thơ không áp lực”. Đây là một chủ đề vô cùng quan trọng và thiết thực, bởi lẽ tuổi thơ là giai đoạn nền tảng, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của mỗi con người.
Tham dự và phát biểu tại tọa đàm, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ: “Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho trẻ em những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện để trẻ em phát triển một cách toàn diện. Phát triển toàn diện trẻ em luôn là giải pháp nền tảng, quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước trong tương lai. Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển toàn diện trẻ em trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã và đang dành nhiều ưu tiên để trẻ em được phát huy tối đa tiềm năng, phát triển toàn diện về mọi mặt thể lực, trí lực và tâm lực. Hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện cả về trí, thể, mỹ”.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW đã chỉ rõ: Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, gia đình và xã hội; tổ chức bộ máy, chính sách, nguồn lực, hệ thống y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, các dịch vụ xã hội được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; quyền trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em.
Chỉ thị số 28- CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã yêu cầu các cấp ngành tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có mục phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, trách nhiệm của các gia đình và trường, đã chỉ rõ: “Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ”.
Trong mấy năm qua mặc dù bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, an sinh xã hội được bảo đảm; thực hiện quyền trẻ em tiếp tục được duy trì và có nhiều bước tiến mới.
Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, công tác xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường được quan tâm thực hiện: Chỉ đạo lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông, trong các môn giáo dục công dân, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác, trong đó các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường; Tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; Biên soạn, phê duyệt sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, tài liệu, sổ tay hướng dẫn về phòng, chống bạo lực học đường, tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học; Tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục và nhân viên y tế về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần và tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh trong trường học; Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh.
Giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em đặc biệt là đuối nước trẻ em
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước ở trẻ em, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và Chỉ số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Ủy ban quốc gia về trẻ em đã có văn bản gửi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường các biện pháp bảo đảm môi trường an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt do cháy, nổ, đuối nước, giao thông.
Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai rà soát sửa đổi về tiêu chí ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình, trường học và cộng đồng đảm bảo thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn; tổ chức rà soát, kiểm tra và khắc phục sửa chữa kịp thời đối với hệ thống cơ sở vật chất, tài liệu học liệu, đồ dùng có nguy cơ gây mất an toàn cho người học.
Chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025, các bộ, ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, tổ chức sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện:
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em, thực hiện có hiệu quả chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện, lành mạnh đối với trẻ em. Tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình, Đề án: “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”, “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025”. Triển khai hiệu quả mô hình điểm bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh. Xây dựng tài liệu hướng dẫn chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong 5 năm đầu đời.
Tiếp tục triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục; phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội; đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Đặc biệt mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Thông tư 29 quy định về dạy thêm học thêm, khuyến khích tinh thần tự học của học sinh, giảm tải áp lực học tập cho các em.

Không áp lực để trẻ em được lớn lên với tuổi thơ vô tư
Mục tiêu của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em, để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em. Để mọi trẻ em được phát triển đầy đủ thể chất, trí tuệ và tinh thần, đảm bảo các em được thụ hưởng đầy đủ các quyền: quyền sống còn, quyền bảo vệ, quyền phát triển và quyền tham gia. Cụ thể hóa thành 25 quyền trong Luật trẻ em 2016.
Ông Hà Đình Bốn chia sẻ, áp lực là tình trạng trẻ nào cũng có thể phải đối mặt trong suốt hành trình lớn lên của mình. Tình trạng áp lực có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và gây ra những tác hại khôn lường, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ. Áp lực có thể gây ra những tác hại đến tinh thần và thể chất của trẻ.
Việc gây áp lực lên trẻ dù là gián tiếp hay trực tiếp cũng là vi phạm quyền trẻ em. Tuy nhiên để chỉ rõ ra điều luật có thể rất khó quy kết, nếu chúng ta không có tiếp cận khách quan, phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ và phù hợp các quyền, vận dụng khoa học và hợp lý. Ví dụ: Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu (Điều 16 Luật Trẻ em 2016):
- Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.
- Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Quyền vui chơi, giải trí (Điều 17 Luật Trẻ em 2016).
- Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi. Nếu cha mẹ, người có trách nhiệm gây áp lực, yêu cầu con phải học tập, học thêm mà không còn thời gian vui chơi là vi phạm quyền vui chơi của trẻ em, hoặc yêu cầu con cái phải học những nghề mà trẻ không thích, không phù hợp với năng khiếu của các em là vi phạm quyền của trẻ em “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân”. Nếu cha mẹ tạo áp lực cho con phải đạt điểm số cao, phải giành giải nhất, phải thành quán quân hay nhà vô địch trong các cuộc thi mà không phải mong muốn của trẻ dẫn đến những hậu quả về sức khỏe tinh thần của các con thì cũng có thể được coi là vi phạm quyền trẻ em.
Tuy nhiên mức độ vi phạm trong lĩnh vực này nhiều khi mang tính trừu tượng, giao thoa với nhau khó mà xác định lỗi của cha mẹ, thậm chí cha mẹ còn biện minh cho hành vi của mình là đúng, và là quyền của cha me, vì con cái họ mà phải làm. Vì thế, vô hình chung, khi trẻ bị áp lực sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì gianh giới giữa đúng và sai, giữa yêu thương và lạm dụng yêu thương rất mong manh, trẻ khó tìm được sự đồng cảm, chia sẻ kịp thời.
Ông Hà Đình Bốn cho biết, hậu quả của áp lực dẫn tới trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, suy giảm nghiêm trọng về mặt tinh thần. Căng thẳng, áp lực kéo dài khiến trẻ trở nên mệt mỏi, chán nản thậm chí suy nghĩ bi quan. Ảnh hưởng đến học tập, ảnh hưởng tâm lý và ảnh hưởng phát triển thể chất và tinh thần; trẻ em bị bế tắc, không thể tâm sự cùng ai, các em sống khép kín trở nên tuyệt vọng. Từ đó làm gia tăng các suy nghĩ và hành vi tiêu cực, dẫn đến hậu quả khó lường.

Từ thực tế nêu trên, ông Hà Đình Bốn nêu một số khuyến nghị, đề xuất giải pháp:
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em: Xây dựng ban hành cơ chế thực hiện đồng bộ, đầy đủ tất cả các quyền của trẻ em, không được coi nhẹ quyền nào, các quyền phải đảm bảo thực hiện hài hòa, hợp lý. (Ví dụ quyền học tập phải gắn với quyền vui chơi giải trí, kèm theo các thiết chế đảm bảo thực hiện…).
Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng tới mọi đối tượng và tổ chức thực hiện hiệu quả hệ thống hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em, đảm bảo thực hiện các quyền trên thực tế.
Các cơ sở giáo dục (nhà trường): thực hiện đầy đủ pháp luật về giáo dục và hệ thống hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em; không tạo áp lục cho các em, và gia đình; thực hiện cải cách giáo dục, áp dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy.
Nhà nước và các cơ quan tổ chức phải có các hình thức phù hợp như xây dựng, biên soạn, tập huấn cho gia đình, các bậc cha mẹ và các em về kỹ năng, tâm lý lứa tuổi trẻ em, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và dục trẻ em. Đồng thời có cơ chế về nguồn lực để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị để tổ chức giáo dục kỹ năng tới gia đình, cha mẹ và các em.
Đối với gia đình, các bậc cha mẹ học sinh: Gia đình, các bậc cha mẹ học sinh phải hiểu và thực đồng bộ hài hòa các quyền của trẻ em, không tạo áp lực đối với con cháu, lấy nguyên tắc mục tiêu “Lầy trẻ em làm trung tâm, hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em” và lắng nghe trẻ em, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của trẻ em. Cha mẹ phải thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng giáo dục con trở thành công dân có ích cho xã hội, để theo kịp và thích ứng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay.
Gia đình, các bậc cha mẹ học sinh phải học tập, trang bị kiến thức kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em, tâm lý xã hội đối với trẻ em, hiểu trẻ em, từ đó có cách nuôi dạy con cháu khoa học, hiểu đánh giá năng lực, năng khiếu và khả năng của con, không chạy theo trào lưu, theo ước vọng xa vời, không gây áp lực đối với con cái.
Không lạm dụng quyền cha mẹ, và hiểu sai về cách yêu thương chăm lo cho con cái để gây áp lực cho trẻ em khiến trẻ bị ép buộc phải làm theo mong muốn của cha mẹ.
Đối với bản thân trẻ em: Trước hết các em cũng phải hiểu quyền của mình và trách nhiệm thực hiện các bổn phận của trẻ, để chăm chỉ học tập, tùy theo lứa tuổi mà tham gia học tập, lao động hợp lý; không tự gây áp lực cho mình, có ý thức học tập; có tinh thần hợp tác, không ganh đua, có tình thương yêu ông bà cha mẹ và yêu quý bạn bè.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất