Làm thế nào để hình thành văn hóa đọc cho trẻ?
Duy trì niềm yêu thích của trẻ với sách và khuyến khích chúng dần hình thành văn hóa đọc là vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy tư duy, tầm hiểu biết và trau dồi ngôn ngữ.
Hình thành thói quen đọc sách từ cha mẹ
Nếu con bạn nhìn thấy cha mẹ luôn cầm một cuốn sách trên tay trong mỗi khoảnh khắc rảnh rỗi, chúng cũng bắt đầu có cảm hứng để cầm một cuốn sách theo mình. Ngoài ra, hãy tìm hiểu và cho con tiếp xúc với sách ngay cả khi chúng chỉ mới vài tháng tuổi. Đọc sách về âm nhạc, sách về mở rộng vốn từ, sách về rèn luyện thói quen tốt, những mẩu chuyện nhỏ,... Khi con lớn hơn, cha mẹ có thể chuyển sang đọc cùng con. Cuối cùng có thể yêu cầu con tự đọc. Thường xuyên đọc sách cho con sẽ tạo cho bé tình yêu với sách và niềm đam mê đọc sách. Từ đây cũng là tiền đề cho việc học tập sớm và tốt cho việc học của bé sau này.
Sử dụng sách làm quà tặng cho trẻ
Khi chọn quà cho ngày sinh nhật và các dịp lễ đặc biệt trong năm, cha mẹ hãy đảm bảo rằng sách là ưu tiên hàng đầu của các thành viên trong gia đình. Hãy cho trẻ được tìm hiểu nhiều loại sách khác nhau nhưng vẫn cần đảm bảo rằng chúng phù hợp với lứa tuổi. Sách là kho báu quý giá đi theo năm tháng mà con trẻ sẽ trân trọng ngay cả khi chúng đã lớn lên. Hãy để tủ sách và kiến thức của con cùng phát triển với nhau.
Thiết kế góc đọc sách
Cha mẹ hãy đảm bảo rằng ngôi nhà của mình có những góc đọc sách yên tĩnh và thoải mái. Một cửa sổ đầy đủ ánh sáng, một chiếc võng trong vườn, một chiếc xích đu ở ban công có thể là những nơi lý tưởng để thiết lập góc đọc sách của trẻ. Những chiếc thảm, đệm và ghế tựa cũng có thể mang lại cảm giác ấm cúng và dễ chịu hơn khi được đặt ở những vị trí quan trọng. Thiết kế những góc đọc như vậy sẽ giúp con bạn có thể ngồi thoải mái trong nhiều giờ đồng hồ và thích thú với việc đọc sách.
Cung cấp nơi lưu trữ sách
Bất cứ nơi nào có diện tích và thoáng mát, hãy đặt các kệ và giá sách để trẻ có thể dễ dàng với tới và lấy những quyển sách. Ngoài ra, khi những cuốn sách ở vị trí thu hút sự chú ý của trẻ mỗi khi chúng đi ngang qua, trẻ thường sẽ có động lực cầm cuốn sách lên và đọc.
Đăng ký thẻ thư viện
Đôi khi cha mẹ không thể có đủ khả năng để mua hết số sách ở nhà sách cho con của mình. Vì vậy, đăng ký cho con thẻ vào thư viện cũng được coi là một sự lựa chọn tốt. Hãy cùng con đến thư viện thường xuyên cho tới khi chúng đủ lớn để tự lập và tự lựa chọn những cuốn sách mà chúng muốn đọc.
Ngoài ra, các thành viên trong gia đình có thể mượn sách của nhau để đọc hoặc trao đổi với bạn bè. Bằng cách đó, cha mẹ không phải chi trả quá nhiều chi phí cho việc đọc sách.
Tham gia các câu lạc bộ văn học
Khi tham gia các câu lạc bộ văn học, trẻ sẽ có cơ hội thảo luận về những cuốn sách đã đọc với mọi người, tranh luận về cốt truyện và phân tích các bài học trong đó. Điều này, sẽ kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và giúp trẻ có cơ hội tìm hiểu thế giới xung quanh, từ đó nó sẽ thúc đẩy chúng đọc nhiều và nhiều hơn nữa.
Thành lập các nhóm đọc sách trong gia đình
Không có gì bằng việc thành lập các nhóm đọc sách cùng các thành viên trong gia đình, trong đó mỗi nhóm có thể cùng nhau đưa ra danh sách sách để cùng nhau đọc trong một khoảng thời gian, sau đó họ có thể thảo luận về sách. Thỉnh thoảng có thể tổ chức các buổi đọc sách cùng nhau. Tất cả những hoạt động này sẽ khiến trẻ ngày càng cuốn hút vào sách.
Phân bổ thời gian đọc hàng ngày
Hãy giúp trẻ tạo thói quen dành một khoảng thời gian cụ thể trong ngày để đọc sách. Cha mẹ cần đảm bảo rằng không có bất kỳ yếu tố nào tác động ảnh hưởng đến thời gian tập trung đó ví dụ như cấm xem TV và sử dụng điện thoại. Nếu cả gia đình cùng tham gia đọc sách vào một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày, điều đó sẽ khiến con bạn hứng thú hơn với việc đọc sách.
Tạo danh sách phù hợp
Hãy lập danh sách đọc cho từng thành viên trong gia đình theo sở thích của mỗi cá nhân. Hãy tạo điều kiện cho con được lựa chọn những cuốn sách mà chúng muốn đọc và đưa chúng vào danh sách đó theo thứ tự, tuy nhiên hãy đảm bảo rằng nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau và chủ đề phải phù hợp với lứa tuổi.
Lập kế hoạch đọc
Cùng với danh sách đọc được đưa ra, cha mẹ cũng có thể xây dựng kế hoạch đọc sách cho con trong 6 tháng - 1 năm. Điều đó sẽ thúc đẩy con liên tục đọc để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, nó cũng sẽ tạo ra một số cuộc cạnh tranh lành mạnh trong gia đình để xem thành viên nào sẽ đọc hết được danh sách đó trong một khoảng thời gian quy định.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất